Thị trường bán lẻ điện máy ngập tràn cá mập
Ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc điều hành Royal Business School, một doanh nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, cho rằng, thị trường bán lẻ công nghệ - điện máy đã chật hẹp và luôn đông đúc những con cá mập sẵn sàng cấu xé nhau. Muốn tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải có vốn lớn, thương hiệu tin cậy, chiến lược bài bản và quản lý tốt.
Theo báo cáo của GfK, ngành bán lẻ công nghệ - điện tử quý II/2013 vẫn có mức tăng trưởng về giá trị là 17,9% so với quý II/2012. Ông nhận xét như thế nào về con số này?
Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường có sự phục hồi, bên cạnh yếu tố trượt giá và sự tăng trưởng về mặt cơ học (dân số tăng hơn so với năm 2012). Thị trường bán lẻ công nghệ, điện tử bao gồm cả lĩnh vực điện máy, điện tử gia dụng, điện thoại, máy tính…
Trong đó, theo tôi, sự tăng trưởng này có đóng góp không nhỏ của mặt hàng điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Với xu thế đây không còn là sản phẩm sử dụng bền lâu mà liên tục được thay thế, các hãng điện thoại đã cho ra đời nhiều mẫu mã sản phẩm mới và kích hoạt thị trường nhờ chính sách marketing.
Chính cuộc đua gay gắt trên thị trường điện thoại, máy tính cũng đóng góp cho sự tăng trưởng nói trên.
Hiện trên thị trường nổi lên hai tên tuổi cạnh tranh nhau gay gắt là Thế giới di động và Nguyễn Kim. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ này, ông có bình luận gì?
Việc hai tên tuổi này luôn có sự tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận cũng không khó lý giải. Thứ nhất, họ trường vốn để có thể tung tiền ra ôm lượng hàng lớn nhằm khống chế thị trường và tung các chương trình khuyến mãi lớn để thu hút khách. Thứ hai, thương hiệu của họ được người tiêu dùng tin cậy. Thứ ba, họ quản lý tốt và đầu tư bài bản.
Riêng Thế giới di động, ngoài các yếu tố đã phân tích, họ còn tập trung phát triển mạnh mảng di động và nhờ sự tăng trưởng nhanh của ngành điện thoại thông minh và máy tính bảng, nên doanh thu tăng cũng là dễ hiểu. Bên cạnh đó, tại mỗi cửa hàng của Thế giới di động, họ còn thu được nhiều tiền từ hoạt động bán sim, thẻ cào, dán điện thoại và các thiết bị phụ trợ. Với dienmay.com, do mô hình nhỏ, nên họ phát triển nhanh và cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu chung của Công ty.
Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến các hãng bán lẻ khác như WonderBuy, Best Caring, Home One bị đè bẹp?
Có thể nói, thị trường bán lẻ điện máy - công nghệ đã là đại dương đỏ, bị lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh và được khai thác rất sâu.
Trong đó, đã xuất hiện những con cá mập sẵn sàng cấu xé nhau hoặc nuốt chửng những chú cá con chập chững ra khơi.
Các công ty muốn tồn tại phải tìm cách vượt trội hơn để chiếm được thị phần lớn hơn trong thị trường.
Riêng WonderBuy thất bại là do dự đoán sai thị trường. Sau một thời gian tham gia thị trường, họ thấy cần phải rút lui để tránh thua lỗ thêm.
Ông bình luận thế nào về việc Nguyễn Kim chuyển sang phân phối đồ gia dụng tại các cửa hàng của họ, ngoài các mặt hàng là công nghệ điện tử?
Tôi có nghe thông tin này và tôi nghĩ đó là một cách đi bình thường. Có thể các nhà quản lý của Nguyễn Kim rất muốn các trung tâm thương mại của mình trở nên đúng nghĩa hơn, chứ không chỉ bán công nghệ điện tử.
Vấn đề là họ có đào tạo được đội ngũ quản lý theo kịp với bước chuyển đó hay không và đây cũng là lý do họ mới thử nghiệm một số mặt hàng. Nếu quản lý tốt, bước chuyển đó có thể là giải pháp cho họ trong bối cảnh thị trường công nghệ điện tử bão hòa như hiện nay.
Còn Thế giới di động khẳng định sẽ lấn sang mạnh mẽ ở lĩnh vực điện máy và tập trung vào ngành công nghệ điện tử. Ông đánh giá thế nào về chiến lược đó?
Bản thân những ông chủ của Thế giới di động đã có những bước đi bài bản về chiến lược kinh doanh lẫn thu hút vốn đầu tư, nên tôi tin họ có lý khi khẳng định như vậy. Hơn thế, với mô hình nhỏ gọn, hệ thống bao phủ lớn, thì họ tránh sự đối đầu trực tiếp với Nguyễn Kim.
Một bên dùng độ phủ rộng, một bên tập trung vị trí trọng điểm và mở rộng ngành hàng. Với một thị trường điện tử công nghệ được mệnh danh “đại dương đỏ” như hiện tại, quyết định này của Thế giới di động là rất khôn ngoan.
Lê Tân
đầu tư
|