CTCK đang sợ… chứng khoán
Trước diễn biến bấp bênh của TTCK, các CTCK đã không dám bỏ tiền vào chứng khoán, mà chuyển sang gửi tiết kiệm, dù lãi suất ngân hàng liên tục giảm.
Tiền đang áp đảo cơ cấu tài sản
Trong số 19 CTCK đã có BCTC quý III/2013 mà ĐTCK thống kê được, có 10 CTCK có số dư tiền và tương đương tiền, tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng (hạch toán dưới dạng đầu tư tài chính) chiếm tỷ trọng trên 30% vốn chủ sở hữu. Cá biệt, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) có số dư tiền gửi lên tới trên 1.000 tỷ đồng, bằng hơn 151% vốn chủ sở hữu; CTCK Morgan Stanley Hướng Việt (MSGS) có 352 tỷ đồng tài sản ở dạng tiền (gửi ngân hàng, tiết kiệm, tương đương tiền…), bằng 97,81% vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2013.
Một số CTCK khác có tỷ lệ số dư tiền gửi ngân hàng trên vốn chủ sở hữu cuối quý III/2013 lớn khác có thể kể tới như: CTCK Maybank KimEng Việt Nam (MBKE) và CTCK Xuân Thành (xấp xỉ 74%); CTCP Phú Gia (60,11%), CTCK Mekong (55,27%)…
So với đầu năm 2013, số dư tiền mặt của hầu hết CTCK được thống kê nói trên đều tăng lên đáng kể. Như tại BSC, số dư tiền và tương đương tiền đầu năm nay (loại trừ tiền gửi NĐT) chỉ trên 303 tỷ đồng; Phú Gia tăng từ 2,6 lên 59,95 tỷ đồng; Mekong từ 20,07 lên 31,06 tỷ đồng; CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agriseco) từ hơn 272 lên gần 755 tỷ đồng…
Thực tế cho thấy, tình trạng tăng sở hữu tiền mặt đã và đang diễn ra tại rất nhiều CTCK. Một số CTCK lớn dù chưa có BCTC quý III, nhưng số liệu cập nhật đến 30/6/2013 cũng cho thấy lượng tài sản nằm dưới dạng tiền gửi rất lớn. Tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), theo BCTC hợp nhất bán niên có soát xét năm 2013, thời điểm 30/6/2013, Công ty có hơn 3.571 tỷ đồng tài sản sở hữu dưới dạng tiền, bao gồm 1.592 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 3 tháng, hơn 1.815 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng. Với số dư tiền này, SSI có tỷ lệ tiền mặt/vốn chủ sở hữu lên tới trên 70%, tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản đạt gần 40%.
Với CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), số dư tiền mặt tại thời điểm 30/6/2013 cũng đạt xấp xỉ 753 tỷ đồng, bằng khoảng 35,53% vốn chủ sở hữu.
Khẩu vị rủi ro đang thay đổi
Số dư tiền mặt của các CTCK đang thay đổi theo chiều hướng gia tăng cho thấy, khẩu vị rủi ro của hầu hết CTCK đã thay đổi. Nếu trước kia, việc CTCP Kim Long gửi tiết kiệm tiền, đâu đó trên thị trường có thể xuất hiện những lời lẽ chê trách, thì nay, dường như đó là hướng đi của đa số CTCK.
Tại CTCP Chứng khoán VSM, dù tỷ lệ tiền gửi trên vốn chủ sở hữu rất nhỏ, chưa tới 0,04%, nhưng điểm đáng lưu ý là, Công ty có khoản đầu tư tài chính rất lớn vào một số DN, chủ yếu là trái phiếu hưởng lãi suất cố định; tỷ trọng đầu tư cổ phiếu rất nhỏ.
Với HSC, ngoài tiền mặt nhiều, tại thời điểm 30/6, Công ty còn sở hữu 719 tỷ đồng giá trị danh mục đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ quỹ, 2 tài sản đang rất an toàn hiện nay. Danh mục đầu tư cổ phiếu ngắn hạn của HSC chỉ còn gần 422 tỷ đồng. Phần còn lại của tài sản, HSC đang sinh lợi chủ yếu qua sản phẩm giao dịch ký quỹ cho khách hàng. Đây là mảng hoạt động khá mạnh của HSC do đặc trưng quản trị rủi ro tốt.
Với SSI, bên cạnh việc tăng tỷ trọng lớn vào tiền gửi có kỳ hạn, từ lâu, Công ty đã chuyển hướng sang tập trung nhiều vào các khoản đầu tư lớn tại các DN tốt, thay vì giao dịch lướt sóng như xu hướng chung của khá nhiều CTCK giai đoạn trước.
Với 19 CTCK mà ĐTCK đã thống kê được BCTC quý III, một đặc điểm khá thú vị là, khái niệm tự doanh đang dần… biến mất tại hầu hết CTCK quy mô vốn nhỏ (dù vẫn đủ điều kiện tự doanh). Gửi tiền ngân hàng, cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, hoặc thậm chí một số đơn vị cũng giảm luôn mảng dịch vụ này là xu hướng của các CTCK trong giai đoạn hiện nay.
Có vẻ như, những diễn biến khó khăn của thị trường đang buộc các CTCK chuyển hướng kinh doanh an toàn nhằm bảo toàn vốn. Và nếu các CTCK vẫn còn “đứng ngoài” tự doanh, thì có lẽ NĐT cá nhân cũng nên thận trọng.
Bùi Sưởng
Đầu Tư Chứng khoán
|