TPHCM: Chất lượng các TCTD đã vững vàng
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là vấn đề trung dài hạn, tuy nhiên trong khoảng 2 năm qua, các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu thay đổi lớn nhất là đã nâng cao chất lượng tài sản có.
Trong 9 ngân hàng nằm trong diện phải tái cơ cấu, có 4 trường hợp nằm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đến nay 3 ngân hàng hợp nhất đầu tiên (NHTMCP Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa) đã hoạt động ổn định và đã kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Riêng Navibank được phép tái cơ cấu theo diện tự củng cố bằng nguồn lực trong nước. Một số ngân hàng khác trên địa bàn cũng nằm trong lộ trình tự sắp xếp lại để mạnh hơn và thời gian qua, cũng đã có những thay đổi căn bản tạo đà cho cuộc chuyển đổi sang một thế hệ ngân hàng hoạt động vững mạnh an toàn hơn.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là vấn đề trung dài hạn, tuy nhiên trong khoảng 2 năm qua, các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu thay đổi lớn nhất là đã nâng cao chất lượng tài sản có. Trong đó, phải kể đến hoạt động cho vay của các ngân hàng đã an toàn hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2011 trở về trước. Mặc dù nợ xấu vẫn phát sinh và chiếm hơn 5% trong tổng dư nợ, nhưng cơ bản các khoản vay đã được kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Kết quả này trước hết cho thấy, các ngân hàng đã nỗ lực tìm ra giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh, đáng kể nhất là họ đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ này để phòng ngừa rủi ro theo đúng bản chất của nó.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2013, 14 NHTMCP đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 2.300 tỷ đồng và sử dụng để xử lý rủi ro gần 1.000 tỷ đồng; số dư quỹ dự phòng rủi ro đến cuối tháng 6/2013 khoảng 9.300 tỷ đồng. Ngoài ra, việc thành lập và đi vào hoạt động của VAMC sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn. Từ nay đến hết năm 2013 số nợ của các NHTM dự kiến bán cho VAMC vào khoảng 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc xử lý nợ bằng các giải pháp nêu trên, các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng tín dụng chất lượng cao, hạn chế nợ xấu phát sinh. Biểu hiện rõ nhất là tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn đến cuối tháng 8 đã đạt trên 4,87% so với cuối năm 2012. Tổng tài sản của các TCTD đạt 172.260 tỷ đồng, đặc biệt nguồn vốn huy động tăng 6,99%, vốn điều lệ cũng tăng trên 2,6% do các NHTMCP trên địa bàn đã tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và một số TCTD tìm kiếm nguồn lực tài chính trong nước.
Sự tăng trưởng của các chỉ số căn bản trong hoạt động kinh doanh trên đã hạn chế được nợ xấu phát sinh. Trên cơ sở đó, các ngân hàng có điều kiện tập trung nâng chất lượng cho các khoản vay, trong đó, việc tập trung cho vay nhóm lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo định hướng của chính sách tiền tệ đã đạt và giúp DN trên địa bàn phục hồi sản xuất. Cụ thể, tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay, quý sau cao hơn quý trước: quý I tăng 7,6%, quý II tăng 8,1, quý III tăng 10,3%.
Từ việc các ngân hàng tập trung vào hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh cũng tạo thêm thanh khoản cho các TCTD, khi đó các ngân hàng có điều kiện đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ngoài việc sử dụng vốn huy động tập trung cho vay DN, nhiều ngân hàng đã quan tâm hơn đến đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và các loại giấy tờ có giá khác để dự trữ thanh khoản. Không chỉ ổn định thanh khoản mà các TCTD còn hướng dòng tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro cao.
Theo đó, tổng vốn cho vay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn chỉ chiếm 10% trên tổng dư nợ của các TCTD. Trên cơ sở đó tạo ra hệ số an toàn vốn đảm bảo an toàn hơn so với những năm trước đây: tỷ lệ sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn ở mức 85% trong khi tỷ lệ này 2 năm trước hơn 100%. Thậm chí hệ số sử dụng vốn của 14 NHTMCP trên địa bàn thấp hơn mức bình quân chung, chỉ vào khoảng 75% so với mức trên 86% vào thời điểm năm 2012. Trên cơ sở hoạt động an toàn hiệu quả đã tạo điều kiện cho chính các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, một số ngân hàng đã hoạt động bền vững hơn.
Những cơ sở phân tích trên đã cho thấy, hoạt động tái cơ cấu ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh đã có nhưng kết quả mới chỉ là bước đầu. Để sự ổn định bền vững hơn, các TCTD trên địa bàn cần: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho những dự án sản xuất kinh doanh và đầu tư có hiệu quả. Trong đó hướng vào những công trình tăng vòng quay luân chuyển vốn góp phần tăng trưởng kinh tế mục tiêu 9,5% trong năm 2013 của TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai, các TCTD tăng cường hơn nữa việc đa dạng hóa đầu tư để đảm bảo hệ số sử dụng vốn tối thiểu theo chuẩn quốc tế (Basel 2).
Thứ ba, trong trung hạn, đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, hướng đến năm 2015 nợ xấu của hệ thống ngân hàng đảm bảo dưới 3%.
Trong điều kiện hiện nay ngoài việc thực hiện đề án tái cơ cấu của NHNN Việt Nam, các NHTM phải xác định tự củng cố hoạt động kinh doanh không chỉ là cơ hội của các ngân hàng yếu kém, mà còn là thời cơ cho những ngân hàng khác đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng chất lượng cho dịch vụ tài chính ngân hàng, nâng cao hiệu suất sử dụng vốn để đảm bảo an toàn tài chính. Từ đó tạo ra đột phá trong tăng trưởng nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
thời báo ngân hàng
|