Thùng không đáy và niềm vui của các ngân hàng
Với việc nguồn thu ngân sách tính đến tháng 9.2013 chỉ đạt 62,5% kế hoạch năm và kèm theo đó là thâm hụt ngân sách có thể sẽ cao hơn dự báo, có lẽ tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thấm thía phần nào sức ép của việc gánh trên vai trọng trách quản lý túi tiền quốc gia, dù quãng thời gian ông đảm nhận trọng trách này chỉ chưa đầy nửa năm.
Người đóng thuế phải gánh thêm những khoản nợ do đầu tư công không hiệu quả
|
Nhưng gánh nặng cân đối thu chi ngân sách của ông Dũng có lẽ sẽ vơi đi ít nhiều nếu sắp tới đây, Quốc hội tiếp tục đồng ý cho Chính phủ phát hành thêm 360.000 tỉ đồng trái phiếu trong 3 năm tới. Hiện tại, hạn mức phát hành đã được thông qua cho 2 năm 2014-2015 chỉ là 75.000 tỉ đồng, tức giá trị vượt định mức có thể lên đến 285.000 tỉ đồng.
Với số tiền này, Chính phủ sẽ dùng để đầu tư vào các dự án công là chủ yếu, đặc biệt là dự án cơ sở hạ tầng, đối ứng vốn trong các dự án ODA (viện trợ phát triển chính thức), PPP (hợp tác công tư).
Xét ở khía cạnh này, việc phát hành thêm có thể xem là hợp lý. Tuy vậy, đằng sau đó là những mối hoài nghi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Đó là khả năng trả nợ. Liệu những năm tới, nền kinh tế có phục hồi với tốc độ đúng như mong muốn để các nhà làm chính sách có lý do để biện hộ rằng “sẽ thu được đủ tiền để trả nợ”? Khả năng này rất mong manh, nhất là khi nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều bất ổn.
Không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn, khi sức cầu của khu vực tư quá yếu ớt thì đầu tư công là một trong những công cụ quan trọng để bù đắp lại. Nhưng điều đáng tiếc là ở Việt Nam, công cụ này vẫn chưa được nhìn nhận đúng giá trị, khi hiệu quả đầu tư công vẫn rất thấp. Thậm chí, việc đầu tư tràn lan đã phần nào biến công cụ đầu tư công trở thành một mục tiêu cần tái cấu trúc.
Dù vậy, vốn đầu tư vẫn luôn là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là lượng vốn lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam, vốn được đánh giá là thuộc hàng yếu kém nhất khu vực. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả đầu tư công? Vấn đề mấu chốt nằm ở việc quy hoạch.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam có quá nhiều cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp nhưng lại hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, cần phải quy hoạch, phân loại và nhanh chóng loại bỏ những dự án đầu tư công không khả khi.
Một hành động đáng hoan nghênh là việc Bộ Giao thông Vận tải mới đây đề xuất thay đổi quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, các chỉ tiêu về tổng lượng hàng hóa đã được điều chỉnh giảm mạnh so với quy hoạch được thông qua vào năm 2009. Nhưng những hành động tương tự như thế là chưa nhiều.
Khi hiệu quả đầu tư công vẫn chưa được cải thiện, việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ với quy mô lớn là điều cần tính toán kỹ lưỡng hơn, để tránh gia tăng sức ép lên vai những doanh nghiệp, những người đóng thuế.
Trên thực tế, nợ công của Việt Nam không phải là nhỏ. Tính đến cuối năm 2012, nợ công/GDP ước khoảng 55,4%. Mặc dù mức này vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép, nhưng nếu tính đủ các khoản nợ, đặc biệt các khoản nợ liên quan đến khối doanh nghiệp nhà nước, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam sẽ lên đến 95%, tức vượt xa ngưỡng an toàn mà Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đứng ra bảo lãnh để Vinashin thực hiện hoán đổi nợ cho khoản vay cũ 600 triệu USD với các chủ nợ nước ngoài, chính thức biến nợ “tư” của Vinashin trở thành nợ “công”. Liệu sau việc này, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác có bắt chước theo?
Những khoản nợ như thế sẽ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra khuyến cáo: “Việt Nam cần phải kiểm soát bội chi nhằm đảo bảm tính bền vững tài khóa về trung hạn”.
Hãy quay trở lại câu chuyện phát hành nợ 360.000 tỉ đồng. Liệu ngoài ngoài Bộ Tài chính, ai sẽ là người vui sướng nếu Quốc hội thông qua kế hoạch phát hành này? Đó là các tổ chức tài chính, vì họ tìm thấy được một kênh đầu tư an toàn và tương đối hấp dẫn trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh khác gặp khó. Đặc biệt, các ngân hàng trong nước sẽ rất hớn hở vì có chỗ để “tiêu” lượng vốn lớn tồn đọng trong ngân hàng mình.
Một thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, có đến 77% giá trị trái phiếu được giao dịch trên toàn thị trường thuộc về các tổ chức tài chính trong nước. Trước đó, năm 2012, lượng tiền mà các ngân hàng đổ vào trái phiếu chính phủ đã gấp đến 1,5 lần tổng lượng tiền của 3 năm trước đó cộng lại.
Vì vậy, nếu tính trung bình cho mỗi năm tới, với con số 120.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ được phát hành (xấp xỉ bằng 1/3 tổng lượng tín dụng được dự kiến cho vay ra nền kinh tế trong những năm gần đây), không nghi ngờ gì, các ngân hàng sẽ lại là những người năng động nhất trên thị trường này.
Việc hút vốn mạnh từ khu vực tài chính như thế sẽ khiến lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sẽ không giảm được nhiều. Trong khi đó, mức lãi suất đi vay khoảng 10% như hiện tại, theo Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng nước ngoài (không muốn nêu tên), đã là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Lan Hoa
đất việt
|