Khởi động dự án trung tâm hành chính TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vừa chỉ đạo các sở ngành liên quan nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch, các thủ tục đầu tư dự án trung tâm hành chính TP.
Trước mắt, hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án tại khu đất 213 Đồng Khởi (quận 1) vào đầu năm 2014 để đáp ứng nhu cầu về trụ sở làm việc của các sở ngành TP.
Khu trung tâm hành chính của TP.HCM giới hạn bởi bốn trục đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi
|
Ông Hồ Quang Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, cho biết hiện sở đang trình UBND TP phương án thi tuyển thiết kế khu trung tâm hành chính TP tại ô phố giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi rộng khoảng 18.000m2.
Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2020, sẽ là nơi bố trí trụ sở làm việc của UBND TP và một số sở ngành trực thuộc. Sở Xây dựng cũng đang lập kế hoạch về việc sắp xếp các cơ quan vào trụ sở trung tâm hành chính mới để trình UBND TP xem xét.
Hiện tại, trong khu vực ô phố trên có trụ sở của UBND TP và nhiều sở ngành khác. Việc xây dựng trung tâm hành chính mới sẽ giữ lại trụ sở UBND TP hiện tại (tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn) và một vài công trình có giá trị kiến trúc khác.
Các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu phương án sắp xếp trụ sở tạm cho những đơn vị có trụ sở tại khu vực trên trong thời gian thi công xây dựng trung tâm hành chính.
Theo các cơ quan chức năng, việc tập trung các cơ quan hành chính về một địa điểm là phù hợp với xu thế cải cách chính quyền của các nước tiên tiến trên thế giới.
Các cơ quan hành chính được tập trung về một trụ sở sẽ tiết kiệm đất làm trụ sở, sử dụng hết công năng của các hội trường, phòng họp và các thiết bị khác. Quan trọng hơn, các cơ quan hành chính tập trung tại một nơi sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận và liên hệ mà không mất nhiều thời gian.
Về việc các cơ quan hành chính tập trung tại khu trung tâm TP liệu sẽ gây áp lực lên hạ tầng do các tuyến đường khu vực này hiện cũng thường xuyên kẹt xe?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc cho rằng không phải lo lắng về việc này. Vị này lý giải: hiện nay công nghệ thông tin đã rất phổ biến, người dân không nhất thiết phải đến tận trụ sở các cơ quan hành chính để thực hiện được các thủ tục mà có thể nộp và theo dõi việc giải quyết hồ sơ qua mạng. Hiện UBND TP cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu bố trí các trung tâm đăng ký kinh doanh tại các khu vực của TP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, hạn chế việc tập trung về trung tâm TP.
D.N.Hà
Giữ lại trụ sở UBND TP hiện hữu
Năm 2012, UBND TP.HCM đã thống nhất mục tiêu tổ chức không gian khu trung tâm hành chính để cơ quan chức năng ra “đề bài” cho cuộc thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu trung tâm hành chính TP”.
Theo đó, trung tâm hành chính sẽ có mặt chính hướng ra đường Lê Thánh Tôn, tòa nhà trụ sở UBND TP hiện tại sẽ được bảo tồn, công trình ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn phải có kiến trúc và quy mô hài hòa với tòa nhà này và cảnh quan phía trước.
Phần kiến trúc mới phía sau lưng trụ sở 86 Lê Thánh Tôn sẽ có khoảng cách nhất định đối với tòa nhà này để bảo đảm cảnh quan chung.
Tòa nhà hành chính mới trên lô đất này cũng sẽ được chia thành hai khối. Khối nhà gần trụ sở cũ sẽ thấp, khối mặt tiền đường Lý Tự Trọng sẽ cao hơn.
Kiến trúc và phối cảnh của công trình phía mặt đường Đồng Khởi phải hài hòa với công trình hiện đại của tòa nhà Vincom và công viên Chi Lăng.
Các phương án thiết kế phải chú ý tổ chức giao thông hợp lý, thuận tiện cho khu trung tâm hành chính và khu vực xung quanh.
|
tuổi trẻ
|