PVX: Đâu là “cứu cánh” trước vực thẳm?
PVX đang đối mặt với rủi ro bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tục. Hoạt động kinh doanh bế tắc, dòng tiền thâm hụt đang đẩy công ty này khó khăn chồng chất. Tuy vậy, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 dường như sẽ là “cứu cánh”.
Bị xả hàng mạnh khi KQKD quý 2/2013 tiếp tục không mấy sáng sủa
Tính từ đầu tháng 5/2013 trở lại đây, giá cổ phiếu của TCT Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (HOSE: PVX) đã giảm khá mạnh từ 6,000 đồng/cp xuống chỉ còn 2,800 đồng/cp (18/09), tương ứng với mức sụt giảm đến 53.3%.
Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của PVX trong giai đoạn này đạt khoảng 3.15 triệu đơn vị, chỉ bằng 72% với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 4.4 triệu đơn vị.
Trong giai đoạn này, khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng PVX với giá trị 31.6 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đợt tái cơ cấu quý 3 của quỹ Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M), PVX sẽ được nâng tỷ trọng và vì thế sẽ được quỹ này mua vào.
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2013 (chưa soát xét), doanh thu thuần của PVX trong kỳ đạt 798 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi gộp vẫn đạt 13.4 tỷ đồng, “khả quan” hơn mức lỗ 196 tỷ đồng của cùng kỳ.
Sau khi trừ các loại chi phí, PVX lỗ thuần 482 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, cộng thêm hoạt động khác lỗ 65 tỷ đồng khiến công ty lỗ trước thuế 547 tỷ đồng. Lỗ ròng cổ đông công ty mẹ trong quý 2 ở mức 405 tỷ đồng, giảm nhẹ 14.5% so mức 475 tỷ đồng của quý 2/2012.
Theo giải trình của PVX, công ty tiếp tục lỗ lớn do vẫn đang phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, các khoản đầu tư tài chính và khoản bảo lãnh quá hạn.
Ngoài ra, các đơn vị thành viên của PVX có hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn do không triển khai được các dự án và không tiêu thụ được sản phẩm trong khi vẫn phải trả các khoản chi phí, phải trả lãi vay để duy trì hoạt động.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu thuần của PVX đạt 1,851 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và đạt 41% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 437 tỷ đồng, giảm nhẹ 6.6% so với mức lỗ cùng kỳ.
Dòng tiền từ HĐKD âm 923 tỷ đồng. Nợ chất đống!
Tính đến 30/06/2013, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVX tiếp tục âm gần 923 tỷ đồng, lớn hơn 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính khiến cho dòng tiền âm lớn như vậy là do tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh trong kỳ tăng mạnh lên gần 613 tỷ đồng.
Do đó, PVX đã phải tiếp tục vay mới thêm 943 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và trả các khoản nợ vay. Điều này đã khiến nợ vay ngắn hạn của PVX tăng mạnh lên 3,092 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 1,521 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2013.
Ngoài ra, trong kỳ PVX còn tiến hành thu hồi các khoản đầu tư góp vốn 222 tỷ đồng, và thu hồi khoản cho vay và bán lại các công cụ nợ cho các đơn vị khác với giá trị 125 tỷ đồng.
Phải thu “khủng” gần 7,900 tỷ đồng và dự phòng phải thu tăng mạnh
Theo BCTC được công bố, khoản phải thu của PVX tiếp tục tăng mạnh 70.13% so với cùng kỳ năm ngoài lên mức “khủng” 7,325 tỷ đồng, chiếm tới hơn 57% tổng tài sản ngắn hạn của công ty.
Giá trị thực tế khoản phải thu trong kỳ là 7,886 tỷ đồng, trong khi dự phòng phải thu khó đòi là 561 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2012 và chiếm hơn 7% tổng khoản phải thu.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản cũng như xây lắp gặp khó khăn như hiện nay thì việc thu hồi các khoản phải thu này không phải là dễ. Điều này rất có thể sẽ khiến cho tình hình khó khăn của PVX trở nên trầm trọng hơn, nhất là khi công ty đang thiếu hụt dòng tiền hoạt động.
Sẽ bị HNX hủy niêm yết vì thua lỗ 3 năm liên tiếp?
Ngày 04/04, HNX đã ra thông báo quyết định đưa cổ phiếu PVX vào diện kiểm soát. Nguyên nhân chính là do công ty này đã bị lỗ 2 năm liên tiếp gần nhất (năm 2011 sau khi điều chỉnh hồi tố lỗ 19 tỷ đồng và năm 2012 lỗ 1,338 tỷ đồng).
Theo Điều 60, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012, công ty sẽ bị hủy niêm yết nếu bị thua lỗ trong 3 năm liên tục. Như vậy, nếu năm nay PVX tiếp tục thua lỗ thì cổ phiếu công ty này sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn HNX.
Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2013, PVX đang tiếp tục lỗ hơn 437 tỷ đồng. Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, rõ ràng sẽ thách thức rất lớn cho PVX để có thể lật ngược được tình thế ở 6 tháng cuối năm 2013.
Lợi thế từ công ty con của PetroVietnam. Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là “cứu cánh”?
Lợi thế lớn nhất của PVX hiện nay đó là thành viên Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam). PetroVietnam hiện đang có chủ trương hỗ trợ PVX bằng các hợp đồng xây lắp.
Cụ thể, vào tháng 05/2013 PVX đã được PetroVietnam chấp thuận thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình với giá trị hợp đồng 1.2 tỷ USD. PVX cũng được PetroVietnam chỉ định thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với giá trị hợp đồng gần 827 triệu USD.
Vào tháng 7/2013, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US EximBank) đã thông báo ngừng xem xét cấp vốn cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, sau đó 1 tháng, PetroVietnam cho biết đã đạt được thỏa thuận với với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) để cung cấp gói tín dụng trị giá 85 triệu USD, cộng thêm 56 triệu USD tín dụng hợp vốn từ các Ngân hàng BTMU, Citibank và Mizuho.
PetroVietnam cũng cho biết sẽ tiếp tục thu xếp phần vốn còn lại để đầu tư cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tổng vốn dự kiến để đầu tư vào dự án này khoảng 31,505 tỷ đồng.
Với hợp đồng tổng thầu EPC, có vẻ như dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được xúc tiến sẽ là cứu cánh của PVX trong thời gian tới.
Hữu Trọng
|