Người tiêu dùng chi tiền vào đâu khi giá thực phẩm tăng?
Bảy mươi phần trăm người tiêu dùng Việt Nam cho biết giá thực thẩm tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu sinh hoạt của gia đình, theo nghiên cứu mới công bố ngày 8/10 của Nielsen - công ty đo lường và phân tích thông tin về hành vi người tiêu dùng xem và mua sắm.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của việc tăng giá đến quyết định lựa chọn chủng loại sản phẩm, 13% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cho biết họ sẽ mua rau quả nhiều hơn, 9% sẽ dự trữ các loại ngũ cốc trong nhà. Hơn một nửa số người phỏng vấn nói họ vẫn sẽ mua như bình thường các loại thịt và gia cầm (59%), cá và hải sản (55%), sản phẩm sữa (55%), bánh mỳ (43%) và thực phẩm không biến đổi gen (43%). Gần hai phần ba sẽ giảm mua kẹo, bánh và các loại đồ ngọt (65%), nước uống có ga (61%), đồ uống có cồn (60%), đồ ăn làm sẵn (48%), snack và thức ăn vặt (56%).
Người tiêu dùng chi tiền vào đâu khi giá thực phẩm tăng?
|
Khảo sát cũng cho thấy, kênh thương mại truyền thống vẫn là nơi mua sắm chủ yếu ở nhiều nước, và đối với những thị trường này, đa số người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm để sử dụng trong ngày. 33% người tiêu dùng Việt Nam trong phỏng vấn cho biết họ sẽ vẫn mua nhãn hàng riêng một cách bình thường, trong khi chỉ 7% sẽ mua thêm nếu giá thực phẩm tăng.
Ông James Russo, Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng toàn cầu của Nielsen cho rằng, thách thức đối với các công ty chính là việc giới thiệu các thương hiệu và sản phẩm mới sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong bối cảnh giá thực phẩm tăng làm hạn chế việc mở rộng chi tiêu của người tiêu dung.
Khi được hỏi về tác động của giá thực phẩm tăng đến nơi người tiêu dùng sẽ mua sắm, gần một phần ba (32%) người tiêu dùng Việt Nam nói họ sẽ tự trồng hoặc mua tại vựa hoặc cửa hàng thanh lý nhiều hơn, 30% cho biết sẽ mua ở cửa hàng khuyến mãi. Hơn một nửa vẫn mua sắm bình thường tại chợ (53%) trong khi siêu thị bị ảnh hưởng khá nhiều với 47% người tiêu dùng cho biết họ sẽ giảm mua sắm tại đây, kế đó là cửa hàng tiện lợi (40%) và cửa hàng trưng bày sản phẩm (40%).
Trong thời gian giá thực phẩm tăng, 40% người tiêu dùng Việt Nam được phỏng vấn cho biết họ sẽ lên mạng xã hội để tìm khuyến mãi, 35% sẽ dự trữ hàng hóa khi có khuyến mãi, và 34% sẽ chỉ mua hàng giảm giá.
“Hiểu rõ vị trí của thương hiệu trong ngành hàng sẽ cho phép các công ty phản ứng với giá thực phẩm tăng để bảo vệ khách hàng của mình một cách tốt nhất”, ông Russo nhấn mạnh, “Tuy chiến lược phản ứng với lạm phát cần thống nhất xuyên suốt các nước, thay đổi để thích nghi với từng thị trường vẫn là điều cực kỳ quan trọng”.
Ông James Russo cũng cho rằng, với dân số thuộc tầng lớp trung lưu tăng khoảng 70 triệu người mỗi năm và giá lương thực ước tính tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh ở bất kỳ đâu cũng đang chuẩn bị cho một thời kỳ chưa từng có của sự tăng nhu cầu, áp lực kinh tế và xu hướng tiêu dùng theo cảm xúc.
“Bằng cách đánh giá tổng quan các tầng lớp người tiêu dùng, khả năng chi trả linh hoạt và nhu cầu thị trường, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng có thể nắm bắt sức mua thực tế và quy mô hàng hóa, dịch vụ tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại cả các nước đang phát triển và các nước đã phát triển”, ông James Russo tư vấn.
Hồng Nga
doanh nhân sài gòn
|