Nhóm cổ phiếu nào sẽ hấp dẫn trong những tháng cuối năm?
Sau khi tăng mạnh vào nửa đầu năm 2013 nhờ dòng tiền hào hứng đổ vào theo những chính sách kích thích kinh tế, TTCK Việt Nam đi qua gần hết quý 3/2013 đầy thất vọng khi dòng tiền sụt giảm. Nguyên nhân đến từ các thông tin kinh tế nửa năm cho thấy chưa có cải thiện đáng kể nào về vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm kết thúc năm 2012 thì chỉ số VN-Index vẫn duy trì được mức tăng 16.69% (từ 413,73 tăng lên 482,82 điểm – kết thúc phiên giao dịch ngày 24/09/2013). Mức tăng này chủ yếu đến từ sự tăng giá của các cổ phiếu hàng đầu của thị trường chứng khoán (TTCK) như VNM, GAS, FPT... Dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện nay đang yếu dần, khối lượng giao dịch thoái trào nên bản thân các cổ phiếu lớn đang dẫn dắt thị trường này dường như cũng đã hết lực tăng giá trong ngắn hạn (cũng có thể vì quá trình tăng giá trong một thời gian dài đã khiến cho giá cổ phiếu tạm thời vượt qua tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp).
Trong quý 4/2013 sắp tới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa có nhiều biến đổi lớn, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới vẫn yếu: Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn điều chỉnh sau một thời gian dài phát triển nóng trong khi Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn phục hồi từ khủng hoảng tài chính 2008, nên có khả năng dòng tiền trong nước và nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không có nhiều thay đổi so với quý vừa qua.
Dòng tiền tuy cạn dần đi nhưng nhiều nhà đầu tư chứng khoán còn ở lại. Việc đãi cát tìm vàng dẫu khó khăn vẫn là công việc mà nhà đầu tư chuyên nghiệp phải làm và câu hỏi được quan tâm là: trong bối cảnh dòng tiền sa sút hiện nay, liệu có cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào sẽ là mục tiêu hấp dẫn?
1. Nhóm các cổ phiếu lớn hàng đầu thị trường
Các cổ phiếu này vẫn là sân chơi của các quỹ đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư lớn do có một nền tảng cơ bản vững chắc. Tuy nhiên, do mức giá đã khá cao nên khả năng tăng giá trong ngắn hạn không nhiều, vì vậy nhóm cổ phiếu này khó có thể là mục tiêu chú ý của các nhà đầu tư phổ thông.
2. Nhóm các cổ phiếu đầu cơ, tăng giảm theo thị trường
Nhóm cổ phiếu này bao gồm các cổ phiếu có quy mô từ lớn đến trung bình, thanh khoản khá so với mức bình quân của thị trường và thị giá thường biến động lên xuống theo thị trường. Nhóm cổ phiếu này thường được xếp vào nhóm cổ phiếu rủi ro, đặc biệt khi thị trường sụt giảm.
Do đa số các nhà đầu tư đã gặp khó khăn và thua lỗ đối với nhóm cổ phiếu này trong quý vừa qua nên khả năng tập trung của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này sẽ thấp.
3. Nhóm các cổ phiếu giá thấp
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đầy rẫy các cổ phiếu giá thấp, thanh khoản thấp do kết quả kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp hoặc do quy mô doanh nghiệp nhỏ, ít thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư phổ thông;
Đại đa số nhóm cổ phiếu này cũng được xếp vào loại rủi ro, thông tin không đầy đủ nên khó thu hút được dòng tiền lớn.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này cũng tồn tại những cơ hội nhất định. Một khi thị trường ít biến động, nhà đầu tư sẽ có thời gian hơn để đào sâu vào thông tin cơ bản của doanh nghiệp, tìm tòi các cổ phiếu có khả năng biến động giá bất ngờ, và nhóm cổ phiếu ít thông tin sẽ thường được lưu ý trong giai đoạn này.
Hơn nữa, do quy mô không lớn, nên dòng tiền nếu chảy vào các cổ phiếu này sẽ tạo ra một mức tăng giá mạnh hơn nhiều so với thị trường chung!
Trong 6 tháng vừa qua, bên cạnh sự tăng giá đầy thu hút của các cổ phiếu lớn như VNM, GAS thì cũng có những ngôi sao khác, dù nhỏ nhưng rất sáng:
- SCL: tăng giá từ 2,700 đồng/cp lên 12,600 đồng/cp
- PTB: tăng giá từ 22,000 đồng/cp lên 32,200 đồng/cp (đã tăng từ 11,000 đồng/cp 6 tháng trước đó)…
Tỷ lệ tăng giá của các cổ phiếu này vượt xa tỷ lệ tăng giá của cổ phiếu lớn và có thể được xem như là phần thưởng cho các nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra nhiều nỗ lực để phân tích cơ bản về doanh nghiệp.
Trên góc độ đánh giá về cơ bản, những cố phiếu này thường có một số đặc điểm như sau:
- Quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn điều lệ thường không vượt quá 500 tỷ đồng;
- Thuộc những ngành đang hoạt động hiệu quả dù thị trường chung gặp khó khăn, như thương mại, dịch vụ hoặc công nghệ như PTB, FCN,...
- Thuộc những ngành đang gặp khó khăn nhưng bản thân doanh nghiệp đã nỗ lực tự cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, như SCL.
- Các doanh nghiệp đang trả cổ tức đều đặn, mức cổ tức/thị giá (không phải mệnh giá) cao hơn lãi suất tiết kiệm của ngân hàng. Đặc điểm này về lâu dài sẽ đưa giá cổ phiếu của doanh nghiệp lên một mức giá cao bền vững, xét trong điều kiện đường cong lãi suất đã hoàn thành và có xu hướng duy trì ở mức thấp. Thị trường chứng khoán đã có tấm gương sáng từ các doanh nghiệp như WCS, DSN, ABT,…
- Các cổ phiếu thường có giai đoạn tích lũy dài, giữ giá khi thị trường suy giảm và một khi đã tăng giá thì duy trì một thời gian dài, đủ để tưởng thưởng cho các nhà đầu tư kiên nhẫn.
Trong biển động vẫn có thể câu được cá lớn, và người viết hi vọng rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn nữa thành công trong việc đãi cát tìm vàng!
Nguyên Quân
|