Sức mạnh bluechip
Dù thị trường thăng trầm, nhưng nếu nắm giữ các cổ phiếu bluechip vẫn đem tỷ suất lợi nhuận theo phần trăm từ 2 con số mỗi năm, thậm chí là 50%/năm.
Nhìn lại TTCK trong những năm thăng trầm vừa qua, theo tổng kết của nhiều nhà đầu tư kỳ cựu thì việc nắm giữ cổ phiếu của các DN lớn như VNM, GAS, DPM, FPT, HPG, REE… vẫn đem lại tỷ suất lợi nhuận theo phần trăm từ hai con số mỗi năm trở lên - một tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước so với bất kỳ TTCK nào.
Thậm chí, có những DN như VNM thì tỷ suất lợi nhuận có thể lên đến 50%/năm nếu nhà đầu tư nắm giữ lâu dài. Bởi thế mà đợt bán ròng của các quỹ ETF vừa qua là cơ hội cho các tổ chức đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài có cơ hội sở hữu VNM ở mức giá hời. Các cổ phiếu lớn khác hở room cũng lần lượt được lấp đầy. Một ví dụ cho thấy sự lợi hại của các cổ phiếu hàng đầu nêu trên là các quỹ VF1, VF4 có mức giảm NAV rất nhỏ khi thị trường giảm và tăng dần lên trong một vài tháng qua, nhờ việc đã cơ cấu danh mục đầu tư vào các mã cổ phiếu hàng đầu nói trên. Riêng VNM chiếm tỷ lệ trong danh mục của VF1 và VF4 tương ứng là 20% và 17%.
Cho dù ở những thời điểm TTCK cũng như nền kinh tế gặp khó khăn nhất thì các tổ chức đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài cũng vẫn khẳng định hướng dòng vốn vào những cổ phiếu của các DN hàng đầu có mức tăng trưởng ổn định, những DN đã hoàn thành tái cơ cấu và củng cố nội lực để có khả năng lội ngược dòng như HSG, REE…
Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Markus Winkler - một nhân vật đã trực tiếp huy động khoảng 800 triệu USD cho nhiều quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn cho các cổ phiếu blue-chip, nhưng khi hạn mức sở hữu không được tăng đáng kể, thì gần như không thể huy động vốn cho các quỹ Việt Nam và ETF. Dòng vốn đầu tư vào thị trường cũng rất hạn chế, vì hầu hết các công ty blue-chip và các công ty có vốn hóa lớn đã hết hạn mức sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài và chỉ có thể mua được với mức giá cao hơn giá thị trường, mà các quỹ ETF thì không thể làm được điều này. Hệ quả là TTCK Việt Nam mất đi cơ hội thu hút vốn, cổ phần hóa DNNN… Ông Markus Winkler cho rằng, nếu giải toả được nút thắt này thì có khả năng tạo ra chuyển biến lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy là tiềm năng, sức mạnh của các cổ phiếu hàng đầu, trong đó có nhiều DN nằm trong rổ chỉ số VN-30 còn rất lớn, chưa được phát huy hết do rào cản về chính sách hạn chế sở hữu nước ngoài.
Trở lại với diễn biến TTCK trong những tháng gần đây. Mặc dù chỉ số chứng khoán tăng giảm liên tục, có những lúc khó dự đoán nhưng phải nhắc lại rằng, giá cả nhóm cổ phiếu hàng đầu, các cổ phiếu trong VN-30 vẫn vững vàng. Ngay cả những cổ phiếu tài chính - ngân hàng, là những ngành đang bị ảnh hưởng lớn từ khó khăn chung, cũng giữ rất tốt ở mức giá được cho là an toàn so với giá trị DN. Chẳng hạn, SSI không có nợ vay ngân hàng, giá cổ phiếu ngang bằng giá trị sổ sách, với danh mục đầu tư chủ yếu là vào các công ty liên kết mang lại cổ tức đều đặn. Hay MBB là ngân hàng mà trả cổ tức tiền mặt trả đều đặn hàng năm…
Đó là những trụ cột để những nhà đầu tư chuyên nghiệp tin rằng VN-Index sẽ khó giảm xuống dưới 480 điểm, dù trước mắt còn nhiều khó khăn và thiếu vắng yếu tố hỗ trợ để giữ vững ngưỡng 500 điểm.
Đầu Tư Chứng khoán
|