"Sức khỏe" kinh tế thế giới đang trên đà cải thiện
Theo thống kê mới nhất, trong tháng Chín này, các doanh nghiệp của châu Âu và Trung Quốc đã được tiếp sức bởi một lượng lớn đơn đặt hàng mới.
Như vậy, đã có thêm bằng chứng cho thấy "những vết thương" của kinh tế thế giới đang lành dần.
Chuyên gia Philip Shaw thuộc Investec nhận định: kinh tế toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng được củng cố. Các nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang bước vào giai đoạn phục hồi bền vững." Tính từ đầu năm tới thời điểm này, rõ ràng "sự phục hồi của Mỹ đã có lực, mặc dù phải đối phó với một số thách thức tài chính khá nặng nề."
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương nước này) đã khiến các thị trường toàn cầu bất ngờ khi trì hoãn thu giảm chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của họ, đồng thời hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng của Mỹ.
Việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ có quan điểm đối lập nhau về thời điểm giảm dần gói nới lỏng định lượng khiến các thị trường băn khoăn, trong khi nước Mỹ đang rơi vào cuộc tranh luận nảy lửa về mức trần nợ công. Bức tranh tài chính bấp bênh ở Washington đã làm mờ bớt chiến thắng của Thủ tướng Đức Angela Merkel - người sẽ tiếp tục chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Hiện châu Âu vẫn đang phải đối mặt với nhiệm vụ nâng cao nhịp độ tăng trưởng. Theo điều tra của Markit, chỉ số quản lý sức mua tổng hợp (PMI) ở Eurozone trong tháng Chín này đã tăng từ 51,5 điểm của tháng trước lên 52,1 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 6/2011, trong khi các chuyên gia phân tích dự báo con số này là 51,9 diểm.
Nhịp độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ - đóng vai trò rường cột đối với nền kinh tế của khối - cũng vượt dự báo của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò do hãng tin Reuters của Anh thực hiện. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - tăng tốc mạnh hơn so với tháng trước. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 19 tháng, hoạt động kinh doanh của các công ty Pháp cũng đi lên.
Theo Markit, PMI tổng hợp (thể hiện "sức khỏe" của các công ty hoạt động trong lĩnh vực chế tạo và dịch vụ trên toàn khu vực) trong quý 3 năm nay tăng 0,2% - tương đồng phần nào với kết quả điều tra của Reuters. Đây là tín hiệu khả quan đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Hồi đầu tháng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi khẳng định EU sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ chừng nào nền kinh tế còn cần và tỷ lệ lãi suất sẽ vẫn ở mức hiện nay hoặc thấp hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên mức đỉnh của 10 tháng qua. Lượng đơn hàng ở thị trường nội địa nước này cũng vọt lên mức cao nhất của 5 tháng. Chỉ số HSBC PMI của Trung Quốc trong tháng Chín này đạt 51,2 diểm, so với 50,1 điểm của tháng trước đó. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng Ba năm nay.
Hồi tháng Bảy và tháng Tám vừa qua xuất hiện tâm lý lo ngại rằng tốc độ tăng GDP của Trung Quốc không với tới mục tiêu 7,5% mà Bắc Kinh đặt ra. Nhưng nay, hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng mục tiêu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là khả thi.
Hương Giang
vietnam+
|