Dự án “tỷ đô”: Có vội mừng... ra mặt?
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh tới 17,9 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước sau TP.HCM- 22,2 tỷ USD) và kim ngạch nhập khẩu cũng rất lớn: 16,5 tỷ USD. Trong đó, gã khổng lồ Samsung chiếm phần lớn.
Vậy, Bắc Ninh có thể “tự hào” với con số kim ngạch xuất khẩu “đỉnh cao” không?
Các chuyên gia phân tích: Ở góc độ sản xuất, hầu như nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào đều nhập khẩu, Samsung (kể cả Nokia) chủ yếu chỉ lắp ráp rồi xuất khẩu, giá trị gia tăng thấp. Đã vậy, từ tháng 9/2012, Samsung đã chuyển sang hình thức doanh nghiệp chế xuất để hưởng nhiều ưu đãi hơn về các loại thuế.
Ở góc độ tài chính, Samsung bắt đầu có doanh thu từ tháng 4/2009, năm 2009 báo lãi 557 tỷ đồng, năm 2010 tăng vọt lên 2.031 tỷ đồng. Do được nhiều ưu đãi về thuế, tính đến hết năm 2012, Samsung chỉ nộp ngân sách khoảng 680 tỷ đồng, rất khiêm tốn!
Sắp tới, Thái Nguyên sẽ là “hình chiếu” của Bắc Ninh khi Samsung nâng vốn đầu tư vào tổ hợp công nghệ cao lên 3,2 tỷ USD, dự kiến kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Nên nhớ, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên chỉ 168 triệu USD. Đổi lại số vốn đầu tư “tỷ đô”, Thái Nguyên đã phải “xin” cho Samsung nhiều ưu đãi đặc biệt về thuế, tiền thuê đất...
Tương tự Samsung, nhiều dự án FDI công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam thời gian qua cũng nhập khẩu hầu hết linh kiện, lắp ráp và xuất khẩu. Thực chất, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam cốt để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, đồng thời hưởng nhiều ưu đãi lớn.
Vì thế, có câu hỏi nảy sinh: Dự án FDI “tỷ đô” vào lĩnh vực công nghệ cao, xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị gia tăng ít, thuế thu thấp..., có vội mừng... ra mặt hay không?
Trần Phương
Công thương
|