Thứ Bảy, 26/10/2013 11:50

Thế giới sắp có một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới?

Trong vài tháng qua, khi tình hình Ai Cập chưa ổn định, vấn đề sử dụng vũ khí hoá học ở Syria, các tay súng tấn công và cản trở hoạt động xuất khẩu ở Libya, một câu hỏi lại xuất hiện là liệu thế giới có phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới hay không?

Và thế giới sẽ trở lại thời kỳ giá dầu ở mức cao chót vót 147 USD/thùng? Câu trả lời của hầu hết chuyên gia năng lượng là chắc chắn không do cán cân cung cầu dầu mỏ thế giới về cơ bản đã thay đổi đáng kể trong ba năm qua.

Thậm chí trước khi các kế hoạch tấn công Syria được xếp lại và các cuộc đàm phán mới giữa Iran và phương Tây diễn ra để cải thiện quan hệ song phương, Công ty tài chính Raymond James đã công bố một báo cáo dự đoán giá dầu sẽ giảm từ mức 109 USD/thùng năm 2013 xuống 95 USD/thùng năm 2014 và 90 USD/thùng năm 2015. Một số nhà phân tích dự kiến giá dầu thậm chí còn giảm tiếp và không chỉ do hoạt động khai thác khí đá phiến bùng nổ ở Mỹ và sự phát triển nhanh chóng của ngành dầu cát ở Canada.

Ông Paul Bledsoe, quan chức cao cấp làm việc cho Chương trình Năng lượng và Khí hậu của German Marshall Fund, cho biết giá dầu ở mức khoảng 100 USD/thùng là hợp lý vì con số này đủ cao để khuyến khích các khoản đầu tư lớn vào những công nghệ khai thác mới và hoạt động đầu tư đáng kể để cải thiện mức độ tiết kiệm năng lượng.

Những dự đoán về giá dầu và giá xăng đều mang tính tạm thời khi hiện nay có quá nhiều nhân tố rủi ro về chính trị và an ninh. Tuy vậy, có thể là thế giới đã bước vào một giai đoạn mà giá dầu tương đối dự đoán được.

Thậm chí khi giá dầu ở mức cao nhất vào mùa Hè vừa qua thì vẫn thấp hơn gần 25% so với mức cao kỷ lục cách đây 5 năm (không tính lạm phát, và giá xăng trong tuần lễ có Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm). Và trong khi giá dầu cao hơn một chút so với con số 100 USD/thùng được coi là cao nếu xét theo lịch sử, thì đây là mức hợp lý đáng ngạc nhiên do những sự gián đoạn nguồn cung "chập chờn" ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong 3 năm qua.

Về phần nguồn cung, sản lượng dầu mỏ gia tăng ở Mỹ, Canada, Iraq và Saudi Arabia đã bù trù sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu từ Iran, Libya và các nhà xuất khẩu đang gặp trục trặc khác. Sự mở rộng và chuyển giao công nghệ cũng như kỹ thuật khai thác khí đá phiến của Mỹ sang các nước đang phát triển hứa hẹn sẽ giúp làm tăng sản lượng dầu mỏ thế giới, nhất là các quốc gia không thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với các mỏ khí đá phiến lớn chưa khai thác như Mexico, Argentina, Trung Quốc, Australia và Nga.

Đây không phải là thông tin tích cực đối với vấn đề môi trường nhưng có thể làm giảm sức ép đối với "túi tiền" của người tiêu dùng và doanh nghiệp, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trong khi đó, những sự thay đổi thân thiện hơn với môi trường đã diễn ra về phần cầu của cán cân cung cầu năng lượng. Khả năng tiết kiệm nhiên liệu của các dòng ôtô đang được cải thiện trung bình 3-4%/năm nhờ những thiết kế được cải tiến và những quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải của các cơ quan chức trách.

Mỹ đã áp dụng các tiêu chuẩn khí thải mới kể từ năm 2007 và tiếp theo là châu Âu, Nhật Bản và Canada. Quan trọng nhất là các tiêu chuẩn khí thải mới sẽ có hiệu lực ở Trung Quốc vào năm 2015 vì nó có ý nghĩa quan trọng kể từ khi số lượng phương tiện giao thông ở nước này tiếp tục tăng nhanh.

Ông William M. Colton, Phó Chủ tịch phụ trách kế hoạch chiến lược doanh nghiệp của Công ty năng lượng Exxon Mobile, cho rằng nguồn cung năng lượng lớn nhất trong tương lai chính là việc học cách tiết kiệm năng lượng. Ông dự đoán trong 30 năm tới, quy mô của nền kinh tế thế giới sẽ tăng gấp đôi hiện nay trong khi nhu cầu năng lượng của toàn cầu sẽ tăng ít nhất hơn 1/3.

Ngoài ra, ông Colton cũng tỏ ra khá lạc quan về triển vọng nguồn cung dầu mỏ trong tương lai vì vấn đề quan trọng là có sự đa dạng về nguồn cung để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu và xu hướng này sẽ mang lại sự ổn định hơn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Điều tất yếu là sẽ có người hưởng lợi và người bị thiệt từ sự ổn định giá dầu như trên. Một vài nước sản xuất dầu mỏ như Venezuela, Nigeria và Saudi Arabia, có ngân sách chính phủ và các chương trình xã hội phụ thuộc nhiều vào doanh thu xuất khẩu dầu mỏ, có thể gặp một cú sốc. Điều này củng cố vị thế của Mỹ và thậm chí là Trung Quốc, nhưng sẽ dẫn tới sự bất ổn hơn ở các khu vực như Trung Đông và có thể có những hậu quả không thể dự đoán được đối với thế giới nói chung.

Trong khi đó, các nước có trữ lượng khí đá phiến lớn như Argentina, Australia và Pakistan, lại được hưởng lợi. Đặc biệt là Mexico đang điều chỉnh các đạo luật để khuyến khích đầu tư nước ngoài, có thể tăng thêm 25% sản lượng dầu khai thác ở khu vực nước sâu của Vịnh Mexico và các mỏ dầu đá phiến trong đất liền.

Ngay khi các nước sản xuất dầu mỏ Arập đã áp dụng biện pháp tẩy chay không xuất khẩu dầu trong thế kỷ 20 dẫn tới một sự phát triển bùng nổ hoạt động khai thác dầu tại Alaska và sự phát triển tuyến đường ống dẫn dầu Xuyên Alaska, những đợt tăng mạnh giá dầu trong giai đoạn 2004-2008 đã dẫn tới một sự phát triển thậm chí còn ấn tượng hơn của các hoạt động khoan thăm dò khai thác trên toàn Texas, North Dakota, Oklahoma, Louisiana và ở các khu vực nước sâu của Vịnh Mexico.

Ông Faisal Khan, Giám đốc Citi Research, cho hay chỉ riêng sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng thêm xấp xỉ 3 triệu thùng/ngày trong 6 năm qua lên các mức cao nhất trong gần 25 năm qua, và sẽ tiếp tục tăng từ mức 7,6 triệu thùng/ngày lên 9 triệu thùng/ngày vào cuối thập niên này.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu mỏ của Mỹ vào năm 2018 có thể giảm hơn 0,5 triệu thùng/ngày, giảm tiếp gần 3% so với mức tiêu thụ hiện nay. Hiện có 8 triệu xe tải hạng trung và hạng nặng đang lưu thông ở Mỹ tiêu thụ 3 triệu thùng dầu/ngày, tức khoảng 15% tổng lượng dầu tiêu thụ của nước này.

Như vậy, với việc Mỹ sản xuất nhiều hơn và nhập khẩu giảm đi, động lực của nhu cầu dầu mỏ thế giới đang nhanh chóng chuyển sang Trung Quốc, chiếm hơn 50% tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới kể từ năm 2008. Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới vào cuối năm 2013.

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như ở Ấn Độ và các nước đang phát triển khác, đang đổ xô mua ô tô. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng với việc Chính phủ Trung Quốc bắt đầu hạn chế lượng ô tô tại các thành phố như một biện pháp chống ô nhiễm môi trường, nhịp độ tăng trưởng về nhu cầu dầu mỏ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bắt đầu giảm tốc. Theo một báo cáo gần đây của Citigroup, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã chậm lại ở mức hơn 3-5%/năm so với mức tăng trưởng hai con số hồi đầu thập niên 2000.

Hiện tại, các nước đang tham gia tích cực xu hướng tiết kiệm năng lượng, không chỉ cải thiện các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của ô tô mà còn từng bước cắt giảm trợ cấp nhiên liệu để giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính phủ. Mức tăng trưởng ở thị trường xuất khẩu khí đốt hoá lỏng đang khuyến khích các nước dùng khí đốt tự nhiên thay cho dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước như một loại nhiên liệu sưởi ấm và sản xuất điện công nghiệp.

Sự kỳ vọng vào hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ trong thập niên tới, cùng với nguồn gia tăng từ hoạt động khai thác khí đá phiến trên toàn cầu, có thể giảm giá khí đốt tự nhiên và đẩy nhanh tốc độ thay thế các sản phẩm dầu mỏ bằng khí đốt trong ngành hoá dầu và các lĩnh vực khác, nhất là ở châu Á.

Ông Michael Webber, Phó Giám đốc Viện Năng lượng của Đại học Texas ở Austin, cho rằng thế giới hiện có đủ khí đốt tự nhiên với giá đủ rẻ và công nghệ đủ phát triển để lần đầu tiên có thể thảo luận nghiêm túc về việc chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên như một loại nhiên liệu cho các phương tiện giao thông. Và trong khi dầu vẫn có ảnh hưởng thống trị thị trường nhiên liệu thế giới thì nhiên liệu sinh học và điện đang trở thành là những lựa chọn thay thế đáng chú ý, nên kỷ nguyên dầu mỏ có dấu hiệu bắt đầu trên đường đi đến hồi kết./.

Anh Quân

Vietnam+

Các tin tức khác

>   APEC cần chú trọng hợp tác nội khối, tiêu dùng nội địa (25/10/2013)

>   EU đạt được thỏa thuận về bảo vệ người tiêu dùng (24/10/2013)

>   Doanh thu GSK mất 60% vì scandal hối lộ (24/10/2013)

>   Bong bóng ở thị trường bất động sản “phẳng lặng” nhất châu Âu (23/10/2013)

>   Năm tập đoàn giành quyền khai thác mỏ dầu Libra (22/10/2013)

>   Nhật Bản thâm hụt thương mại kỷ lục trong 6 tháng (22/10/2013)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc tranh nhau mỏ dầu lớn nhất thế giới (21/10/2013)

>   Lenovo đang nhắm đến BlackBerry (18/10/2013)

>   Doanh thu IBM giảm quý thứ 6 liên tiếp (17/10/2013)

>   Ngành bông ở Mỹ khốn đốn vì chính phủ đóng cửa (14/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật