SBS: Sự trở lại từ vực sâu
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) vẫn đang trong công cuộc “đại phẫu” để vực dậy một thương hiệu vang bóng một thời trên TTCK. Và thêm tín hiệu cho thấy SBS đang trở lại từ vực sâu đó là chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng đến nay bất ngờ đạt trên 30% từ con số âm 17.4% của năm trước.
Nhiệm vụ ưu tiên lúc này của SBS chính là đưa chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng về mức trên 180% trước ngày 30/11/2013.
Từng nằm trong top 10 thị phần môi giới nhưng SBS lại rơi vào “vực sâu”. Đến ngày 25/03, cổ phiếu SBS phải chính thức rời sàn khi báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2012 cho thấy lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2012 là 1,767.7 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp 1,266.6 tỷ đồng. Khi đó chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng của SBS là âm 17.4%.
Kể từ khi bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, công ty đã đưa ra nhiều phương án tái cấu trúc. Câu nói “Tận nhân lực, Tri thiên mệnh” đã trở thành hiện thực, công ty đang phát đi những tín hiệu hồi phục đáng kể. Các đề án tái cấu trúc của SBS đều hướng tới mục tiêu xử lý nhanh và quyết liệt những khoản thua lỗ, khôi phục vốn điều lệ và tỷ lệ vốn khả dụng theo Thông tư 226 và Thông tư 165 của Bộ Tài chính nhằm đưa SBS ra khỏi tình trạng bị kiểm soát.
Mục tiêu thứ hai là đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động; thu hồi tối đa thất thoát, khắc phục những hạn chế trong hệ thống quản trị điều hành, hệ thống quản lý rủi ro; bổ sung năng lực cả về số lượng và chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý và điều hành cấp cao; tái cấu trúc toàn diện tổ chức và định hướng hoạt động của SBS, đặt nền tảng cho SBS phát triển trên một lộ trình ổn định và bền vững.
Theo nguồn tin từ SBS, tính đến thời điểm hiện tại, ước chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng của SBS đạt gần 31%, so với con số trong BCTC soát xét tại thời điểm tại 30/06 là 12.7% đã gia tăng đáng kể.
Để đưa được chỉ tiêu này từ con số âm trở về ngưỡng an toàn của một CTCK, SBS đang thực hiện tái cấu trúc tài sản và cả các công nợ phải thu, phải trả. Trong cơ cấu tài sản của SBS, bao gồm 188 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; gần 140 tỷ đồng là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và 203 tỷ đồng là giá trị còn lại sau khấu trừ lỗ và trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn.
Tái cấu trúc các khoản mục này đồng nghĩa với việc SBS sẽ đẩy mạnh tăng thu hồi công nợ, quyết liệt giảm khoản phải thu. Thông tin từ SBS, đến thời điểm hiện tại công ty đã thu hồi được khoản nợ lớn tương ứng 400 tỷ đồng, trong đó tiền mặt thu về khoảng trên 60 tỷ đồng và còn lại là được hoàn nhập dự phòng. Có thể thấy, đây là những bước chuyển mình đáng ghi nhận của SBS.
Cũng trong đề án tái cấu trúc, SBS dự kiến sau khi hoàn tất thoái vốn tại SBS Campuchia sẽ thu về khoảng 40 tỷ đồng tiền mặt. Với việc này, ước tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của SBS sẽ tăng lên mức trên 80% vào cuối tháng 9 này.
Các giai đoạn sau của việc tái cấu trúc dự kiến giúp tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của SBS từng bước vượt mức 120% để tiến tới ngưỡng 180% - ngưỡng an toàn của CTCK.
Bên cạnh chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng, kết quả kinh doanh tích cực dần lên của SBS thời gian gần đây cũng là chỉ báo cho thấy sự hồi phục đáng kể. Cụ thể, trong tháng 4, SBS ghi nhận mức lãi 1.54 tỷ đồng; doanh thu 2.73 tỷ đồng; chi phí hoạt động giảm mạnh, chỉ còn 1.48 tỷ đồng. Tháng 5/2013, doanh thu đạt 3.65 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế 46.97 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với cùng thời điểm năm 2012.
BCTC riêng giữa niên độ năm 2013 đã được soát xét với mức lãi 6 tháng đầu năm hơn 3.4 tỷ đồng, một con số đáng khích lệ so với mức lỗ gần 139 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Mới đây nhất, chỉ riêng trong tháng 8/2013, SBS ghi nhận lãi ròng gần 32.69 tỷ đồng, nâng tổng lãi lũy kế từ đầu năm lên con số gần 40 tỷ đồng. Đây có thể xem là thành quả đáng kinh ngạc của SBS khi mà tình cảnh hoạt động của công ty đang ở thế hoàn toàn bị động và khó khăn.
Một điểm sáng nữa mở ra kỳ vọng cho tương lai của SBS, về niềm tin của khách hàng dành cho một thương hiệu. Mặc dù SBS đã trải qua nhiều sóng gió nhưng công ty vẫn giữ được sự uy tín nhất định, đã có rất ít trường hợp nhà đầu tư đóng tài khoản giao dịch tại đây. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng tài khoản nhà đầu tư mở tại SBS vẫn đạt đến hơn 45,000 tài khoản.
Có thể nói, vấn đề mấu chốt nhất của SBS vào thời điểm này chính là tìm cách đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên ngưỡng an toàn để giúp công ty thoát khỏi án kiểm soát đặc biệt. Và với những gì ban lãnh đạo và nhân viên SBS đang thực hiện thì các cổ đông hoàn toàn có thể tin tưởng vào “sự trỗi dậy của một đế chế”.
Sanh Tín
|