Các ngân hàng đang bán nợ xấu nói gì?
Ngày 3/10/2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, đơn vị này đang triển khai rốt ráo với các ngân hàng SHB, SCB, PGBank để mua nợ của các ngân hàng này.
Theo thông tin mới nhất, SHB và SCB, mỗi ngân hàng muốn bán trên 1.000 tỷ đồng, trong khi PGBank chỉ bán 200 tỷ đồng và tương đối “ngon ăn”.
“Câu lạc bộ nghìn tỷ đồng”
Sáng 3/10, trao đổi với người viết, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết, sau khi sáp nhập Habubank, tính đến 30/6/2013, tổng tài sản ngân hàng này đạt 104.524 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 92.632 tỷ đồng; dư nợ cho vay cá nhân và các tổ chức kinh tế đạt 58.478 tỷ đồng và bắt đầu có lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng.
Có vẻ như sau Agribank và tiếp đến là SHB và SCB, đang dần hình thành “câu lạc bộ bán nợ nghìn tỷ đồng” từ những tổ chức tín dụng muốn thanh lý bớt “của nợ” đáng ghét đang đeo đẳng bảng cân đối tài chính của họ - Minh họa: Khều
|
Mặc dù có một chút lời lãi kể từ sau khi sáp nhập Habubank nhưng mối quan tâm lớn nhất của thị trường với SHB lại chính là xử lý nợ xấu khi số liệu cập nhật gần nhất đến 31/12/2013 thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 8,8% và đến 30/6/2013 tăng nhẹ thêm 0,24% so với đầu năm.
Vì vậy, sau Agribank thì SHB cùng SCB và PGBank được VAMC để mắt mua nợ.
Ông Hiển nói: “Hầu hết khoản nợ mà SHB sẽ bán cho VAMC đều của ngân hàng Habubank chuyển về, sau khi sáp nhập vào SHB. Giá trị của chúng dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất như giấy và một số ít bất động sản. Không có khoản nợ thuộc Vinashin vì khoản nợ này đã được Chính phủ xử lý thông qua một số cơ chế tài chính. Trong tuần này, hai bên đang rà soát từng khoản mục để đưa ra con số chính thức”.
Với PGBank, khi được hỏi về số nợ cũng như phân loại khách hàng thuộc nhóm nợ cần bán, một phó tổng giám đốc của PGBank dè dặt: “Do chưa được phê duyệt của Hội đồng Quản trị nên chưa chốt được con số chính thức, phải thứ hai tuần tới mới có và cũng không muốn truyền thông rộng rãi do hơi… nhạy cảm!”.
Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Thành viên VAMC, ông Hùng xác nhận con số nợ mà ông Hiển (SHB) đưa ra và cho biết thêm, mặc dù hồ sơ SHB đưa lên khá nhiều nhưng VAMC chỉ tập trung mua nợ đối với những doanh nghiệp đang hoạt động thì mới tái cơ cấu được, còn những doanh nghiệp đã phá sản thì chưa thể tính đến.
Với PGBank, ngân hàng này đã trình lên VAMC một số hồ sơ với tổng giá trị vài trăm tỷ đồng, hồ sơ tương đối “ngon”, hiện đã chốt sơ bộ, đang rà soát lần cuối. Ngoài ra, SCB cũng gửi hồ sơ lên VAMC với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa chốt vì còn phải thẩm định kỹ càng.
Có vẻ như sau Agribank và tiếp đến là SHB và SCB, đang dần hình thành “câu lạc bộ bán nợ nghìn tỷ đồng” từ những tổ chức tín dụng muốn thanh lý bớt “của nợ” đáng ghét đang đeo đẳng bảng cân đối tài chính của họ.
Đánh giá chung tính chất món nợ mà các ngân hàng muốn bán trình lên, ông Hùng nói: “Qua các hồ sơ gửi lên VAMC, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất và bất động sản, không có chứng khoán. Chúng tôi không mua chứng khoán vì thị trường đang giảm giá quá mức, hơn nữa, hiện phải ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất để góp phần phục hồi kinh tế”.
“Trái phiếu đặc biệt” có gì đặc biệt?
Điểm thứ nhất mà thị trường quan tâm trong quá trình mua bán nợ giữa VAMC và tổ chức tín dụng chính là giá mua.
Ông Lê Đức Thọ, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước giải thích: “Giá mua nợ xấu của VAMC bằng với giá trị sổ sách khoản nợ trừ đi số dư trích lập dự phòng rủi ro chưa sử dụng”.
Ví dụ, để xác định giá mua nợ xấu của Agribank trong đợt 1 vừa qua đối với 27 khoản của 11 khách hàng, VAMC xác định: giá trị ghi sổ: 2.450 tỷ đồng, trừ đi giá trị trích lập dự phòng rủi ro chưa sử dụng gần 800 tỷ đồng nên giá mua ở đây là 1.723 tỷ đồng. Đáng chú ý là giá trị tài sản bảo đảm của các khoản nợ trên là 3.600 tỷ đồng.
Thứ hai là vấn đề khi ký hợp đồng xong thì bao giờ các đơn vị bán nợ sẽ nhận được tiền, ông Nguyễn Quốc Hùng giải thích: sau khi ký hợp đồng khung, sẽ ký hợp đồng chi tiết với từng khoản nợ và đăng ký lưu ký trái phiếu ghi sổ mà đơn vị bán nợ được thụ hưởng tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, thời gian thanh toán tối đa là T+2 cho các đơn vị bán nợ.
“Trái phiếu đặc biệt” này chỉ có giá trị trong giao dịch tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước chứ không phải lưu hành trên thị trường như đối với các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu doanh nghiệp…
Thứ ba, xung quanh nghi ngại khoản nợ mua của VAMC thì lớn nhưng vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đòn bẩy tài chính quá lớn, đại diện VAMC cho rằng, đây là “trái phiếu đặc biệt”, cơ sở pháp lý của chúng là Nghị định 53, chỉ có giá trị giao dịch tái cấp vốn với tỷ lệ tối đa 70% với Ngân hàng Nhà nước, không có giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp nên không cần thiết bàn cãi về chỉ số tài chính này.
Thứ tư, VAMC có sẵn sàng bán nợ cho tổ chức tài chính nước ngoài hay không, đại diện VAMC cho biết, có khá nhiều tổ chức nước ngoài tìm hiểu, thậm chí ngỏ lời mua hoặc ủy thác qua trung gian tài chính mua nhưng VAMC mới chỉ dừng lại ở chỗ “học hỏi” một số kinh nghiệm mua bán nợ trên thị trường quốc tế và chưa đặt vấn đề bán nợ cho họ, kể cả với đề nghị vay vốn của họ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostbank nói: “Hiện giá tài sản tương đối thấp, đặc biệt là bất động sản, nên không thể bán. Một thời gian nữa, khi nền kinh tế phục hồi, tài sản lên giá, lúc đó tổ chức tín dụng có phát mại, bán tài sản thì không bị bán với giá rẻ mạt như bây giờ. Mặt khác, sau khi bán nợ cho VAMC, tổ chức tín dụng trích lập đủ 20% thì chỉ sau 3 năm, họ sẽ có thêm một khoản kha khá và khi thị trường hồi phục, giá trị tài sản lên, họ chỉ cần bán được 80% giá trị sổ sách thì lượng thu nhập bất thường của họ sẽ rất lớn”.
Nguyễn Hoài
vneconomy
|