Thứ Bảy, 05/10/2013 15:25

Tạo sức bật tăng trưởng kinh tế

Bất chấp tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu Việt Nam vẫn liên tục tăng với tốc độ 34% (năm 2011), 18% (năm 2012) và 20% (quý 1-2013). Tuy nhiên, để thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập trung bình, Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả của nền kinh tế. Bàn về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hoàn thành một báo cáo mang tên “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị, và nâng cao năng lực cạnh tranh: Gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam” và công bố vào sáng 4-10 tại TPHCM.

Cảng SPCT đi vào hoạt động cho phép tàu biển trọng tải lớn góp phần giúp TPHCM phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: Cao Thăng

Những bất cập trong đầu tư, quy hoạch

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cho rằng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thấp, trình độ sản xuất ở mức giản đơn, hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, hành lang vận chuyển kết nối các cảng biển kém, hiệu quả và tính minh bạch của hải quan còn nhiều hạn chế.

Ông Minh Đức cho rằng dù đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam chiếm 3,1% GDP (2009 - 2011) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có cùng trình độ phát triển, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa phát triển và đầu tư. Cụ thể, Việt Nam có khối lượng vận chuyến hàng hóa tăng 12,1%/năm, thương mại tăng 18%/năm nhưng đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải lại dậm chân ở mức 0%/năm. Đây sẽ là một áp lực cho Việt Nam khi xuất khẩu dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2020.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Minh Đức cho rằng Việt Nam cần phát triển những cụm công nghiệp, nơi có đầy đủ các chuỗi cung ứng trong quy trình sản xuất sản phẩm, kể cả logistics (các dịch vụ vận tải, vận chuyển, lưu kho…). Muốn phát triển cụm công nghiệp như vậy phải cần nhiều đất đai. Trong khi đó, các cụm công nghiệp hiện nay ở Việt Nam lại quá gần các thành phố lớn, điển hình là TPHCM. Vì thế các cụm công nghiệp này không có đủ quỹ đất để hình thành một cụm công nghiệp với đầy đủ các chuỗi cung ứng. Việc di chuyển đòi hỏi nguồn đất đai, lao động có tay nghề và đầu tư hạ tầng sao cho kết nối có hiệu quả với các cảng biển lớn.

Ông Luis Blancas, chuyên gia giao thông của WB, cho rằng Việt Nam sẽ phát triển mạnh các cảng nước sâu trong tương lai. Các cảng nước sâu có thể đón tàu có trọng tải lớn và vận chuyển hàng hóa đến nhiều nước trên thế giới, giúp Việt Nam tiết kiệm được các chi phí trung chuyển ở cảng nước ngoài như hiện nay, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo cho rằng Việt Nam có rất nhiều bất cập trong quy hoạch cảng biển. Các cảng biển nằm cách xa khu công nghiệp, hệ thống giao thông kết nối với các cảng kém, cảng cũng không có kho bãi tương xứng. Những điều này được xem là nguyên nhân chính khiến các cảng biển hoạt động kém hiệu quả như hiện nay.

Ông Luis rất bất ngờ khi Lào và Campuchia lại phải trung chuyển hàng hóa qua các cảng biển của Thái Lan, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được thị trường trung chuyển của hai quốc gia này.

Đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất đã được thông xe. Ảnh: HOÀNG HẢI

Yếu ớt ngành logistics

Ông Phạm Minh Đức cho rằng các doanh nghiệp khai thác dịch vụ logistics cùng hệ thống kho bãi, giao thông đường bộ của Việt Nam là tụt hậu so với tiêu chuẩn toàn cầu. Dù chi phí vận tải của Việt Nam thấp nhưng chi phí logistics lại chiếm khoảng 25% GDP, cao hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới. Để lý giải điều này, ông Luis Blancas cho rằng nguyên nhân chính là do chi phí lưu kho cao, thủ tục hải quan còn nhiều hạn chế làm thời gian lưu kho lâu, tốc độ vận tải đường bộ chậm (từ 20 - 60km/giờ).

Ông Luis cho rằng hiện Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố gây khó khăn cho sự phát triển của ngành logistics như các quy định của nhà nước không rõ ràng dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu; hệ thống cầu đường không cho phép các xe có trọng tải lớn di chuyển; hệ thống thông quan yếu kém, chậm áp dụng công nghệ và tự động hóa…

Về phía các doanh nghiệp tham gia ngành logistics, ông Luis cho rằng các công ty dịch vụ vận tải Việt Nam vốn nhỏ nên khả năng áp dụng khoa học công nghệ vào vận chuyển là rất kém, gây hạn chế cho sự phát triển chung. Việt Nam cần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vận tải cũng như hệ thống giao thông hạ tầng.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo nhất trí Việt Nam cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về logistics. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, WB khuyến nghị Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông, đơn giản hóa thủ tục pháp quy, tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghiệp chế biến, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Vũ Miên

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Chính sách tỷ giá Việt Nam được đánh giá cao (05/10/2013)

>   Đề xuất thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại (05/10/2013)

>   Doanh nghiệp hy vọng sức mua cuối năm (05/10/2013)

>   Bài toán nguồn lực trong tái cơ cấu kinh tế (04/10/2013)

>   Nới bội chi: Lợi ngắn, hại dài? (03/10/2013)

>   Việt Nam sẽ nhận 11 tỷ USD kiều hối năm nay (03/10/2013)

>   GS-TS Nguyễn Mại: 'Thu hút FDI nên đi bằng cả hai chân' (03/10/2013)

>   Ông Lê Đăng Doanh: 'Ngân khố quốc gia không thể chi tiêu vô hạn độ' (03/10/2013)

>   Nghị quyết về FDI và hiệu lực thực thi (02/10/2013)

>   Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: “Tăng đầu tư công là cần thiết” (02/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật