Thứ Tư, 02/10/2013 13:51

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: “Tăng đầu tư công là cần thiết”

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề xuất tăng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014, TS Lê Xuân Nghĩa - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh - cho rằng đây là động thái cần thiết để có nguồn vốn đầu tư phát triển.

Nhiều gói thầu của đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên phải dừng thi công do chưa bố trí được vốn

Ông Nghĩa nói:

- Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí... phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên, góp phần tích lũy ngày càng cao vào chi đầu tư phát triển. Đó là nguyên tắc, còn thực tế nhiều năm nay chúng ta chi nhiều hơn thu, nghĩa là còn bội chi. Theo số liệu của Bộ Tài chính, chín tháng đầu năm nay bội chi khoảng 140.755 tỉ đồng, xấp xỉ 86% tổng mức bội chi (4,8% GDP tương đương với 162.000 tỉ đồng) đã được Quốc hội quyết định đầu năm. Vào cuối năm, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu vĩ mô lớn do Chính phủ trình, Quốc hội sẽ quyết định mức bội chi cho năm sau. Nghĩa là mức bội chi cho năm 2014 có là 5,3% hay không sẽ do Quốc hội quyết tại kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 10.

* Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội mức bội chi cho năm 2014 là 5,3%, tăng 0,5% so với mức bội chi của năm 2013 là 4,8%. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Lý do chủ yếu Chính phủ trình Quốc hội mức bội chi cao hơn trong năm 2014 là để góp phần phục hồi kinh tế. Tình hình kinh tế khó khăn đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách, trong khi nhu cầu chi đầu tư phát triển của nước ta rất lớn.

Trong cơ cấu các nguồn vốn đầu tư có đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài... Khu vực đầu tư nước ngoài có tăng nhưng vừa phải. Hiện nay khu vực tư nhân đang gặp khó khăn rất lớn do lực cầu yếu, muốn tăng cũng không được. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư lâu nay dựa vào vốn vay ngân hàng là chính, nhưng tín dụng không ra được do đang có nợ xấu. Nói “tiền thừa, vốn thiếu” là vì như vậy. Trong bối cảnh đó chẳng lẽ chúng ta đành bó tay? Đẩy đầu tư công lên thông qua bội chi để có nguồn đầu tư phát triển theo tôi là quyết định cần thiết.

* Bội chi chính là một khoản vay, nếu sử dụng không hiệu quả thì gánh nặng trả nợ sẽ dồn vào các thế hệ sau?

- Đúng là bội chi ngân sách nhà nước được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước, nên phải sử dụng sao cho hiệu quả để có nguồn trả nợ. Điều quan trọng như Chính phủ đã cam kết là bội chi ngân sách sẽ dùng để đầu tư phát triển, kiên quyết không dùng ăn tiêu tạo thêm gánh nặng cho con cháu.

Tôi cho rằng đối với chi thường xuyên không những không được tăng thêm mà còn phải tìm cách cắt giảm mạnh. Chỗ này có rất nhiều tiềm năng để cắt giảm vì đang tồn tại hàng loạt lãng phí rất lớn. Chúng ta cứ nhìn vào những con số này sẽ thấy trong vòng 10 năm từ 2003 - 2013, tổng chi ngân sách tăng 4,9 lần, trong đó chi thường xuyên tăng 7 lần, chi đầu tư từ ngân sách tăng được 3 lần. Như vậy là chi thường xuyên tăng rất lớn, trong khi chi đầu tư tăng khiêm tốn và nếu như trừ đi lạm phát thì hầu như không còn. Lãng phí trong chi thường xuyên thì dư luận đã lên tiếng lâu nay rồi, nào là xây trụ sở, nào là mua sắm ôtô, tăng biên chế, đi nước ngoài...

* Những khoản tiền này khi đi vào từng công trình cụ thể, đi xuống địa phương liệu có đảm bảo đúng mục đích, đúng địa chỉ hay lại xảy ra tiêu cực như với không ít dự án đầu tư công lâu nay?

- Về lâu dài chúng ta phải siết đầu tư công, tập trung khơi thông và đẩy mạnh đầu tư tư nhân, thu hút tốt hơn đầu tư nước ngoài. Có như vậy mới giảm dần thâm hụt và tiến tới cân bằng ngân sách. Với tình hình hiện nay, muốn phục hồi tăng trưởng thì vẫn phải tăng đầu tư công, tất nhiên đi liền với đầu tư công là phải giám sát chặt chẽ.

Hiệu quả của đầu tư công tới đâu phụ thuộc rất lớn vào năng lực thực hiện của cả bộ máy, trong đó cần phải nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Các bộ, ngành có liên quan nên rà soát thường xuyên, nếu địa phương nào không thực hiện đúng chỉ thị này thì nên công khai danh sách kèm theo chế tài cụ thể.

V.V.Thành thực hiện

Phát hành thêm 360.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ “vẫn an toàn”

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong ba năm 2014-2016 có thể phát hành khoảng 360.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, vẫn đảm bảo an toàn nợ công (với mức trần nợ công không quá 65% GDP thì mức phát hành trái phiếu chính phủ khoảng 340.000 - 450.000 tỉ đồng). Trừ số vốn trái phiếu chính phủ hai năm 2014-2015 đã được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2012-2015 là 75.000 tỉ đồng, dự kiến số vốn trái phiếu Chính phủ tăng thêm 285.000 tỉ đồng, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ của các bộ, ngành và địa phương.

(Nguồn: Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư)


tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Vốn FDI vượt mức kế hoạch cả năm 2013 (02/10/2013)

>   Ủy ban Giám sát Tài chính: Lạm phát sẽ ổn định quanh mức 7% (01/10/2013)

>   Tổ điều hành thị trường trong nước: CPI tháng 10 dự báo tăng 0,5-0,6% (01/10/2013)

>   PMI tháng 9: Số lượng đơn đặt hàng và việc làm tăng kỷ lục (01/10/2013)

>   Lao động đăng ký thất nghiệp giảm (01/10/2013)

>   Fitch: Kinh tế Việt Nam tương đối linh hoạt nhưng ngân hàng vẫn là rào cản (30/09/2013)

>   Kế hoạch 5 năm và sự nhọc nhằn của GDP (30/09/2013)

>   Thủ tướng: Hạ giá VNĐ và nâng room ngoại tại ngân hàng lên 49% trong tương lai gần (30/09/2013)

>   Rủi ro nhất của khủng hoảng kinh tế là để xã hội bất ổn (30/09/2013)

>   Quý IV/2013, TPHCM cần 60.000 lao động (30/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật