Vụ "lương khủng”: Có dấu hiệu vi phạm hình sự
Có vẻ những xử lý hành chính và thu hồi lại tiền đối với 8 cá nhân lãnh đạo tại 4 công ty công ích trong vụ lương “khủng” ở TPHCM đã tạm lắng sau hơn một tháng xôn xao công luận và dư luận cả nước. Tuy nhiên, xét tận cùng, xử lý về mặt hành chính chỉ là một biện pháp tạm thời. Khi hành vi sai phạm của những người liên quan trong vụ việc này đã hoàn tất, thì hành vi ấy cần phải xử lý theo quy định luật pháp, không thể nương tay...
Khai khống lao động, lấy tiền chi lương “khủng” cho “quan”
Văn bản số 7826/SLĐTBXH-LĐ ngày 27.6.2013 của Sở LĐTBXH gửi UBND TPHCM kết luận rất rõ: Tại công ty TNHH MTV chiếu sáng công cộng, theo khai báo của công ty này, lợi nhuận năm 2012 giảm, nhưng số lao động tăng từ 575 lên 689 người. Thực tế kiểm tra cho thấy doanh thu rất cao và số lao động lại... ít đi, chỉ 538 người - nghĩa là công ty này đã khai khống với cơ quan chức năng thêm... 151 người ảo.
Tương tự, tại công ty TNHH MTV công viên cây xanh, công ty này khai khống số lao động tăng thêm 183 người. Mục đích của hành vi khai khống số lao động trên nhằm hưởng khoản tiền chênh lệch lớn trong quỹ lương và chi lương “khủng” cho lãnh đạo các công ty trên.
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM): Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ quy định rất cụ thể hệ thống thang bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước. Thông tư số 27/2010/TT-LĐTBXH ngày 14.9.2010 do Bộ LĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong những công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu vốn.
Thế nhưng, lãnh đạo của các công ty công ích trên đã bỏ qua các quy định tại những chính sách trên để “vặt” tiền nhà nước bằng việc chi lương “khủng” cho những cán bộ lãnh đạo trong công ty. Hành vi sai phạm này có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo quy định của điều luật này, hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, có thể bị phạt tù từ 3 - 12 năm. Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên, có thể bị phạt tù từ 10 – 20 năm...
Thiếu trách nhiệm, tham ô và buông lỏng quản lý
Trong vụ này, có không ít chuyên gia, luật sư khác cho rằng, nếu làm tới tận cùng, theo đúng quy định luật pháp, những cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ lương “khủng” ở TPHCM còn phải chịu trách nhiệm hình sự của một số tội danh khác như: “Tham ô”, “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”... Trong đó, với hành vi gian dối khai khống số lượng lao động để lấy tiền chênh lệch chi cho các quan chức lãnh đạo công ty tới mức hơn 2,1 tỉ đồng/năm, đã có dấu hiệu phạm tội “báo cáo sai trong quản lý kinh tế” được quy định tại Điều 167 – Bộ luật Hình sự. Với sai phạm này, người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Trong khi đó, theo luật sư Lê Bình An (Đoàn luật sư TPHCM), không chỉ các vị chủ tịch HĐQT và giám đốc nhận lương “khủng” tại các công ty công ích chịu trách nhiệm, mà tổ chức quản lý, đơn vị liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát các công ty công ích cũng không ngoại phạm; trái lại, những cá nhân, tổ chức liên quan khác phải liên đới chịu trách nhiệm trong sự vụ trên, vì “thiếu trách nhiệm” kiểm tra, giám sát đã để cho lãnh đạo các công ty công ích tự tung tự tác vi phạm quy định nhà nước.
Cụ thể, đó là các tổ chức như chi bộ Đảng, tổ chức đoàn thể, cao hơn là lãnh đạo Sở GTVT... Ông Lê Bình An cũng khẳng định: “Họ đã “tham ô” tiền nhà nước để chia chác cho cá nhân lẫn nhau, với số lượng lương “khủng” như thế. Dấu hiệu của tội “tham ô” là rất rõ. Vì vậy, trong sự vụ này, không thể chỉ giơ cao đánh khẽ, xử lý hành chính, thu hồi lại tiền lương chi sai, là xong. Các hành vi phạm tội đã diễn ra hoàn tất, thì cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, khởi tố vụ án hình sự. Có như vậy, kỷ cương phép nước mới được giữ nghiêm, không ai còn dám sai phạm”.
TP.Hồ Chí Minh: Thanh tra 25 doanh nghiệp nhà nước
Ngày 1.10, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở LĐTBXH TP làm Trưởng đoàn đã chính thức triển khai kế hoạch thanh tra 25 đơn vị doanh nghiệp Nhà nước thuộc sự quản lý của UBND TP. Đây là đợt thanh tra theo chỉ đạo của UBND TP sau khi phát hiện 4 doanh nghiệp công ích vi phạm các quy định về tiền lương, mức lương, sử dụng lao động.
Theo đó, DN đầu tiên mà Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, thanh tra là Cty TNHH MTV công trình cầu phà TPHCM. Tiếp đó, từ ngày 2.10, Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục công bố quyết định thanh tra đối với 24 doanh nghiệp nhà nước còn lại thuộc diện bị thanh tra. Đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, đánh giá quỹ tiền lương, thù lao, tiền lương và thu nhập thực tế của viên chức quản lý theo quy định.
Ngoài ra, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc nộp thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động và viên chức quản lý của doanh nghiệp... Sau khi thanh kiểm tra, Sở LĐTBXH sẽ báo cáo kết quả, kiến nghị UBND TP về thực trạng và đề ra giải pháp tăng cường công tác quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong doanh nghiệp tránh tình trạng sai phạm như 4 Cty công ích mà TP phát hiện vừa qua.
L.Tuyết
|
Hoàng Hưng
lao động
|