Thứ Tư, 16/10/2013 23:01

Bốn sân bay gọi vốn đầu tư 170.000 tỉ đồng

Ngành hàng không cần nguồn vốn khổng lồ hơn 170.000 tỉ đồng để xây dựng và nâng cấp 4 sân bay trải dài từ Bắc vào Nam. Theo danh mục được Cục hàng không Việt Nam công bố hôm 15-10, các sân bay cần vốn đầu tư gồm Long Thành, Cam Ranh, Chu Lai và Quảng Ninh.

Nhiều sân bay tại Việt Nam đang được mở rộng. Trong ảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) đang được mở rộng - Ảnh: Anh Quân

Trong số 4 dự án được công bố để mời gọi đầu tư, có 2 sân bay mới dự kiến xây dựng là Long Thành và Quảng Ninh.

Trong đó, sân bay quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng thành sân bay trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á. Sân bay này được thiết kế với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong giai đoạn 1 (từ năm 2015 đến 2020) đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay… với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 là 151.695 tỉ đồng.

Còn sân bay Quảng Ninh được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, giai đoạn đến năm 2020 sẽ là sân bay nội địa. Tổng số vốn đầu tư dự kiến 5.100 tỉ đồng (giai đoạn 1 là 3.500 tỉ đồng).

Bên cạnh 2 sân bay mới, sân bay Cam Ranh cũng được xây dựng thêm đường cất hạ cánh số 2 và nâng cấp đường cất hạ cánh số 1. Tổng số vốn đầu tư dự kiến là 4.500 tỉ đồng.

Một sân bay khác tại miền Trung là Chu Lai (Quảng Nam) cũng được nâng cấp và xây dựng mới đường cất hạ cánh. Tổng vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn đến năm 2020 và 2025 là 11.468 tỉ đồng (giai đoạn 1 là 4.000 tỉ đồng).

Tổng số vốn để xây mới và nâng cấp 4 sân bay nói trên dự tính trên 170.000 tỉ đồng.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, do số vốn đầu tư các sân bay rất lớn trong khi ngân sách nhà nước có hạn nên các dự án này đang được mời gọi theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Hiện nay, dự án sân bay Long Thành và sân bay Cam Ranh đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư nước ngoài muốn được đầu tư theo hình thức PPP.

Trước đó, ông Lê Trọng Sành (nguyên trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất) và ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công đoàn bay 919) đã gửi kiến nghị lên Chính phủ không nên xây sân bay Long Thành vì số vốn đầu tư quá lớn và sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có thể mở rộng được.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn và Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, khuyến kích tư nhân đầu tư vào các hạng mục dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Lê Anh

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Nhà nước vẫn giữ 100% vốn tại Viettel (16/10/2013)

>   Doanh nghiệp nhỏ gặp khó với thị trường Nga (16/10/2013)

>   Đầu tư 2 tỷ USD phát triển nông nghiệp carbon thấp (16/10/2013)

>   Xi măng rục rịch tăng giá bán (16/10/2013)

>   Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vào Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin (16/10/2013)

>   Sốc với con số lỗ nặng của Constrexim Bình Định (16/10/2013)

>   Ngành thép tiếp tục lao dốc (16/10/2013)

>   Viện phí lại nhấp nhổm tăng (16/10/2013)

>   Sân bay Long Thành: Đâu cần xây vội! (16/10/2013)

>   Vinashin - Từ ảo vọng về thực tế (16/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật