Ngân sách xáo trộn, ai bị ảnh hưởng nhiều?
Quốc hội sẽ dành trọn buổi sáng ngày thứ 6 (25/10) để thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc phải giảm chi đầu tư phát triển năm 2014 còn 163.000 tỷ đồng.
|
Các nội dung này, về thực chất, đều liên quan trực tiếp đến vấn đề thu chi ngân sách của quốc gia. Như VnEconomy đã đề cập, áp lực thu chi ngân sách đang đè nặng lên cả phía “quyết” là Quốc hội lẫn phía “làm” là Chính phủ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc gia cần tăng thu, giảm chi, các quyết định chính sách tới đây chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến một số ngành, doanh nghiệp nhất định.
Bản báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 được công bố đầu tuần đã hé lộ những thông tin liên quan đến vấn đề này.
Thu ngân sách: Hồi hộp PVN, SCIC
Một trong những ngành hiện đang hồi hộp chờ đợi các quyết định chính sách mới là dầu khí. Báo cáo của Chính phủ cho hay năm nay thu từ dầu thô ước vượt 16,2% so với dự toán, song đây là yếu tố tăng thu phụ thuộc vào giá thị trường quốc tế, tính ổn định không cao.
Thực tế cho thấy, số thu từ dầu thô có xu hướng giảm dần, thu từ dầu thô năm 2013 chỉ bằng 77,3% so với thực hiện năm 2012. Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần sớm nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tài chính, sửa đổi cơ chế trích để lại từ thu lãi dầu, khí nước chủ nhà theo Điều 32 của Luật Dầu khí và tăng cường giám sát lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao khả năng đóng góp cho ngân sách.
Trong bối cảnh hụt thu lớn, Ủy ban này cho rằng cần thực hiện cơ chế thu vào ngân sách 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia. Cần nhắc lại là cách đây hai tuần, Chính phủ đã kiến nghị cho phép khoản lãi được thu trực tiếp vào ngân sách nhà nước 50%; đầu tư trở lại PVN 50% để thực hiện 1 số dự án.
Theo số liệu quyết toán tiền lãi dầu khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) năm 2012 là gần 13.000 tỷ đồng. Số tiền lớn nên bất kỳ một thay đổi nào về tỷ lệ nộp cũng sẽ là rất đáng chú ý.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc thực hiện thu vào NSNN 75% lãi dầu khí nước chủ nhà và 25% để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Mặt khác, có ý kiến trong Ủy ban đề nghị cân nhắc tính giá dầu thanh toán ở mức 100USD/thùng, cao hơn mức dự kiến của Chính phủ.
Một doanh nghiệp lớn khác cũng đang hồi hộp chờ các chính sách mới liên quan đến thu ngân sách là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Năm nay, vấn đề số thu cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước chưa nộp tập trung về SCIC được đặt ra, theo đó Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành với Chính phủ và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về khoản thu này.
Đáng chú ý là, một số ý kiến còn đề đề nghị xem xét thu phần cổ tức của Nhà nước đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, tức đã nộp vào Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, để bố trí tăng chi đầu tư phát triển. Chưa rõ số cổ tức này là bao nhiêu, song điều chắc chắc là SCIC đang rất quan tâm đến diễn biến chính sách này.
Chi đầu tư công: Đừng mơ "phép màu”
Ở chiều ngược lại, chi ngân sách nhà nước năm 2014 cũng đang nhận được sự quan tâm của các nhóm đối tượng liên quan.
Về chi đầu tư phát triển, Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ, theo đó phải giảm chi đầu tư phát triển còn 163.000 tỷ đồng, thấp hơn so với dự toán năm 2013 là 175.000 tỷ đồng và số ước thực hiện 2013 là 201.555 tỷ đồng.
Ủy ban cho rằng việc giảm vốn đầu tư từ ngân sách như vậy sẽ gây tác động rất lớn, khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, do đó, cần bố trí ít nhất bằng dự toán của năm 2013 là 175.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với thông điệp này, hàng ngàn đơn vị, doanh nghiệp trông vào bầu sữa ngân sách và hiện đang gặp khó khăn không nên mơ tưởng về một “phép màu” nào trong chính sách về đầu tư công năm 2014.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã đề xuất giảm chi và nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Tài chính ngân sách, theo đó dù giữ lại danh mục 16 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng sẽ “thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp”.
“Một số ý kiến đề nghị ưu tiên cho các lĩnh vực trọng tâm như: xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, lao động và việc làm, một số chương trình có cam kết quốc tế như chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết.
5 nguyên tắc về phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho năm 2014 đã được Ủy ban Tài chính ngân sách đề xuất, theo đó nguyên tắc đầu tiên là “triệt để tiết kiệm, bố trí, sắp xếp theo trật tự ưu tiên, không tạo ra độ chênh lệch quá lớn giữa trung ương và địa phương, giữa các vùng miền nhưng tránh bình quân, dàn đều”.
Một nguyên tắc khác là sẽ “phân bổ vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trả nợ, thu hồi vốn tạm ứng, còn lại bố trí cho các dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2014, các dự án, công trình cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt; hạn chế tối đa khởi công các công trình mới”.
Trong khi đó, đối với chi đầu tư phát triển, có ý kiến cho rằng, bên cạnh với xây dựng mới các công trình dự án về giao thông, thủy lợi, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa lớn cũng đang trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi cần có sự đầu tư phù hợp để kéo dài tuổi thọ công trình.
Do vậy, phía Quốc hội đề nghị Chính phủ chú trọng bố trí vốn cho duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa lớn trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
Về chi cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng nhà nước, hai ngân hàng là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam có thể an tâm với đề xuất mới từ phía Quốc hội.
Cụ thể, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng riêng năm 2014 số chênh lệch lãi suất tín dụng cần phải cấp khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ mới bố trí được 2.410 tỷ đồng là thấp so với nhiệm vụ Chính phủ giao. Do vậy, để bảo đảm an toàn nợ, chủ động trong việc triển khai nhiệm vụ được giao, Ủy ban này đề nghị bố trí đủ số vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho hai ngân hàng năm 2014.
Anh Minh
Vneconomy
|