Chủ Nhật, 20/10/2013 10:32

"Sẽ có nghị định riêng để PPP phát huy hiệu quả"

Để PPP phát huy hiệu quả, một nghị định về vấn đề này đang được soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12 tới. Xung quanh vấn đề này Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). 

Không chỉ là nguồn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, hình thức đầu tư công - tư kết hợp (PPP) còn giúp hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí vốn được coi là “bệnh kinh niên” trong đầu tư công ở Việt Nam. Và để PPP phát huy hiệu quả, một nghị định về vấn đề này đang được soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12 tới. Xung quanh vấn đề này Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thưa ông, liên quan đến đầu tư công - tư kết hợp, hiện tồn tại hai văn bản pháp lý đang có hiệu lực: Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và Nghị định 108/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), BT (Xây dựng - Chuyển giao). Điều này khiến cho nhà đầu tư tư nhân băn khoăn về việc hoạt động đầu tư của họ sẽ được điều chỉnh bởi văn bản nào?

Đúng vậy và cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nhận thức rõ điều đó. Trong quá trình thực hiện, nhiều nhược điểm của Quyết định 71 đã bộc lộ rõ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, quy định hiện hành còn quá chung chung.

Vừa qua chúng tôi đã mạnh dạn làm một việc khá đặc biệt, chưa có tiền lệ, đó là tổ chức một cuộc hội thảo tại Singapore để trực tiếp lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, các tổ chức ngân hàng và tài chính xem họ thực sự cần gì. Kết quả cho thấy, đối với nhà đầu tư, điều quan trọng là mọi quy định phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, đầy đủ và có tính pháp lý cao; có cơ chế phân chia rủi ro và xử lý rủi ro mạch lạc. Trong khi đó, Quyết định 71 là Quy chế thí điểm, tính pháp lý và hiệu lực không cao. Nghị định 108 cũng chưa làm rõ được sự khác nhau giữa các hình thức BOT, BTO, BT với khái niệm PPP. Khi nào thì áp dụng Quyết định 171 và khi nào thì áp dụng Nghị định 108, giống nhau và khác nhau giữa hai văn bản này là gì... Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo một Nghị định về hình thức đầu tư PPP theo hướng hợp nhất hai văn bản pháp lý nêu trên, nhằm tạo ra cách hiểu, cách thực hiện thống nhất, thúc đẩy các dự án PPP.

Nghị định mới sẽ giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?

Văn bản này sẽ hướng dẫn, trả lời cặn kẽ rất nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư hiện nay (cả trong nước và nước ngoài); các tổ chức ngân hàng, tài chính sẽ cung cấp tín dụng cho nhà đầu tư; đồng thời làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư này.

Cụ thể, từ phía nhà đầu tư, những câu hỏi nào sẽ được trả lời?

Đơn cử như: Với nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư một con đường, thu phí bằng tiền đồng Việt Nam, liệu Nhà nước có cam kết bán ngoại tệ đủ cho họ để chuyển tiền về nước hay không?

Hay với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, liệu họ có thể sử dụng đất của dự án để thế chấp vay vốn từ ngân hàng và tổ chức đầu tư tài chính hay không? Cơ chế tham gia của nhà nước vào dự án như thế nào...?

Với các tổ chức tài chính ngân hàng, họ không thể để mình cũng bị thiệt hại nặng nề theo khi nhà đầu tư vì lý do nào đó mà không thể tiếp tục triển khai dự án, không trả được tiền vay (thường chiếm tới 70 - 80% tổng giá trị đầu tư). Khi đó, họ có quyền được “kéo” nhà đầu tư khác vào hay không, xử lý hậu quả như thế nào...

Rồi muốn mời nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP thì phải đấu thầu cạnh tranh, minh bạch, nhưng muốn đấu thầu cạnh tranh minh bạch thì phải lập dự án một cách bài bản, tức là phải có tiền để thuê công ty tư vấn có kinh nghiệm và năng lực thực thụ. Nhưng hiện nay ở Việt Nam thì thông thường công ty tư vấn phải ứng ra làm trước, khi dự án được duyệt, có tiền thì trả lại sau. Trong khi đó, các công ty tư vấn Việt Nam không giỏi về lập phương án tài chính cho các dự án PPP, tức là xây dựng kịch bản làm thế nào để thu được tiền về, bằng cách nào, trong bao năm... vì đây là hình thức rất mới.

Bên cạnh đó, ngoài những dự án do Nhà nước chuẩn bị rồi đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, những dự án do nhà đầu tư tự đề xuất dự án thì có đem ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không? Nếu cũng đấu thầu thì họ mất công tìm kiếm, xây dựng dự án để được gì? Tất cả những việc như vậy đều phải được quy định một cách cụ thể trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao thì mới thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn ra.

Bao giờ thì Nghị định về PPP có thể đi vào cuộc sống?

Theo kế hoạch, trong tháng 12 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định. Thực hiện đầy đủ quy trình lập pháp, nếu được phê duyệt đúng thời hạn thì trong quý 1-2014, Nghị định sẽ được ban hành. Tôi cho rằng không chỉ các nhà đầu tư sẽ nhận thấy cơ hội rõ ràng hơn mà một khi đất nước càng có nhiều dự án PPP thì sẽ thì càng ít đi những công trình đầu tư dang dở, lãng phí, hiệu quả sử dụng kém.

Xin cảm ơn ông!

PPP chỉ phù hợp với các lĩnh vực có sự ổn định lâu dài

Đầu tư theo PPP là mô hình dài hạn (đa số kéo dài 20 - 30 năm), do vậy phù hợp nhất với lĩnh vực kết cấu hạ tầng, môi trường và một số lĩnh vực có sự ổn định lâu dài. Ngược lại, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, do công nghệ thay đổi rất nhanh theo từng năm, dẫn đến phải chỉnh sửa hợp đồng nhiều lần nên rất khó đạt được sự đồng thuận giữa khu vực công và tư.

Tại cuộc hội thảo tổ chức hồi đầu tháng 9 về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, tại Việt Nam, Nhà nước chỉ nên tham gia vào các dự án PPP ở khâu chuẩn bị dự án mà không tham gia vào quá trình hoạt động kinh doanh của công trình như mô hình của một số nước khác. Ở giai đoạn đầu, Việt Nam cũng chỉ nên chọn những dự án nhỏ và đơn giản để thực hiện PPP.

Bình An

hải quan

Các tin tức khác

>   Một số nhóm hàng nhập khẩu chính 9 tháng năm 2013 (20/10/2013)

>   Vụ đồng loạt tăng cước 3G: “Thượng đế” chẳng là gì cả! (20/10/2013)

>   Không thể tái cơ cấu DNNN mà không chịu lỗ (20/10/2013)

>   Có 2 nghi vấn lớn trong dự án sân bay Long Thành (19/10/2013)

>   Việt Nam nhập siêu hơn 2 tỉ USD từ các nước ASEAN (19/10/2013)

>   Tái cấu trúc DN, “khéo co thì ấm” (19/10/2013)

>   Khu Công nghệ cao TP.HCM xuất khẩu 6,2 tỷ USD (18/10/2013)

>   “Đói” cá tra giữa mùa xuất khẩu (18/10/2013)

>   Việt Nam “siêu vô địch” về hủy phán quyết trọng tài thương mại (18/10/2013)

>   Mới có 2 công ty đòi bồi thường vụ Vinashin (18/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật