Bầy hầy dự án hơn 8.000 tỉ
Không chỉ chậm tiến độ, dự án đường hành lang ven biển phía Nam mắc hàng loạt sai phạm và chủ đầu tư - Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - “nướng” ngân sách không thương tiếc
Dự án đường hành lang ven biển phía Nam có chiều dài khoảng 217 km, bắt đầu từ cửa khẩu Xà Xía (biên giới Campuchia) kéo dài về TP Cà Mau, nối vào Quốc lộ 1. Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 398 triệu USD (hơn 8.000 tỉ đồng). Tháng 5-2011, dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công và theo kế hoạch, các dự án thành phần quan trọng sẽ hoàn thành sau 36 tháng. Tuy nhiên, đến nay, dự án còn hết sức ì ạch; khâu quản lý chất lượng công trình bị buông lỏng.
Ngổn ngang
Những ngày cuối tháng 10-2013, chúng tôi có chuyến thị sát dọc công trình đường hành lang ven biển phía Nam. Suốt từ phía Tây TP Rạch Giá kéo dài về hướng 2 huyện An Biên, An Minh (tỉnh Kiên Giang) đi Cà Mau, ngoài một số cây cầu lớn đã thành hình, phần còn lại của con đường này chỉ là những “phác thảo” đứt khúc, rời rạc. Ở các đoạn trùng lắp tuyến đường hiện hữu, đơn vị thi công san đất và rải đá qua loa cho phần cơi nới khoảng gần 2 m. Hầu hết các đoạn đường đầu tư mới dù đã được phun cát nhưng vẫn còn lẫn dưới ruộng, rạch.
Bắt nguồn từ cửa khẩu Xà Xía (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), đường hành lang ven biển phía Nam đi trên Quốc lộ 80 hiện hữu. Đến TP Rạch Giá, tại số nhà 1083 Mạc Cửu, tuyến đường này mới tách nhánh để tránh đô thị. Dù đã khởi công từ 3 năm qua nhưng ngay tại điểm rẽ này hiện vẫn còn vướng 2 căn nhà cao tầng. Ông Nguyễn Văn Huy, chủ nhà số 1083 Mạc Cửu, cho biết gia đình ông đã làm móng xong, chỉ chờ ngày nhờ “thần đèn” di dời căn nhà 3 tầng sang vị trí mới nhưng hiện chưa thể tiến hành bởi nhà thầu chưa trả hơn 1 tỉ đồng tiền đền bù giải tỏa.
Một đoạn của dự án qua ấp Bảy Chợ, xã Đông Thái, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang còn lổn ngổn (ảnh chụp ngày 23-10)
|
Từ vị trí này, đi vào khoảng 500 m, cầu Rạch Giá 1 đã hoàn thành phần thô. Trên cầu, lác đác vài công nhân của Công ty Cơ giới 1 (Tổng Công ty Công trình giao thông 1) đang lắp đặt thiết bị thoát nước. Đoạn đường bên này cầu đã được san lấp và rải đá, các thùng phuy đựng nhựa nằm hai bên, cỏ đã mọc phủ xanh bên dưới. Người dân khu vực này cho biết công trình đã ngưng khá lâu, không thấy ai làm...
Chưa biết ì ạch đến bao giờ
Ở phía Nam TP Rạch Giá, hình ảnh nổi bật của dự án cũng chỉ là các cây cầu Cái Lớn, Cái Bé. Chiều 22-10, chúng tôi qua phà Tắc Cậu để tìm hiểu khúc giữa của dự án đường hành lang ven biển phía Nam. Từ trên phà, người dân hồ hởi nhìn ngắm chiếc cầu Cái Bé sừng sững và xôn xao bàn tán về một ngày không xa họ sẽ từ giã những chuyến phà chậm chạp để được phóng nhanh trên cầu mới, đường mới.
Sang đến địa phận huyện An Biên, chúng tôi đi tìm dấu vết hình hài của siêu dự án trổ về miệt Cà Mau. Tuy nhiên, đường dẫn từ cầu Cái Bé “lội ruộng” đi vào Quốc lộ 63 vẫn chưa đâu vào đâu. Trong khi đó, việc mở rộng Quốc lộ 63 từ đây cho đến thị trấn Thứ Bảy cũng chỉ mới dừng lại ở việc dọn dẹp cỏ và một khoảng hẹp bề mặt đất kéo dài bên trái vệ đường (hướng đi Cà Mau). Đến thị trấn Thứ Bảy, dự án bắt đầu “nhảy” ra khỏi tuyến quốc lộ hiện hữu, khai phá một tuyến hoàn toàn mới và phải xây hàng loạt cây cầu để vượt qua hệ thống kênh rạch băng ngang. Ở vị trí băng qua kinh Ông Lục (huyện An Minh), khâu giải tỏa vẫn đang dang dở.
Con đường chỉ mới được đắp đất, thành một vệt nâu xám hun hút giữa đồng; bên kia kênh Ông Lục, ngổn ngang các loại vật liệu, bê-tông nằm đợi thi công. Tại ấp Bảy Chợ (xã Đông Thái, huyện An Minh), chúng tôi bắt gặp một số công nhân đang ngồi chơi. Họ cho biết được nhận thầu xây lắp các trụ cầu ở đoạn đường này, lẽ ra chỉ 4 tháng là xong nhưng do nhà thầu cấp trên chây ì thanh toán nên phải làm cầm chừng, chờ nhận tiền.
“Chúng tôi đã bám trụ ở đây qua 3 cái Tết rồi, chán lắm. Tiền không có mà cũng chẳng nghe ai nói gì, các hạng mục liên quan cũng chẳng thấy ai làm. Ít nhất là 5 tháng đã qua, không ai làm gì. Tình cảnh này chưa biết kéo dài đến bao giờ” - đại diện một đơn vị thi công ngán ngẩm.
Buông lỏng chất lượng
Liên quan đến dự án này, vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có thông báo kết quả kiểm toán gửi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) và nhiều địa phương, đơn vị liên quan.
Trong thông báo, KTNN kết luận: Về tiến độ thực hiện dự án, chủ đầu tư, tư vấn giám sát đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, tiến độ thực tế thi công tại các gói thầu cho thấy dự án sẽ khó hoàn thành theo đúng tiến độ được phê duyệt..., nhà thầu chậm triển khai khi thi công làm chậm tiến độ khoảng 5 tháng (gói thầu CW7/2, dự án thành phần 1.1).
Ngoài ra, cũng theo KTNN, chất lượng công trình của gói thầu CW7/2, dự án thành phần 1.1 thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam cũng bộc lộ nhiều sai sót. Khâu thoát nước mặt và nước mưa của công trường chưa bảo đảm đúng quy định, thiếu cửa thoát nước ngang tại các vị trí xử lý đất yếu đầu cầu đã thi công đắp cát gia tải; thiếu các cọc quan trắc; các bàn đo lún đã bị vùi lấp. Ở dự án thành phần 2 và 3, phần lớn ống nhựa bảo vệ các cọc quan trắc lún, cọc đo chuyển vị trí ngang tại chân taluy không có hoặc bị gãy; cửa thoát nước ngang bị vùi lấp trong khi nền đường vẫn đang trong giai đoạn chờ lún, chưa tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
Riêng gói thầu CW 7/4 chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về quản lý môi trường, kiểm soát sức khỏe, an toàn lao động và bảo đảm giao thông theo quy định của hợp đồng; chưa thực hiện công tác đo độ nghiêng, đo áp lực nước lỗ rỗng đối với các đoạn thi công xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm. Tại dự án thành phần 3, cọc khoan nhồi đã thi công xong nhưng hồ sơ nghiệm thu thiếu các thí nghiệm kỹ thuật; qua lấy mẫu một số vị trí cho thấy hàm lượng cát nhỏ ở lớp đệm vượt mức quy định, độ chặt nền đường không bảo đảm, vật liệu đắp nền đường là cát có lẫn đất sét...
Kỳ tới: Rất nhiều khâu mắc sai sót
Dự án sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chính phủ Hàn Quốc, viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc và ngân sách nhà nước. Đây là một phần của tuyến đường bộ quốc tế dài gần 1.000 km, kết nối Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.
|
người lao động
|