Chủ tịch Bitexco: “Chưa bao giờ nhiều cơ hội như hiện nay”
Bitexco, đại gia ngành bất động sản đã gây bất ngờ cho không ít người khi quyết định nhảy sang lĩnh vực phát triển đường cao tốc, một lĩnh vực khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Cuộc chơi mới liệu có đem lại thành công như cuộc chơi bất động sản trước đó?
Doanh nhân Vũ Quang Hội, thuyền trưởng của Bitexco
|
Dấn thân vào lĩnh vực mới
Giữa tháng 9/2013, hơn 100 đại biểu quốc tế đã về Hà Nội để dự hội thảo giới thiệu dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm đầu tư theo hình thức công - tư (PPP). Cho dù việc một công ty tư nhân tham gia phát triển một dự án cơ sở hạ tầng là điều bình thường ở các quốc gia phát triển, điều này ở Việt Nam vẫn là rất mới!
Các đại biểu không đến chỉ vì tò mò. Rất nhiều người trong số họ là đại diện cho các công ty, các quỹ đầu tư tiềm năng của thế giới, và họ nhận thấy cơ hội tốt khi tham gia một dự án đầy tham vọng. Không chỉ vậy, nhiều người nhìn vào vai trò của Bitexco, một công ty tư nhân danh tiếng trong nước, vốn đã được chọn lựa làm nhà đầu tư thứ nhất của dự án, trước đó.
Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến sẽ là tuyến cao tốc với bốn làn xe, nơi các lái xe có thể chạy ở tốc độ 100 km/h. Nhưng “đường” đến với dự án này của Bitexco thì không hề đơn giản: sau 5 năm chuẩn bị, các vấn đề cơ bản về thủ tục pháp lý mới được giải quyết. Tuy nhiên, ngay cả vào thời điểm mà mọi thứ đã rất thuận lợi như hiện nay, vẫn còn đó những “ổ gà”. Hơn nữa, tuy Bitexco đã được chọn là nhà đầu tư thứ nhất, dự án vẫn phải tiến hành đấu thầu quốc tế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư thứ hai.
Dẫu vậy, việc được tiếp đón hàng trăm đại biểu quốc tế đến dự hội nghị này, với ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, thực sự là một tín hiệu tốt lành. Trước đó, các chuyến roadshow do Bộ Giao thông vận tải và Ngân hàng Thế giới tổ chức để giới thiệu dự án cũng đã thu hút được sự chú ý đáng kể của giới đầu tư quốc tế.
Nhiều người tò mò khi dường như Bitexco đã nhận được khá nhiều ưu đãi từ Chính phủ cho dự án này. Chẳng hạn, vào tháng 9/2012, Bitexco đã được Chính phủ chấp thuận hai điều khoản rất quan trọng trong việc triển khai dự án, bao gồm việc Chính phủ “đồng ý sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí rà phá bom mìn và vật liệu nổ, di dời các cơ sở tiện ích khỏi mặt bằng dự án” và “đồng ý bảo lãnh vốn vay của Nhà đầu tư Việt Nam - Bitexco theo quy định bảo lãnh của Chính phủ”.
Với các điều kiện ưu đãi như vậy, các công việc chuẩn bị tiếp theo đã được thúc đẩy nhanh chóng hơn. Theo nhiều chuyên gia, vì Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong các dự án tương tự, nhà đầu tư cần được “nâng đỡ” và có được sự bảo đảm nhất định trước khi bắt tay vào dự án.
Với vốn đầu tư dự kiến khoảng 757 triệu USD, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được xem là có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, kết nối các trung tâm kinh tế từ Tp.HCM đến Phan Thiết. Khi hoàn thành vào năm 2019, dự án sẽ đáp ứng được lưu lượng vận chuyển cao, góp phần rút ngắn khoảng cách tới các khu công nghiệp, cảng, sân bay cũng như các điểm đến du lịch của vùng duyên hải miền Trung.
Dự kiến, vào tháng 11/2013, sẽ có danh sách các nhà đầu tư tham gia dự án, từ đó tiến hành công tác đấu thầu vào đầu năm 2014. Sau khi chọn được nhà đầu tư thứ hai với tỷ lệ góp vốn là 40%, Bitexco sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này.
Với riêng Bitexco, dự án này có thể coi là một bước đột phá, như rất nhiều những bước đột phá khác đã được vị thuyền trưởng của công ty này, ông Vũ Quang Hội, lặng lẽ hiện thực hóa trong nhiều năm qua.
“Đi trước” và “ngược dòng”
Thời điểm mà Bitexco quyết định nhảy vào lĩnh vực bất động sản cách đây 10 năm, rất ít người biết đến công ty có xuất phát là dệt và nước uống đóng chai này.
Nhưng, trong khi thị trường Hà Nội mới chỉ biết đến vài dự án căn hộ như Linh Đàm hay Trung Hòa Nhân Chính, việc Bitexco cho ra đời dự án chung cư cao cấp The Manor Hà Nội đã gây ra một cú sốc thật sự. Chính The Manor đã mang đến cho rất nhiều người dân Hà Nội khái niệm đầu tiên về “căn hộ mẫu”, điều mà giờ đây một tòa căn hộ trung bình cũng có thể làm được.
Sau 10 năm, vai trò một nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Bitexco đã được khẳng định, không chỉ bằng số lượng và chất lượng của các dự án, mà còn bởi sự độc đáo và tính nghệ thuật rất cao của các công trình. Một ví dụ điển hình là dự án tòa tháp tài chính Bitexco Financial Tower, một dự án giờ đã thành biểu tượng của Tp.HCM. Tòa tháp 68 tầng này mới đây đã được hãng truyền thông CNN (Mỹ) bình là “một trong 25 tòa nhà chọc trời trên thế giới mang tính biểu tượng về xây dựng”, sánh ngang với tháp Empire States Building ở New York hay Petronas Twin Towers ở Malaysia.
Nhưng Bitexco không chỉ làm nên những biểu tượng về chiều cao hay sự hiện đại của công trình. Dưới bàn tay chèo lái của ông Vũ Quang Hội, Bitexco đã và đang dần đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị doanh nghiệp, thể hiện qua từng việc cụ thể như công việc nội bộ phải trao đổi bằng tiếng Anh, hay việc vào năm 2012 đã thuê ông In Suk Ko, Phó Chủ tịch công ty xây dựng Hyundai E&C về làm Tổng giám đốc điều hành.
Ông In Suk Ko thừa nhận, lời mời làm việc từ ông Vũ Quang Hội là “một đề nghị khó cưỡng lại”. Ông Ko cho biết “duyên phận” với Bitexco bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa ông với Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, ông Vũ Quang Hội, khi đến thăm Việt Nam để đàm phán về việc xây dựng dự án Bitexco Financial Tower tại Tp.HCM. Trong quá trình làm việc cho dự án này, ông Hội đã rất ấn tượng và nhiều lần ngỏ lời mời ông giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành tại Bitexco. Mặc dù ông Ko chỉ muốn ở lại Hàn Quốc sau khi nghỉ hưu tại Hyundai E&C.
"Chính sự chuyên nghiệp trong công tác xây dựng quản lí dự án Bitexco Financial Tower của Tập đoàn Biteco và tầm nhìn chiến lược dài hạn của ông Hội là động lực làm thay đổi quyết định của tôi. Bên cạnh đó, sự tin tưởng mà ông Hội dành cho tôi cả về chuyên môn xây dựng lẫn điều hành kinh doanh nói chung cũng là một yếu tố quan trọng để nhận lời”, ông Ko nói.
Không như phần đông doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam, Bitexco đứng ngoài cơn bão chứng khoán một thập kỷ qua, trong khi cá nhân ông Vũ Quang Hội cũng vắng tên trong mọi danh sách người giàu. Ông chọn cho mình cách ứng xử khá bặt thiệp nhưng lặng lẽ, hầu như không xuất hiện trên báo chí, hầu như tránh xa mọi giải thưởng và danh hiệu… Nhưng, với những dự án đã và đang được triển khai, ông xứng đáng nhận được từ các doanh nhân khác sự ngưỡng mộ.
Mới đây, tạp chí Forbes Việt Nam đã có bài viết về ông Vũ Quang Hội, trong đó Forbes đã gọi ông là một “người xây biểu tượng”. Trả lời Forbes, ông Hội cho biết quan điểm kinh doanh của mình là “lúc nghịch thì phải tính thuận, và lúc thuận thì phải tính nghịch”.
“Lúc tình hình thuận lợi nhất, như thời điểm năm 2003 - 2007, nếu suy nghĩ rất lạc quan thì bay lên giời lúc nào không biết. Lúc đó thì lại phải bình tĩnh quản trị cho tốt, đó là tính nghịch. Còn lúc khó khăn thử thách thì cơ hội cũng nhiều. Chưa bao giờ nhiều cơ hội như hiện nay, nên không thể bỏ lỡ… Cơ hội chỉ dành cho những người biết quyết tâm làm” ông nói.
Anh Minh
vneconomy
|