Chủ Nhật, 22/09/2013 23:02

“Vàng trắng” lấn rừng

Diện tích trồng cao su đã vượt xa quy hoạch chung cả nước. Trong khi hiệu quả kinh tế - xã hội của loại cây trồng được xem là “vàng trắng” chưa rõ ràng thì hàng ngàn hecta rừng tự nhiên đã phải ngã xuống

Hai tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về rừng và lâm nghiệp là vừa công bố báo cáo “Phát triển cao su và bảo vệ rừng ở Việt Nam”.

Một khu rừng của Lâm trường Cư M’lanh (tỉnh Đắk Lắk) bị người dân phá để trồng cây cao su Ảnh: CAO NGUYÊN

Phát triển ồ ạt ở vùng không ưu thế

Theo báo cáo trên, ở Tây Nguyên có 227 dự án trồng cây cao su đã được cấp phép. Bình quân mỗi dự án được cấp khoảng 511 ha đất, trong đó có 402 ha rừng tự nhiên, còn lại là đất lâm nghiệp không có rừng. Theo chiến lược phát triển cao su đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, 56% diện tích trồng cao su của Tây Nguyên được lấy từ rừng nghèo kiệt, còn lại là từ đất nông nghiệp của hộ gia đình. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), có đến 79% diện tích được mở rộng trồng cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên là diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang. Tuy nhiên, không phải toàn bộ diện tích này là rừng nghèo kiệt vì có gần 400.000 m3 gỗ tận thu được từ việc chuyển đổi 700.000 ha rừng tự nhiên sang đất trồng cao su. Đây mới chỉ là số kê khai, còn theo kinh nghiệm của Forest Trends, con số gỗ tận thu thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều. Qua đó cho thấy việc mở rộng diện tích cây cao su đã gây tổn hại trực tiếp đến tài nguyên rừng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Theo nghiên cứu của thế giới, mức hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng tự nhiên cao hơn rất nhiều so với rừng cao su.

Còn ở Tây Bắc (nơi không được ưu tiên phát triển cây cao su), quỹ đất cho phát triển cây công nghiệp này chủ yếu lấy từ đất nương rẫy, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả và đất sản xuất lâm nghiệp, đất rừng được giao cho cộng đồng. Việc chuyển đổi này đã khiến một bộ phận dân cư mất đi nguồn sinh kế, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của địa phương, gia tăng sức ép lên nguồn tài nguyên rừng do các hộ dân thiếu đất sản xuất phải phá rừng.

Mặt khác, thời tiết và thổ nhưỡng khu vực Tây Bắc được đánh giá là không tối ưu cho việc phát triển cây cao su, có thể dẫn đến hiệu quả kinh tế không bảo đảm. Việc cây non chết ở Tây Bắc và Đông Bắc trong giai đoạn 2008-2009 càng gây thêm nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của cây cao su tại khu vực này. Tuy vậy, Bộ NN-PTNT lại đề xuất tăng diện tích trồng cây cao su tại khu vực Tây Bắc lên 100.000 ha thay vì 50.000 ha như quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009.

Lạm dụng khai thác gỗ

Theo báo cáo, nguyên nhân cơ bản gây mất rừng không phải từ chính sách mà là do việc thực hiện tại các địa phương. Chính quyền địa phương đã tỏ ra dễ dãi khi cấp phép cho các dự án trồng cao su nhưng lại buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho một số công ty cao su lợi dụng để chuyển đổi rừng, bao gồm cả những diện tích không đáp ứng với các tiêu chí chuyển đổi.

Từ đó, nhiều nơi việc chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su diễn ra ồ ạt, mất kiểm soát, quá trình chuyển đổi đất lâm nghiệp của nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã không tuân thủ các quy định của nhà nước và có hiện tượng lạm dụng chính sách để khai thác gỗ. Bên cạnh đó, Thông tư 58 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn trồng rừng trên đất lâm nghiệp lại sử dụng tiêu chí về trữ lượng gỗ để quy định cho việc chuyển đổi rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su cũng mang nhiều rủi ro. Chẳng hạn, một số loại rừng đang trong giai đoạn tái sinh nên trữ lượng gỗ thấp nhưng vẫn bị chuyển đổi sang trồng cao su. Thông tư chỉ mới hướng dẫn về kỹ thuật mà chưa tính đến các yếu tố văn hóa, xã hội… của cộng đồng dân cư.

Xác định việc chuyển đổi rừng sang trồng cây công nghiệp, trong đó có cây cao su, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời nhằm chấn chỉnh việc phát triển ồ ạt cây cao su, cuối năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT rà soát lại tình hình phát triển cây cao su. Trong chỉ đạo, Chính phủ nêu rõ: Một số tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình và Hà Giang không nằm trong quy hoạch phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng vẫn ồ ạt trồng thử nghiệm và đại trà trên diện tích rất lớn trong nhiều năm. Tuy nhiên, do đất đai, thời tiết không phù hợp... đã làm cho cây chết hoặc sống nhưng không cho mủ, cho mủ rất thấp dẫn đến hoang phí tài nguyên, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp và người dân...

Thế nhưng hiện nay, tốc độ phát triển cây cao su ở những khu vực này vẫn chưa hết nóng.

Cây cao su có thành vàng?

Một nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán FPT, trên 80% sản lượng mủ cao su được xuất khẩu, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc chiếm đến 40%, còn lại tiêu thụ nội địa 20%. Trong năm 2012, tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng trên 1 triệu tấn, tương đương hơn 2,8 tỉ USD.

Tuy nhiên hiện nay, lượng cung cao su trên thế giới đã vượt cầu. Dự báo trong năm 2013, diện tích trồng cao su ở Đông Nam Á vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu mủ cao su những tháng đầu năm 2013 giảm 50% so với năm 2012 làm cho nhiều hộ dân trồng cao su thua lỗ.

Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện trong khuôn khổ của Sáng kiến FLEGT (hạn chế khai thác gỗ trái phép và quản lý rừng bền vững của Liên hiệp châu Âu). Theo hiệp định này, gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên để lấy đất trồng cao su được coi là gỗ chuyển đổi. Dẫu vậy, cho đến nay, gỗ từ rừng chuyển đổi có được chấp nhận đưa vào chuỗi cung hay không vẫn đang được Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp châu Âu thảo luận. Bên cạnh đó, quan ngại của thế giới về tình trạng lạm dụng dự án trồng cao su để khai thác gỗ đã từng diễn ra ở một số địa phương ở Việt Nam làm cho việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ khi đưa vào chuỗi cung trở nên khó khăn. Điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.

“Liệu có cần thiết phải hy sinh rừng tự nhiên cho cây cao su trong khi lợi ích của việc phát triển cây cao su đối với những người dân nghèo hằng ngày phải sống dựa vào rừng vẫn còn rất xa vời?” - Forest Trends và Tropenbos International Việt Nam đặt vấn đề.

Nhiên Di

Người lao động

Các tin tức khác

>   Yêu cầu xử lý vụ làm giả hồ sơ vay 65 tỉ đồng của VDB (22/09/2013)

>   Bạc Hy Lai bị tuyên án có tội (22/09/2013)

>   Vay nửa tỷ USD cho dự án tàu điện ngầm tại Tp.HCM (21/09/2013)

>   Petroland bị tố lừa đảo (21/09/2013)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm biên chế (21/09/2013)

>   Đại lý 'hô biến' tên khách để bán vé máy bay giá rẻ (21/09/2013)

>   Vụ “tỷ phú Forbes” và bài học truyền thông (20/09/2013)

>   Putin có thể tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ tư (20/09/2013)

>   Bão số 8: Miền Trung “hỗn loạn” vì dự báo sai lệch (20/09/2013)

>   Cảnh sát du lịch: có nên thành lập? (19/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật