“Năm đầu tiên thu ngân sách dự báo không đạt dự toán”
"Tôi đồng cảm với nhiều nhận xét của các chuyên gia độc lập là hiện nay nền kinh tế đang rất khó khăn", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, ông Trần Văn tâm tư khi trao đổi với VnEconomy.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến tiếp xúc cử tri tại tỉnh Cà Mau.
|
Ông cũng chia sẻ nhiều góc nhìn trong điều hành kinh tế, bao gồm cả đề nghị phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 của Chính phủ.
Thưa ông, tại kỳ họp tới Quốc hội sẽ xem xét và quyết định nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế. Nhưng hiện nay đánh giá về mức độ khó khăn vẫn khá chênh giữa báo cáo của Chính phủ và ý kiến nhiều chuyên gia độc lập. Vậy cảm nhận của cử tri thế nào?
Trước kỳ họp, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã có các cuộc tiếp xúc trên địa bàn 9 huyện, thành phố với sự tham dự của gần 900 cử tri.
Tại những nơi chúng tôi trực tiếp gặp gỡ, cử tri vẫn phản ánh những vấn đề đã tích tụ qua nhiều kỳ tiếp xúc. Đó là thiếu vốn sản xuất, hạ tầng chậm được cải thiện, đầu tư cho nông nghiệp nông dân và nông thôn vẫn manh mún.
Bà con cô bác cũng rất sốt ruột vì tham nhũng chưa được đẩy lùi, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ…
Qua hai khóa ứng cử tại vùng đất địa đầu tổ quốc, điều làm tôi rất tâm tư là dù cuộc sống rất chậm được cải thiện, nhưng chính những người nông dân một nắng hai sương đó lại đang góp phần rất quan trọng để nền kinh tế không rơi vào hoàn cảnh quá cam go.
Còn cảm nhận của cá nhân ông - một vị đại biểu chuyên trách tại cơ quan “gác cửa” ngân sách - về nền kinh tế thì thế nào ạ?
Tôi đồng cảm với nhiều nhận xét của các chuyên gia độc lập là hiện nay nền kinh tế đang rất khó khăn. Biểu hiện rõ nhất ở bức tranh về ngân sách nhà nước, hàn thử biểu của nền kinh tế.
Năm nay có lẽ là năm đầu tiên thu ngân sách được dự báo sẽ không đạt dự toán. Mà bạn cũng nghe Quốc hội phân tích nhiều rồi đấy, lâu nay dự toán ngân sách thường có xu hướng xây dựng ở mức thận trọng nên năm nào cũng vượt thu khá cao, có năm đến khoảng 20%.
Vậy mà năm nay thu ngân sách lại được dự báo thấp hơn dự toán, ngoài những yếu tố do chính sách miễn giảm thuế của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, thì điều đó chứng tỏ sản xuất kinh doanh đang đình trệ ghê gớm.
Vâng, theo phân tích của các vị chuyên gia kinh tế thì năm nay nhiều doanh nghiệp cấp “tướng tá” cũng rời bỏ thị trường mất rồi. Điều đó cũng đồng nghĩa là ngân sách còn tiếp tục eo hẹp. Liệu tới đây có thêm chính sách hay nguồn lực nào để hỗ trợ các doanh nghiệp hồi sinh không, thưa ông?
Mấy năm gần đây đã có khá nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp rồi, giờ còn thêm chính sách cụ thể gì nữa cũng khó, nhất là trong điều kiện nguồn lực của quốc gia đang khó khăn như hiện tại.
Nhưng tôi nghĩ, điều có thể làm ngay được cho các doanh nghiệp chính là sự hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện qua tinh thần, thái độ của từng tổ chức, cá nhân liên quan. Bởi, doanh nhân có thể hoạch định được chiến lược phát triển, cân đối túi tiền của mình, nhưng không thể lường hết những phiền phức của thủ tục hành chính và không loại trừ cả chi phí “bôi trơn” nữa. Mà điều đó khiến họ nản lòng vô cùng.
Ông có nhắc đến nguồn lực tài chính đang ở giai đoạn khó khăn. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc Chính phủ phải đề xuất tăng bội chi và phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong 3 năm 2014 - 2016? Quan điểm cá nhân ông về vấn đề này như thế nào, khi mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách rất kiên trì đề nghị phải giảm dần bội chi ngân sách?
Đúng là Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói riêng và Quốc hội nói chung luôn ráo riết với việc giảm bội chi ngân sách nhà nước, song ở bối cảnh hiện nay thì đề xuất của Chính phủ cũng có thể coi là giải pháp tình thế cần thiết để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia như mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 14 và nhiều dự án giao thông, thủy lợi, y tế cấp bách khác.
Bên cạnh đó, thì chiến lược về nợ công là không thay đổi, không thể vượt quá 65% GDP vào năm 2015 được!
Điều mà tôi và nhiều đại biểu khác lo ngại chính là hiệu quả đầu tư công. Nếu tăng bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung mà được sử dụng đúng mục đích thì sẽ có tác dụng tích cực, và ngược lại.
Nhưng liệu có nên đặt ra tình huống điều hành như “đi trên dây” thế không, khi mà ở phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nhận định, cả mức bội chi và mức nợ “đang tiệm cận tới khả năng xấu”?
Trong điều hành thì cũng có lúc cũng phải chọn giải pháp “tình thế". Và mọi việc cũng vẫn đang còn phải chờ Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ sáu tới đây.
Vừa qua Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã tổ chức phiên giải trình về nợ công. Tại đây thì những lo ngại về an toàn nợ công cũng đã được đặt ra và mổ xẻ nhiều chiều.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì các chỉ số nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia đều ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia theo quy định của Luật Quản lý nợ công và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2013-2015.
Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, quan trọng hơn các con số cụ thể chính là sử dụng vốn vay hiệu quả sao cho có tích lũy từ nền kinh tế để trả nợ đúng hạn.
Nguyễn Lê
Vneconomy
|