Cuối 2014, hoàn tất thu xếp vốn dự án hóa dầu Long Sơn
Dự kiến đến cuối năm 2014, các đối tác trong liên doanh dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hoàn tất việc thu xếp tài chính cho dự án với tổng số vốn lên đến 4,5 tỉ đô la Mỹ.
Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết thông tin này nhân kỷ niệm 100 năm thành lập SCG vào cuối tuần rồi tại TPHCM.
Theo ông Kan, đây là dự án quy mô vốn lớn, lúc đầu các đối tác dự định đem dự án này vay vốn nước ngoài để thực hiện nhưng sau đó đã thay đổi theo hình thức các cổ đông phải là người bảo lãnh đi vay. Do việc thay đổi này nên việc sắp xếp tài chính mất nhiều thời gian.
Việc hoàn tất thu xếp vốn này, theo chủ đầu tư là công đoạn quan trọng để triển khai xây dựng và cho ra sản phẩm mà theo kế hoạch của nhà đầu tư đưa ra trước đó là vào năm 2018.
Theo ông Kan, những công việc khác cho dự án này hiện nay cơ bản đang có chiều hướng thuận lợi như UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trung tuần tháng 8 rồi đã bàn giao hơn 400 héc ta diện tích đất đã giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư dự án.
Hay trước đó, Công ty Qatar International Petroleum Marketing (nhà phân phối độc quyền các sản phẩm khí hóa lỏng của Qatar) cũng đã ký kết hợp đồng cung cấp dài hạn các nguyên liệu là proban và napta cho nhà máy nghiền, Công ty PV Gas trực thuộc Petro Vietnam cũng cam kết cung cấp nguyên liệu ê-than cho tổ hợp hóa dầu Long Sơn.
Cũng theo ông Kan thì SCG đang nắm giữ hơn 28% cổ phần của dự án, phần còn lại thuộc về các đối tác gồm Tập đoàn Qatar Petroleum, Tâp đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn có khả năng sản xuất 1,4 triệu tấn olefin với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, proban, napta. Dự án cũng bao gồm các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tàu, các kho chứa hàng, nhà máy điện...
Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM). Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong nước.
Liên quan đến dự án lọc hóa dầu, chiều ngày 6-10 tại Hà Nội, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, đồng thời ký kết hợp đồng thiết kế tổng thể và trao thư chọn thầu EPC cho Tập đoàn JGC (Nhật Bản).
Theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, dự án có tổng vốn đầu tư gần 3,18 tỉ đô la Mỹ so với số vốn đăng ký trước là 1,7 tỉ đô la Mỹ và nâng công suất lên gấp đôi. Dự án dự kiến sẽ được xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, trong khu vực được quy hoạch phát triển khu công nghiệp lọc hóa dầu của Khu kinh tế Nam Phú Yên. Diện tích đất sử dụng của dự án là 538 ha diện tích mặt đất và 500 ha diện tích mặt nước, trong đó, khoảng 450 ha diện tích mặt bằng xây dựng nhà máy.
Nhà máy có công suất 8 triệu tấn/năm, với các sản phẩm chính gồm: Polypropylen (275.000 tấn/năm), benzen (98.000 tấn/năm), toluene (72.000 tấn/năm), xylene (442.000 tấn/năm), propane (54.000 tấn/năm), LPG (90.000 tấn), xăng RON 92 (487.000 tấn), xăng RON 95 (1,56 triệu tấn), nhiên liệu máy bay (325.000 tấn/năm), diesel (2,3 triệu tấn), dầu FO (1,4 triệu tấn), lưu huỳnh (67.000 tấn/năm).
|
Hùng Lê
tbktsg
|