Chủ Nhật, 06/10/2013 08:45

“Kẻ thù” của các công ty dược “thổi” giá

Sau hơn hai thập niên là luật sư chuyên về các vụ án gian lận thương mại, Daniel Miles đành chấp nhận một sự thật rằng “Con người có xu hướng gian lận”. Tuy vậy ông tin rằng dù sớm hay muộn, lâu hay mau thì ông và các đồng nghiệp vẫn tóm được họ.

Giấc mơ từ những trò chơi

Như ông tự nhận, Miles bị “nhiễm ” luật từ khá sớm. Mới học lớp 6, ông đã ngồi ghế nhân chứng và quan tòa trong những phiên tòa giả định được tổ chức ở trường. Miles thú nhận rằng ông nghiện chơi trò quan toà – thủ phạm và ông biết sau này mình sẽ làm nghề gì. “Tôi học hành không xuất sắc nhưng được đóng vai quan tòa khiến tôi thấy mình khá hơn”, ông nhớ lại.

Danile Miles

Con đường tới trường luật của ông đi qua những khúc quanh chứ không thẳng một lèo. Vốn con nhà có truyền thống làm trong các ngân hàng, ban đầu Miles chọn học kinh doanh ở Đại học Alabama.

Tốt nghiệp ra trường, tiến túi thì ít nhưng lại muốn cưới Sandra - cô bạn gái cùng học trung học – nên ông xin làm một chân thanh tra nội bộ ở ngân hàng AmSouth. Mặc dầu lương bổng khá hậu hĩ nhưng ông vẫn “không có được cảm giác khi có mặt trong phiên toà lớp 6”. Sau cùng ông quyết định thi vào trường luật. Năm 1989, Miles tốt nghiệp trường luật Cumberland.

Trong những năm 1990-1991, Miles xin được chân thư ký cho quan toà John Patterson ở Toà Hình sự Phúc thẩm bang Alabama và sau đó làm việc dưới quyền của quan toà Henry Steagall.

Kinh nghiệm thời làm ngân hàng đã giúp ông bước chân vào Beasley Allen năm 1991. Những vụ án đầu tiên của ông tập trung vào gian lận bảo hiểm và thế chấp tín dụng. Hiểu biết tài chánh đã giúp ông dễ dàng hiểu được các giao dịch hơn người khác. Miles vẫn còn nhớ mãi hai vụ kiện lớn đầu tiên của mình:

Trong vụ thứ nhất, hai chị em gái đã già bị một tay bán bảo hiểm nào đó lừa bán cho họ cả chục thứ bảo hiểm mà họ chẳng cần. Trong vụ còn lại, một ông cụ đi kiện vì bị từ chối trả bảo hiểm vì lý do vô căn cứ.

Trong cả hai trường hợp, Miles và các đồng sự của ông đã thắng, họ mang về cho các thân chủ 2 triệu USD. Sau này, ông chia sẻ lại cái cảm giác tuyệt vời nhất từng trải qua khi nghe họ nói lời cảm ơn : “Ông đã giúp tôi, ông đã thay đổi cuộc đời tôi, làm cho nó tốt hơn”

Vụ kiện tỷ đô

Trong khoảng 5 năm gần đây, mặc dù khá nổi tiếng với vụ ầm ĩ của Taco Bell nhưng dường như tâm trí của Daniel Miles từ vài năm nay tập trung cho một loạt vụ kiện lớn mà ông cho là quan trọng nhất trong nghiệp luật sư của mình. Cùng với các đồng nghiệp của hãng luật Beasley Allen, Daniel Miles hy vọng sẽ đòi được hàng tỷ đô la cho ngân sách của 8 bang, bao gồm Alabama, Alaska, Hawaii, Kansas, Louisiana, Mississippi, South Carolina và Utah.

Vài chục công ty dược phẩm Mỹ đang phải chống đỡ với vị luật sư này trong các vụ kiện đòi bồi thường vì đã “thổi’ giá bán thuốc cho chương trình y tế cộng đồng Medicaid của chính phủ Mỹ dành cho các gia đình và cá nhân nghèo.

Trong chiến thắng gần đây nhất, hôm 4/9/2013 quan toà Thomas Zebert tuyên bố hãng dược phẩm Watson đã “thổi” giá bán sỉ trung bình được công bố để vơ vét ngân sách y tế bang Mississippi. Toà án đã buộc hãng này phải bồi thường 12,4 triệu USD. “Đây là chiến thắng thứ nhì trong số 54 vụ kiện mà bang Mississippi đang tiến hành chống lại các công ty sản xuất dược phẩm và trong cả hai trường hợp, chính quyền bang đều giành phần thắng”.

Trước đây, tháng 9/2011 cũng quan toà Zebert tuyên bố giá bán sỉ thuốc của Công ty Dược phẩm cho tiểu bang Mississippi cũng bị làm gian dối và buộc công ty này đến bù 23,6 triệu, nộp phạt 3,75 triệu USD. Cho đến nay tiểu bang Mississippi đã nhận đền bù ngoài tòa án và thắng trong hai vụ kiện tổng cộng 120 triệu USD từ các công ty dược phẩm liên quan tới việc nâng khống giá thuốc bán cho chương trình Medicaid của tiểu bang.

Hiện thời Daniel Miles và các đồng nghiệp tại Beasley Allen cũng đang đại diện cho bang Alamaba trong 72 vụ kiện nhằm vào các công ty dược về cùng tội “thổi” giá bán thuốc cho chương trình Medicaid của bang này. Kể từ năm 2008 đến nay, họ đã giành được thắng lợi ở một số trường hợp với tổng số tiền 352,4 triệu USD bồi thường cho ngân sách, chưa kể 123,15 triệu USD tiền bồi thường khác được dàn xếp trực tiếp bên ngoài tòa án với các công ty sản xuất dược bị kiện.

Một cuộc điều tra trên bảng giá do các công ty dược công bố cho thấy mức chênh lệch lớn giữa giá bán sỉ trung bình (AWP) dành cho các chương trình y tế cộng đồng với giá thực dành cho các nhà phân phối truyền thống của họ. Trong một vài trường hợp, mức chênh lệch AWP lên tới 2.500% !

Cuộc chiến thắng "không kèn không trốn"

Tuy nói rằng cuộc đấu trí với các công ty dược tương tự như trận chiến giữa gã khổng lồ Goliath với chàng David nhưng Miles cho rằng ông không thể tha thứ cho thói tham lam làm tổn hại đến những người cùng khổ.

Cho đến nay, Miles đã thay mặt cho 8 bang kiện hàng trăm công ty ra tòa về tội gian lận giá bán dược phẩm gây thiệt hại cho người nghèo. Ông bị coi là “kẻ thù” của hàng trăm công ty dược. Danh sách số lượng các công ty bị kiện ở từng bang đủ cho thấy điều này: Bang Alabam – 73 công ty, Mississippi - 86, Louisiana - 108, Nam Carolina - 18, Kansas - 33, Utah - 43, Hawaii – 44 và Alaska - 34,

Tuy vậy, không phải lúc nào tên tuổi của Miles cũng được coi trọng như nhau, đã có lúc người ta nghi ngại rằng ông có thể đã vội vã. Trường hợp vụ kiện nhằm vào thịt bò của hãng Taco Bell là ví dụ.

Tháng 1/2011 hãng Beasley Allen và Daniel Miles nhận thay mặt cho một phụ nữ tên Amanda Obney ở California tuyên bố sẽ khởi kiện hãng Taco Bell vì cho rằng thứ gọi là “thịt bò kẹp bánh mì kiểu Mexico” của hãng này chỉ chứa có 35% thịt bò, thấp hơn tiêu chuẩn của cơ quản quản lý thực phẩm. Bà Amanda Obney cho rằng cách quảng cáo và tiếp thị của Taco Bell gây ngộ nhận về chất lượng thịt bò trong bánh kẹp.

Đáp lại, Taco Bell mở chiến dịch phản công bằng quảng cáo tốn đến 4 triệu USD chứng minh rằng nhân của món bánh mì kẹp thịt của họ chứa đến 88% thịt bò, phần còn lại 12% là gia vị và rau độn.

Taco Bell còn đăng cả một quảng cáo công kích trực tiếp các luật sư: “Với các luật sư nhận vụ kiện này : Các vị đã nhầm và bây giờ có lẽ các vị đang cảm thấy rất tồi tệ. Nhưng điều gì có có thể giúp quý vị ? Hãy nói với mọi người : Tôi xin lỗi”.

Rất ngạc nhiên là chỉ 2 tháng sau đó, Amanda Obney “không kèn không trống” rút bỏ cáo buộc của bà : Nghĩa là không có dàn xếp bồi thường mặc dù trước đó các luật sư của bà đã có các cuộc lương lượng với phía Taco Bell.

Trong một tuyên bố phát đi vào giữa tháng 4/2011, luật sư Miles nói rằng do có sự thay đổi trong cách tiếp thị sản phẩm của Taco Bell nên vụ kiện bị huỷ bỏ. Thế nhưng liền đó, Taco Bell ra tuyên bố thẳng thừng rằng họ chẳng thay đổi bất cứ thứ gì, từ thành phần thịt cho tới cách quảng cáo, thậm chí còn đòi xin lỗi. Trên những tờ báo lớn nhất nước Mỹ như New York Times, Los Angeles Time hay UAS Today, Taco Bell cho chạy quảng caó với dòng chữ : “Không lẽ nói xin lỗi thì sẽ bị giết chết hay sao ?”.

Động thái ngạc nhiên nhất là các luật sư không hề đáp lại những phát ngôn khá trịch thượng từ phía Taco Bell. Điều này đặt ra một dấu hỏi bí hiểm lớn cho đến nay vẫn chưa có lời giải.

Quang Toàn

Pháp luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Mỹ sẽ là nước sản xuất dầu khí lớn nhất năm 2013? (04/10/2013)

>   Yahoo! chấp nhận bồi thường bản quyền cho SPH (02/10/2013)

>   Thái Lan mâu thuẫn vì chương trình trợ giá lúa gạo (01/10/2013)

>   Công nghiệp ôtô Mỹ rúng động với bê bối chuyển giá (30/09/2013)

>   Doanh nghiệp Nhật bị phạt 740 triệu USD vì thao túng giá (28/09/2013)

>   Rosneft ký hợp đồng đầu tư 15 tỷ USD với Exxon Mobil (28/09/2013)

>   Mỹ phạt 9 công ty sản xuất phụ tùng ô tô vì ấn định giá (27/09/2013)

>   Samsung chi 4,5 tỷ USD cho marketing trong quý 4 (26/09/2013)

>   Giá nhà ở Mỹ tiếp tục tăng, lòng tin tiêu dùng giảm (25/09/2013)

>   Samsung, LG chấm dứt chuỗi tranh cãi về bản quyền (24/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật