Điều tra, xử lý hành vi tham nhũng “có tiến bộ”
Đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng còn hạn chế, song Chính phủ cho biết hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, tại báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013.
Năm 2013, viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ, 202 bị can so với cùng kỳ năm 2012)
|
Tuy không xuất hiện ngay tại phiên khai mạc như ở kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, song báo cáo này vẫn được trình bày tại hội trường, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào sáng 22/10, theo chương trình dự kiến của kỳ họp thứ sáu sẽ khai mạc vào sáng 21/10 tới đây.
Một năm trước, Chính phủ báo cáo với Quốc hội: “Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.
Ở báo cáo năm nay, vẫn theo Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực trên một số mặt công tác. “Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện”.
Một trong số các kết quả tích cực được nêu tại báo cáo là hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thấp hơn so với các năm trước.
Cụ thể, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can) gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ, 202 bị can so với cùng kỳ năm 2012).
Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%). Số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 là 34,2%).
Báo cáo cũng cho biết, một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả phạm tội.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế na ná như các năm trước được lặp lại tại báo cáo. Như số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít. Việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, cho hưởng án treo. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong phòng chống tham nhũng được nêu tại báo cáo là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó là bệnh thành tích và né tránh trách nhiệm nên vẫn còn tình trạng bao che cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý.
Con số được nêu cụ thể hơn là đến hết tháng 9/2013, có 48 chiến sỹ công an, 20 thanh tra chuyên ngành , ngành kiểm sát có 2 người, ngành tòa án có 6 người bị phát hiện và xử lý vì có hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Có lẽ, đây là một phần câu trả lời cho câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, rằng có tham nhũng trong chính các cơ quan đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ, tại phiên họp tháng 9 năm nay.
Cũng tiếp thu ý kiến từ phiên họp này, báo cáo mới được hoàn thiện của Chính phủ đã bổ sung thông tin về hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, các thành viên của ban này đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ được phân công, cụ thể hóa chủ trương của Ban Chỉ đạo thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình và các đơn vị được phân công theo dõi, phụ trách.
Tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, từng thành viên đều có ý kiến đánh giá một cách khách quan, sát với thực tiễn về tình hình tham nhũng, kết quả công tác phòng chống tham nhũng và tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề, nhất là công tác phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.
Nguyễn Lê
vneconomy
|