Thứ Bảy, 21/09/2013 11:41

Vốn vào sản xuất hay trả nợ “tín dụng đen”?

Tín dụng đã phục hồi, đưa tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 8 tháng đầu năm lên mức 6,45%. Câu hỏi đặt ra là, nguồn vốn này có thực sự phục vụ sản xuất hay để đảo nợ ngân hàng hoặc trả nợ “tín dụng đen”?

Tín dụng tăng những tháng cuối năm là hợp quy luật, bởi đây thời kỳ cao điểm của sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế 8 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi, với hơn 10.700 doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại.

Tín dụng đã tăng, nhưng nguồn vốn này có thực sự phục vụ sản xuất hay để đảo nợ ngân hàng hoặc trả nợ “tín dụng đen”?

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng ồ ạt xin nới “room” tín dụng, thậm chí xin nới đến 30%.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vốn chảy chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên.

Thế nhưng, với tình hình tiêu thụ hàng hóa và sức khỏe DN hiện nay, có thể thấy, không phải toàn bộ tín dụng đổ vào sản xuất.

Chính các ngân hàng cũng khẳng định, hiện nay, do khó khăn cho vay sản xuất, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để bù đắp lợi nhuận.

Đơn cử, theo VIB, tính đến hết tháng 8, sản phẩm cho vay nhà đất của ngân hàng này đã tăng tới 24%.

Lẽ thông thường, tín dụng tiêu dùng tăng sẽ kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi. Song trên thực tế, một lượng vốn không nhỏ từ tín dụng tiêu dùng đang sử dụng cho các mục đích khác, khiến dòng vốn chảy vòng quanh trong hệ thống ngân hàng mà nguy cơ nợ xấu thêm phình to.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, Giám đốc Khối bán lẻ của một ngân hàng tại Hà Nội cho hay, lượng hồ sơ vay tiêu dùng của ngân hàng đã tăng gấp 8 lần so với đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng không thể kiểm soát được đường đi cùng vốn vay tiêu dùng.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng tăng là dấu hiệu mừng, nhưng khó có thể khẳng định tín dụng chảy vào sản xuất. Cũng theo TS. Phong, tín dụng tăng một phần có thể do các ngân hàng cơ cấu lại nợ và cũng không loại trừ khả năng vay vốn để đảo nợ.

Theo quy định, DN vướng nợ xấu, thiếu tài sản thế chấp thì khó có thể vay vốn. Để “lách” quy định này, nhiều DN đã chuyển sang vay tiêu dùng cá nhân dạng tín chấp, sau đó sử dụng tiền vay để đảo nợ ngân hàng hoặc trả nợ “tín dụng đen”.

Nếu số tiền này được dùng để trả nợ “tín dụng đen”, thì nợ xấu rõ ràng sẽ là nguy cơ lớn với ngân hàng. Còn nếu để đảo nợ, ngân hàng sẽ đẹp sổ sách trong một thời gian nhất định, song số nợ vẫn còn nguyên, thậm chí có nguy cơ phình to hơn.

Ngoài ra, hiện nay, do phát hành thẻ khá dễ dãi, chỉ cần xác nhận thu nhập “ảo”, nhiều người có thể nắm trong tay 4 - 5 thẻ tín dụng. Hạn mức chi tiêu mỗi thẻ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, mà khách hàng có thể rút hết hạn mức tiền trong thẻ.

Tuy nhiên, do các ngân hàng thường tính phí rút tiền rất nặng hoặc chỉ cho rút 50 - 70% hạn mức chi tiêu, nên khách hàng đã chuyển sang mua vàng online, sau đó rút vàng đem bán. Số tiền bán vàng sau đó đi đâu, ngân hàng không thể kiểm soát được.

Như vậy, rủi ro do tín dụng tiêu dùng sử dụng sai mục đích đang hiện hữu, buộc NHNN phải có biện pháp để sản phẩm này phát triển lành mạnh.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Việc ngân hàng tập trung cho vay tiêu dùng không có lợi cho sản xuất và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, để vốn chảy vào sản xuất, thì lãi suất cho vay phải hạ xuống 6 - 7%/năm, đúng với khả năng chịu đựng của DN. Muốn vậy, NHNN phải cho các ngân hàng thương mại vay tái cấp vốn với lãi suất thấp để các ngân hàng cho vay với lãi suất 6 - 7%/năm. Khi lãi suất thấp, tín dụng tăng, ngân hàng sẽ thận trọng cho vay tiêu dùng”.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, không lo ngại lãi suất thấp sẽ khiến lạm phát tăng, tiền không chảy vào ngân hàng, mà ngược lại, lãi suất thấp, hàng hóa sản xuất ra rẻ sẽ kéo lạm phát giảm. Hơn nữa, thực tế nhiều nước cho thấy, dù bơm tiền với lãi suất thấp, nhưng nếu hút về bằng nhiều kênh, Nhà nước vẫn kiểm soát được lạm phát.

Hà Tâm

báo đầu tư

Các tin tức khác

>   Phá đáy lãi suất và vòng xoáy rủi ro mới (21/09/2013)

>   Sẽ hỗ trợ tín dụng cho các Doanh nghiệp nữ trang (21/09/2013)

>   BIDV và MetLife sẽ liên doanh bảo hiểm nhân thọ (20/09/2013)

>   Ngân hàng giảm giá bán đôla (20/09/2013)

>   Ưu tiên mua 35.000 tỷ đồng nợ xấu đợt đầu (20/09/2013)

>   Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh? (20/09/2013)

>   Ngày 19/9, NHNN hút về 794 tỷ đồng (19/09/2013)

>   Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 9-12% (19/09/2013)

>   Thận trọng trong vay tiêu dùng để tránh “bẫy” lãi suất “khủng” (19/09/2013)

>   NHNN yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM (19/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật