Thứ Năm, 03/10/2013 13:25

Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP: Chỉ thấy thách thức

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là sân chơi cho các doanh nghiệp, bởi vậy tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Xét riêng về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), một vấn đề đầy thách thức khi gia nhập TTP, các doanh nghiệp cần mạnh mẽ lên tiếng đối với Đoàn đàm phán Việt Nam để có các chiến lược phù hợp.

Thứ nhất, yêu cầu bác bỏ các đề xuất chưa phù hợp, nhất là đối với lĩnh vực dược phẩm và sản xuất nông nghiệp, không chấp nhận việc gia tăng thời hạn các quyền tác giả, không bổ sung các đối tượng được bảo hộ; không hạ thấp các tiêu chuẩn bảo hộ và yêu cầu có lộ trình tham gia.

Thứ hai, bám sát các tiêu chuẩn mà TRIPs(*) đã đề ra. Việt Nam vẫn đang trên tiến trình đáp ứng các tiêu chuẩn của TRIPs từ sau khi gia nhập WTO nên việc áp dụng các quy định nào khác có khung pháp lý về SHTT cao hơn đều vượt quá khả năng của các doanh nghiệp. Hiện có một số bản đề xuất về SHTT của các nước được tiết lộ, trong đó đề xuất của Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn nhất.

Dược phẩm và nông hoá phẩm chịu rào cản lớn

Quyền SHTT trong TPP đề cập đến tất cả các nội dung như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, đến việc thực thi quyền SHTT, nguồn gen và tri thức truyền thống…Có thể nói, SHTT trong TPP có phạm vi rất rộng với yêu cầu cao hơn hẳn và tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập.

Nội dung bảo hộ được mở rộng thêm cho nhiều loại đối tượng như bảo hộ nhãn hiệu cho cả âm thanh, mùi thơm, bảo hộ độc quyền cho bất kì một hình thức nào mới, cách thức hoặc phương pháp sử dụng mới đối với sản phẩm đã được biết tới dù sáng tạo đó không dẫn tới việc tăng hiệu quả đã được biết tới của sản phẩm cũ.

Quyền SHTT trong TPP đặc biệt bất lợi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và nông hóa phẩm. TPP hạn chế sự cạnh tranh trong kinh doanh và sử dụng thuốc generic là loại thuốc sản xuất theo biệt dược đã hết thời hạn bảo hộ độc quyền sáng chế.

Đề xuất của Hoa Kỳ yêu cầu bảo hộ cho cả thực vật, động vật và các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán, chữa bệnh cho cả người và động vật. Khi đó, chi phí cho việc nuôi trồng, phòng và chữa bệnh sẽ lớn hơn nhiều.

Việc sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phụ thuộc vào sự cho phép và trả phí cho chủ sở hữu bản quyền. Việc lưu giữ giống để sử dụng từ mùa trước sang mùa sau cũng sẽ bị ngăn cản.

Liên quan đến độc quyền dữ liệu, TPP quy định các doanh nghiệp muốn đăng ký lưu hành một sản phẩm tương tự dù đã hết hạn bản quyền phải tự tập hợp các dữ liệu và thực hiện lại tất cả các thử nghiệm lâm sàng. Điều này làm gia tăng chi phí sản xuất cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian bảo hộ tác quyền cũng được đề xuất thêm từ 15-20 năm, khiến cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại thêm số năm tương ứng, làm cản trở tri thức và phát triển kinh tế.

Vi phạm bản quyền thêm rối?

Theo BSA, năm 2011 Việt Nam đứng thứ 21 về mức độ vi phạm bản quyền phần mềm với tỷ lệ vi phạm lên tới 81%, tương ứng với giá trị là 395 triệu đô la.

Mức độ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam qua các năm
Nguồn: BSA, “2011 BSA Global Software Piracy Study, Ninth Edition”

Dễ thấy các doanh nghiệp Việt Nam khó lòng đạt được các tiêu chí mà TPP đặt ra. Tình trạng vi phạm bản quyền có thể bị làm cho trầm trọng hơn, khả năng bị kiện cũng lớn hơn, làm phát sinh các chi phí về tòa án và trọng tài.

Khó dễ…bằng sáng chế

Hoa Kỳ đang định hướng dễ dàng hơn trong việc cấp bằng sáng chế nhưng ngược lại thì việc phản đối hay hủy bỏ bằng sáng chế lại trở nên khó khăn.

Khi muốn phản đối một bằng bảo hộ sáng chế, việc phản đối này không được phép thực hiện trước khi bằng sáng chế được cấp. Điều này làm giảm tính minh bạch và có thể khiến gia tăng các vụ kiện tụng về sáng chế.

Trong lĩnh vực y tế, các doanh nghiệp sản xuất thuốc generic tiếp cận thị trường khó khăn hơn, tình trạng độc quyền dược phẩm thiếu cơ sở vẫn tiếp tục tồn tại cho tới khi các phản đối sau khi cấp bằng có kết quả cuối cùng.

Về vấn đề liên kết xin cấp bằng sáng chế, mỗi đơn yêu cầu cho phép một sản phẩm thuốc tiếp cận thị trường, cơ quan chức năng phải rà soát và thông báo cho chủ sở hữu các bằng sáng chế có liên quan biết, nếu có khiếu nại phải dừng việc cấp phép cho đến khi khiếu nại được giải quyết.

Quy định này tạo điều kiện cho chủ sở hữu văn bằng của Mỹ áp chế và gây khó dễ cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi các cơ quan có thẩm quyền có thể tự động trì hoãn cấp phép lưu hành cho các loại thuốc generic khi có khiếu nại. Trong khi thuốc sản xuất ở Việt Nam, hay thuốc nhập từ Ấn Độ, đa phần là thuốc gốc giá rẻ.

Việt Nam hiện tại khó lòng có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn về SHTT khi gia nhập TPP. Do đó, Việt Nam cần thảo luận đàm phán về SHTT trong TPP theo hai hướng: Một mặt, hạn chế tối đa mọi sự điều chỉnh làm mở rộng các quyền của tác giả. Mặt khác, phản đối việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan so với quy định của TRIPS.

----------------------------------------------

(*) TRIPS là hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ được ký kết cùng với sự ra đời của WTO. TRIPS là một điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực SHTT, phải được tất cả các nước thành viên WTO tuân thủ và thi hành.

Đinh Hoàng Thắng

Các tin tức khác

>   Samsung nhận giấy phép dự án 1,2 tỷ USD tại Thái Nguyên (03/10/2013)

>   Thị trường hàng tiêu dùng tăng nhanh trở lại (03/10/2013)

>   Xuất khẩu năm 2013: Sẽ vượt mục tiêu (03/10/2013)

>   Sữa xách tay “qua mặt” cơ quan chức năng (03/10/2013)

>   Xuất khẩu Việt Nam thiếu trụ đỡ vững chắc (02/10/2013)

>   DFID tài trợ 2,5 triệu USD cho các dự án kinh doanh sáng tạo (02/10/2013)

>   Đã đến lúc tăng đầu tư công? (02/10/2013)

>   EVN bị truy thu thuế nhập khẩu điện (02/10/2013)

>   Hủy tài sản triệu “đô”, doanh nghiệp đối diện rắc rối pháp lý (02/10/2013)

>   Vắng vẻ vùng nuôi tôm công nghiệp (02/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật