Ngân hàng rục rịch điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận
Không đặt nhiều kỳ vọng vào sự gia tăng đột biến về nhu cầu tín dụng trong mùa cao điểm kinh doanh vốn cuối năm, một số ngân hàng đang rục rịch điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận.
Quý IV thường được xem là mùa cao điểm về kinh doanh vốn của các ngân hàng, bởi nhu cầu vốn để đón đầu cơ hội kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, về cuối năm nay, tình hình tín dụng của nhiều nhà băng vẫn ì ạch, cho dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh về mức hợp lý, khiến chênh lệch thu - chi của nhà băng giảm. Trong khi đó, lợi nhuận đạt được trong 3 quý đầu năm của nhiều nhà băng chưa đạt 50% kế hoạch cả năm, áp lực lợi nhuận trong những tháng còn lại của năm rất lớn. Đáng chú ý, ở những ngân hàng nhỏ, khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm là điều hết sức khó khăn.
Chẳng hạn, NamA Bank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 400 tỷ đồng, song theo một lãnh đạo cấp cao của nhà băng này, kết thúc 8 tháng đầu năm, Ngân hàng chưa đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong năm 2012, NamA Bank chỉ đạt 241,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chưa bằng một nửa kế hoạch lợi nhuận xây dựng, vì thế, kế hoạch lợi nhuận năm 2013 đã được xây dựng một cách thận trọng. Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường khó khăn, NamA Bank e ngại khi đề cập đến việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2013.
Việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm cũng đang là thách thức không nhỏ với MeKong Bank. Dù đã có ý thức kiểm soát nợ xấu và tập trung tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, với dư nợ trong lĩnh vực này chiếm hơn 25% tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng hiện nay, nhưng theo ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank, việc giảm lãi suất cho vay đã làm ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận Ngân hàng. Năm nay, MeKong Bank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm 2012.
Với OCB, dù Ngân hàng đã hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trong 2 quý đầu năm (chỉ tiêu lợi nhuận OCB đưa ra năm nay 320 tỷ đồng), song theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, phía trước còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng tín dụng không thể đột biến ở thời điểm cuối năm nên khó kỳ vọng lợi nhuận cao, trong khi đó chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay thu hẹp, khiến lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm.
Những khó khăn của hoạt động cho vay đã buộc một số nhà băng phải tính đến phương án điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP. HCM, đến thời điểm này, ngân hàng ông cơ bản đã đạt chỉ tiêu lợi nhuận theo tháng, song nếu trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tăng lên trong những tháng cuối năm, Ngân hàng có thể sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận.
Năm 2012, nhà băng nói trên đã lỗi hẹn với cổ đông khi không hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra ban đầu ở mức 1.500 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ cổ tức chi trả sụt giảm từ mức 15% như dự định ban đầu xuống 10%.
Chưa có số liệu chính thức, song tại Eximbank, theo Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng, đến hết tháng 7/2013, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng chỉ mới đạt khoảng 1/4 kế hoạch cả năm nay (3.200 tỷ đồng). Dù kỳ vọng gia tăng lợi nhuận trong những tháng còn lại của năm, song ông Dũng thừa nhận, khó khăn vẫn còn nhiều. Hiện Eximbank chưa có kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng theo ông Dũng, điều đó sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh trong những tháng tới.
Tăng trưởng tín dụng của Eximbank hiện vẫn ở mức thấp. 8 tháng đầu năm, tín dụng của Ngân hàng đạt mức tăng 5,7% so với chỉ tiêu đưa ra cả năm nay là 12%. Lãi suất cho vay của nhà băng này đã được giảm xuống mức thấp, nhất là với lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, người đứng đầu Eximbank cho biết, không dễ dàng đẩy vốn cho vay khi tồn kho và sức mua của thị trường vẫn chưa được cải thiện.
Nợ xấu vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong phát triển tín dụng. Các ngân hàng đang thấm thía hơn bao giờ hết hậu quả của việc tăng trưởng nóng tín dụng là nợ xấu gia tăng, dự phòng rủi ro cao và lợi nhuận bị “ăn” mòn.
Thùy Vinh
đầu tư chứng khoán
|