Thứ Năm, 10/10/2013 22:58

Chủ tịch nước khen TP.HCM xử lý kiên quyết vụ lương ‘khủng’

Có gần một nửa ý kiến của cử tri Q.4 (TP.HCM) nêu lên tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào chiều 10.10 đề cập đến vụ lương "khủng" vừa qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời ý kiến chất vấn của cử tri Q.4, TP.HCM

Nơi nào cứ úm úm thì nơi đó tham nhũng nhiều nhất

Các ý kiến xoay quanh vấn đề truy trách nhiệm các sở, ngành như thế nào trong vụ lương "khủng"; giám đốc doanh nghiệp công ích “ăn” lương như thế (có người nhận đến 2,6 tỉ đồng/năm) bắt nguồn từ đâu?...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Bản thân tôi hoan nghênh TP.HCM đã kịp thời phát hiện, công khai cụ thể và kiên quyết xử lý, không sợ khuyết điểm”.

Theo Chủ tịch nước nên phát huy tinh thần này “bởi mình công khai, minh bạch, nghiêm túc sửa sai thì dân không kêu ca gì đâu”.

“Công khai, minh bạch là chủ trương của Đảng từ Đại hội 6, chứ không phải là điều mới mẻ gì. Nhưng rồi mỗi ông làm mỗi kiểu khác nhau. Nơi nào cứ úm úm, cất giấu kỹ, thì nơi đó tham nhũng nhiều nhất”, chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước đề nghị TP.HCM khen thưởng người có công phát hiện ra vụ việc để nhân rộng phong trào chống tiêu cực. “Không công khai, minh bạch là không hay chút nào”, ông lưu ý.

Đừng chỉ biết dựa vào văn bản chung

Đưa chủ quyền biển đảo vào nội dung sách giáo khoa

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng thông tin về chủ quyền biển đảo vẫn còn là vấn đề rất hạn chế đối với học sinh, sinh viên. Do đó, có ý kiến đề nghị cần phải đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, cần thiết phải đưa chủ quyền biển đảo vào nội dung sách giáo khoa.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định thông tin về chủ quyền biển đảo được công bố rất nhiều trong thời gian qua, “nhưng chúng tôi sẽ cho rà soát lại nội dung sách giáo khoa xem thử đã biên tập đầy đủ chưa để có hướng thay đổi thích hợp. Phải chú ý hết sức giáo dục con cái trong gia đình về chủ quyền đất nước, biển đảo”.

Đến lượt được mời lên phát biểu, cử tri Nguyễn Đào Ngọc Diễm đề nghị cần phải mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, chứ theo quy định như hiện nay thì không công bằng.

Chủ tịch nước cho rằng xây dựng nhà ở xã hội là chủ trương lớn nhưng nguồn lực nhà nước có hạn, hiện rất khó có thể đáp ứng được hết nhu cầu nhà ở cho dân số cả nước hơn 86 triệu người.

“Nhưng cũng phải có cách giải quyết rất là Việt Nam, chứ không thể lấy cách làm của các nước để so sánh hoặc áp dụng cho mình, vì họ có điều kiện hơn, đặc điểm cũng rất khác”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Theo Chủ tịch nước, TP.HCM là một đô thị đặc thù và có điều kiện để làm nhà ở xã hội. Ông lưu ý lãnh đạo thành phố phải chủ động giải quyết, kịp thời đề xuất Trung ương tháo gỡ những vướng mắc để làm có hiệu quả, “chứ đừng chỉ biết dựa vào văn bản chung” và “đừng chờ thông tư, nghị định”.

Một nguồn lực bị phung phí ghê gớm

Cử tri Lê Thị Rõ bày tỏ bức xúc về việc chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân còn thấp, khám chữa bệnh chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, tình trạng quá tải, thủ tục còn rườm rà khiến người bệnh… thêm đổ bệnh vì mất quá nhiều thời gian.

Chủ tịch nước cho biết từ sau ngày giải phóng đến nay, bệnh viện mới rất ít nên tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng.

Theo Chủ tịch nước, chủ trương của Trung ương là làm sao trang trải đồng đều giữa các vùng miền đất nước. Một lượng tiền khổng lồ đã được chi ra để đầu tư hệ thống an sinh xã hội về mặt y tế. Tuy nhiên, thiếu sót là sức đầu tư vẫn chưa theo kịp nhu cầu cuộc sống.

“Tuyến dưới gần như thủng lưới, sự tin cậy về y tế ở bên dưới (cấp cơ sở) chưa có tốt nên Trung ương đang tập trung giải quyết, chứ đã chật mà để chật thêm nữa thì việc quản lý như thế là kém, không tốt”, ông nói.

Dẫn ra thành công của Đà Nẵng trong việc xã hội hóa xây dựng Bệnh viện Ung bướu, Chủ tịch nước đề nghị các địa phương khác cũng cần tham khảo cách làm hay này.

Chủ tịch nước nhìn nhận: “Tay nghề bác sĩ mình không đến nỗi kém, trang thiết bị chưa thể nói bằng người ta nhưng cũng rất tiên tiến rồi”.

Ông nói thêm: “Vậy mà hàng năm vài tỉ USD chảy ra nước ngoài để chữa bệnh, đây là một điều rất là đáng tiếc, vì GDP nước ta không nhiều. Một nguồn lực bị phung phí ghê gớm, trong khi anh em mình có khả năng chữa trị được”.

“Do đó Trung ương luôn khuyến khích các thành phần kinh tế đều có thể tham gia phát triển bệnh viện, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều đầu tư xây dựng hệ thống bệnh viện hiện đại”, Chủ tịch nước khẳng định.

Đình Phú - (Ảnh) Diệp Đức Minh

thanh niên

Các tin tức khác

>   Hủy án vụ chủ doanh nghiệp bắt tay cán bộ ngân hàng Vietcombank lừa dân (10/10/2013)

>   Mỹ sẽ bán công nghệ và nhiên liệu hạt nhân cho Việt Nam (10/10/2013)

>   “Câu hỏi khó” của Chủ tịch TKV (10/10/2013)

>   Có bằng chứng mới về 'kho vàng 4.000 tấn'? (10/10/2013)

>   Bức thư cuối cùng của Đại tướng gửi doanh nhân Việt Nam (10/10/2013)

>   Người tiêu dùng chi tiền vào đâu khi giá thực phẩm tăng? (09/10/2013)

>   Yêu cầu 6 doanh nghiệp sữa giải trình việc tăng giá (09/10/2013)

>   Kiến nghị chế tài cơ quan nhà nước chậm trả lời báo chí (09/10/2013)

>   Mỹ - Nhật hoãn tập trận vì… thiếu tiền (09/10/2013)

>   Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt lợi nhuận 2.200 tỷ đồng (09/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật