Thứ Ba, 24/09/2013 06:31

Chí phí tài chính vẫn là gánh nặng của doanh nghiệp

Mặc dù mặt bằng lãi suất tín dụng đã liên tục giảm với tốc độ khá nhanh thời gian qua, song chi phí vay vốn vẫn là một trong những áp lực lớn nhất trên vai nhiều doanh nghiệp, tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh.

Nợ “vượt mặt” vốn cả ngàn lần

Kết thúc quý 2/2013, công ty cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Sài Gòn (niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, mã PSG) bước sang quý kinh doanh thứ bảy liên tiếp lỗ, tính từ quý 4/2011 đến nay, với khoản lỗ luỹ kế lên tới hơn 400 tỉ đồng, âm cả vào vốn điều lệ gần 50 tỉ đồng. Cụ thể, khoản lỗ ghi nhận tại thời điểm 30.6.2013 lên tới hơn 63,5 tỉ đồng. Báo cáo tài chính (BCTC) sáu tháng soát xét cũng cho thấy, doanh nghiệp đang phải cõng trên lưng khoản nợ phải trả tại thời điểm 30.6 tới hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn hơn 962 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống và thị trường chứng khoán cũng theo đó tuột dốc. Ảnh: Lê Quang Nhật

Một trường hợp có kết quả kinh doanh bi đát tương tự khác, là công ty cổ phần Nam Vang (NVC). Chỉ riêng trong quý 2, NVC đã lỗ hơn 67,6 tỉ đồng, nâng khoản lỗ sáu tháng lên hơn 78,8 tỉ đồng và lỗ luỹ kế đến thời điểm 30.6 xấp xỉ 233 tỉ đồng, “ăn” cả vào vốn xấp xỉ 60 tỉ đồng. Nam Vang cũng đang chịu áp lực khoản nợ ngắn hạn hơn 885 tỉ đồng, trong đó vay và nợ ngắn hạn hơn 417 tỉ đồng. Khoản vay lớn nhất của Nam Vang tới hơn 269 tỉ đồng, tại công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC), còn lại dao động trên dưới 40 tỉ đồng, tại các ngân hàng như Agribank, BIDV, Techcombank, PVFC, ngoài ra còn một chủ nợ là công ty TNHH Trường Thành với hơn 5,5 tỉ đồng.

Công ty cổ phần xây lắp dầu khí miền Trung (mã chứng khoán PXM, niêm yết tại sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) cũng chung tình cảnh. Tại thời điểm 30.6.2013, nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 684,4 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 605,4 tỉ đồng. Cũng trong nửa đầu năm 2013, doanh nghiệp đã thua lỗ hơn 141,8 tỉ đồng và lỗ luỹ kế đến ngày 30.6 năm nay tới gần 250 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của PXM chỉ là 150 tỉ đồng…

Ba doanh nghiệp kể trên nằm trong số hàng ngàn doanh nghiệp đang phải nặng gánh nợ nần, trong đó hàng trăm doanh nghiệp rơi vào tình cảnh riêng khoản nợ ngắn hạn đã vượt xa vốn chủ sở hữu, như công ty GGG, vay và nợ ngắn hạn hơn 106 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 65 triệu đồng (do kinh doanh thua lỗ kéo dài), nghĩa là vay nợ ngắn hạn gấp 1.635 lần so với vốn chủ sở hữu. Công ty BHV, vay và nợ ngắn hạn gấp 114 lần vốn chủ sở hữu; công ty FDG vay và nợ gấp 7,9 lần vốn chủ sở hữu; tỷ lệ này ở công ty FIT là 7,7 lần, của công ty PSDVLF là hơn 6 lần, công ty HIS, LM3 hơn 4 lần…

Lãi vay cao hơn chi phí quản lý

Kết quả kinh doanh bi đát của những doanh nghiệp kể trên có nhiều nguyên nhân, song có thể nói, nợ lớn, chi phí lãi vay cao cũng là một áp lực không nhỏ. Lấy dẫn chứng như công ty PSG, tính từ đầu năm 2013 tới nay, chỉ riêng chi phí lãi vay doanh nghiệp này phải chi trả hơn 25,8 tỉ đồng, cao hơn hai lần so với chi phí quản lý doanh nghiệp (chỉ 9,67 tỉ đồng). Theo lãnh đạo công ty, quý 2/2013, mặc dù chi phí tài chính giảm được hơn 3,7 tỉ đồng do nợ gốc các ngân hàng giảm và lãi suất cho vay của một số ngân hàng giảm so với cùng kỳ, song doanh nghiệp cũng bị tăng chi phí khác hơn 16,8 tỉ đồng, do giá vốn hàng bán thanh lý tăng và lãi phạt nợ quá hạn của các ngân hàng tăng.

Hay công ty Nam Vang, trong quý 2/2013, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt hơn 101,6 tỉ đồng, song chỉ riêng chi phí tài chính đã lên tới hơn 28,8 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay hơn 24 tỉ đồng. Luỹ kế sáu tháng đầu năm, chi phí tài chính và chi phí lãi vay của doanh nghiệp lần lượt là 40,5 tỉ đồng và 35,8 tỉ đồng, cao gấp gần hai lần chi phí quản lý doanh nghiệp (sáu tháng chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ hơn 28,1 tỉ đồng).

Tương tự, công ty PXM, sáu tháng đầu năm 2013, doanh nghiệp đã phải dành hơn 20,6 tỉ đồng chi phí tài chính, trong đó đại đa số là chi phí lãi vay (gần suýt soát chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 26 tỉ đồng)…

Mặc dù trong hai năm trở lại đây, đặc biệt là từ đầu năm 2013 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay vốn liên tục giảm với mức giảm khá nhanh, song phần nhiều doanh nghiệp gia tăng nợ nần nên tính chung lại, chi phí lãi vay vẫn tăng lên, hoặc ở mức cao. Một thống kê gần đây về chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết tại sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cho thấy, trong quý 2/2013, các doanh nghiệp trên sàn này đã phải trả khoảng 970 tỉ đồng tiền lãi vay vốn. Mặc dù khoản chi phí này đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2012, song vẫn là một áp lực nặng nề trong bối cảnh doanh thu của hầu hết doanh nghiệp đều sụt giảm, tồn kho tăng cao. Cũng theo thống kê của cơ quan này, so với năm 2011, năm 2012, số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng gần 65%, giá trị khoản lỗ cũng tăng gần 63% (gần 3.500 tỉ đồng), số doanh nghiệp có lãi giảm gần 11%, song tổng giá trị lợi nhuận giảm trên 18%...

Thảo Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   NVB: Báo cáo thường niên 2012 (23/09/2013)

>   LDP: Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 (23/09/2013)

>   LCD: Giải trình kết quả sản xuất kinh doanh (23/09/2013)

>   MEC: Tạm hoãn phương án sáp nhập với Someco Hòa Bình (23/09/2013)

>   MAFPF1: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (từ 12/09/2013 đến 19/09/2013) (23/09/2013)

>   VFMVF1: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (từ 12/09/2013 đến 19/09/2013) (23/09/2013)

>   BBC: 02/10 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2013 lần 2 (23/09/2013)

>   VFMVF4: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (từ 12/09/2013 đến 19/09/2013) (23/09/2013)

>   HBD: Nghị quyết HĐQT (23/09/2013)

>   HLC: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế quý 2/2013 (23/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật