Tiền đâu để tăng bội chi?
Chính phủ muốn xin Quốc hội nâng tỷ lệ bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP, tương đương khoảng hơn 20.000 tỉ đồng nhằm tăng đầu tư, đảm bảo GDP năm 2014 ở mức không quá thấp. Nhưng chưa nói đến áp lực nợ công, nỗi lo lạm phát, việc huy động nguồn vốn cho mục tiêu này cũng không hề đơn giản.
* Đề xuất nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP
QL14 cũng cần được đầu tư
|
Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 116.000 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức dự toán năm 2013 là 175.000 tỉ đồng. Do vậy phải phát hành thêm 80.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để bù đắp. Tuy nhiên, cộng 2 nguồn này lại thì tổng mức đầu tư mới chỉ được 196.000 tỉ đồng, tương đương 4,8% GDP (bằng chỉ tiêu Quốc hội giao). Mức này không thể đảm bảo cho tăng trưởng GDP ít nhất đạt 5,2% (con số ước tính thực hiện trong 2013). Vì vậy, Bộ Tài chính phải tiếp tục xin Chính phủ trình ra Quốc hội nâng trần bội chi lên 5,3% tương ứng khoảng 224.000 tỉ đồng, xem như là phương án cuối cùng.
Huy động nguồn vốn trái phiếu
Một thời gian dài doanh nghiệp đầu tư theo phong trào, quy mô đầu tư lớn không kiểm soát được, cần phải điều chỉnh mới giải quyết được nợ đọng hiệu quả, không thì rất khó khăn
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng
|
Để thực hiện được Chính phủ sẽ phải đứng ra huy động nguồn vốn trái phiếu không nhỏ, theo chủ trương được Thủ tướng kết luận khoảng 100.000 tỉ đồng. Thế nhưng, việc huy động này thực tế chẳng đơn giản, khi từ tháng 7 - 9, trái phiếu chính phủ phát hành bán được đang ngày một giảm, tổng mức huy động những tháng đầu năm bình quân 17.000 - 18.000 tỉ đồng/tháng nay giảm xuống chỉ còn 8.000 - 9.000 tỉ đồng/tháng.
Ngay cả 225.000 tỉ đồng trái phiếu theo nghị quyết Quốc hội giai đoạn 2011 - 2015 cho các dự án mục tiêu đang có nguy cơ bị thiếu khoảng 161.000 tỉ đồng.
Cùng với đó, thời gian tới dự án mở rộng QL1A, QL14 đã có trong chủ trương chung sẽ cần huy động một nguồn vốn không nhỏ, nguồn này cũng được xác định huy động bằng trái phiếu. Nhu cầu này cho thấy tốc độ phát hành trái phiếu thời gian tới diễn ra quá gấp và khối lượng quá lớn, lên hàng trăm ngàn tỉ đồng không hề dễ dàng một chút nào.
Bên cạnh đó, việc nâng trần bội chi khiến nhiều chuyên gia lo ngại làm gia tăng nợ công, cũng như áp lực đến lạm phát. Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, tán thành mức tăng nhưng lo ngại nếu dùng tiền này để bù đắp chi thường xuyên, hoặc đầu tư không đúng địa chỉ sẽ không tạo được cú hích tăng trưởng GDP. Ngược lại, theo ông, không khéo sẽ “làm mồi” cho lạm phát. Đại biểu Quốc hội này đề nghị phải có sự giải trình kỹ lưỡng về phương án, danh mục dự án cụ thể, tiêu chí đảm bảo an toàn nợ công thì ông “mới có thể yên tâm bấm nút thông qua”.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh cũng đặc biệt lo lắng trước đề nghị tăng mức bội chi ngân sách. Vì thực tế cho thấy, những năm qua cứ năm nào đẩy bội chi lên cao là lạm phát lại tăng, đó là chưa kể lượng lớn trái phiếu chính phủ phát hành thêm trong thời gian tới.
Bán bớt vốn nhà nước?
Nhiều thành viên đề xuất Bộ Tài chính nên tăng cường bán cổ phần hóa tại các doanh nghiệp (DN) nhà nước không cần kiểm soát thu tiền về ngân sách. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng trong điều kiện khó khăn, “cái nào làm được cần phải làm ngay”. Đơn cử như các DN xây lắp trong ngành giao thông, Bộ GTVT đang kiên quyết chỉ đạo việc bán vốn nhà nước xuống dưới 36%, vì có để nhà nước chi phối cũng không mang lại hiệu quả nhiều. “Như trường hợp Tổng công ty khí, chúng ta cũng không nên giữ vì nó chỉ là DN thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, thu khí và bán lại. Tổng vốn điều lệ lên tới 19.000 tỉ đồng, trong đó nhà nước chiếm 97% nếu bán đi sẽ thu được rất nhiều tiền cho ngân sách”, ông Thăng đề xuất cụ thể.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đồng tình việc cần thiết đầu tư cho các dự án quan trọng như mở rộng QL1A, QL14, nhưng với dự án không cấp thiết, cấp bách như dự án xử lý thiên tai sông Hồng, sông Lô nên tạm hoãn lại. “Một thời gian dài DN đầu tư theo phong trào, quy mô đầu tư lớn không kiểm soát được, cần phải điều chỉnh mới giải quyết được nợ đọng hiệu quả, không thì rất khó khăn”, ông Dũng nói và đề xuất thêm một số sản phẩm có thể xuất khẩu như đá trắng, cát cũng cần tính tới để tăng nguồn thu.
Giải pháp có thể coi là trọng yếu từ nay đến cuối năm để tăng thu, theo Bộ trưởng Thăng là phải tăng cường chống thất thu, nợ đọng thuế, vì tình trạng này đang xảy ra với mức độ quá lớn. “Cán bộ thuế tư vấn cho DN cách để giảm thu thuế rồi chia đôi số tiền lẽ ra của ngân sách mỗi bên một nửa. Thất thu thuế cực kỳ lớn, hôm rồi Bộ đi mua mấy chục cái máy vi tính có hóa đơn thì họ lấy từng này tiền, không lấy hóa đơn thì được giảm bớt đi”, ông Thăng bức xúc nói.
Chưa nên làm
Chuyên gia Kinh tế Tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: “Khi nền kinh tế khó khăn, khó để thu thuế thì việc tăng bội chi là điều chưa nên làm. Thứ nữa, với cách lý giải tăng bội chi để đầu tư công, nhằm kích cầu là điều xưa nay hiếm, nếu không nói là tạo thêm nguy hiểm cho nền kinh tế. Tôi nói thẳng, VN không phải là nơi đầu tư công để phát triển kinh tế. Việc chúng ta nên làm lúc này là làm sao để DN hoạt động tốt, ổn định chứ không phải để bị chết và chết lâm sàng như vầy. DN hoạt động tốt mới có nhiều việc làm, giảm thất nghiệp thì tự nhiên có nhu cầu mua sắm. Đó chính là kích cầu, chứ không phải tăng ngân sách để đầu tư công, nhất là trong thời buổi khó khăn này”.
Nguyên Nga (ghi)
|
Anh Vũ
thanh niên
|