Nhân sự chứng khoán tan tác chim muông
TTCK suy giảm kéo dài đã khiến nhân sự chứng khoán tan tác nhiều ngả. Không ít lãnh đạo CTCK thất thế chuyển qua cộng tác giảng dạy cho các trung tâm đào tạo.
Đã từng có thời nhắc đến CTCK là người ta nghĩ ngay đến một ngành kinh doanh “hot”, hái ra tiền, nhắc đến nhân sự chứng khoán là hình dung đến những khoản thu nhập chót vót. Kinh tế khó khăn, TTCK suy giảm kéo dài đã đẩy nhiều CTCK nhỏ vào tình cảnh thua lỗ, một số CTCK chấp nhận “một đi không trở lại”, nhân sự chứng khoán tan tác nhiều ngả.
Nhiều lãnh đạo CTCK chuyển qua nghề giáo dục, cộng tác giảng dạy tại các trung tâm đào tạo
|
Phố Wall một thời nay còn đâu?
Được thành lập vào tháng 4/2009, đến nay, CTCK Châu Á (ASC) đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế 21 tỷ đồng. Cuối năm 2012, một số nhân sự chủ chốt của Công ty đã góp vốn để mở Văn phòng Công chứng Châu Á. Chuyện này âu cũng là bình thường, khi cơ hội kiếm tiền từ dịch vụ chứng khoán là quá nhỏ.
Nguyên tổng giám đốc một CTCK từng được coi là “cỡ bự” trên thị trường, được báo chí phản ánh là đang “nhen nhóm phương án hồi sinh” nay đã chuyển qua kinh doanh dịch vụ văn phòng ảo và văn phòng chia sẻ có tên là Central Office tại Toà nhà Vincom, quận 1, TP. HCM. Không ít người từng là lãnh đạo CTCK giờ chuyển sang lĩnh vực giáo dục, phổ biến nhất là cộng tác giảng dạy cho các trung tâm đào tạo. Có người còn ra mở trường dạy toán tư duy cho trẻ em!
Đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP. HCM một thời được mệnh danh là “Phố Wall” của Việt Nam đã chứng kiến nhiều chuyện buồn. CTCK Âu Việt tuyên bố giải thể. CTCK Đông Á (DAS) báo cáo lỗ trên 30 tỷ đồng trong năm 2012 và tiếp tục lỗ 6,5 tỷ đồng trong quý I/2013 (Công ty chưa công bố BCTC bán niên 2013). CTCK Tầm nhìn nay đã rời khỏi “Phố Wall” sau 6 năm liên tiếp thua lỗ, với số lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2013 là 57 tỷ đồng. Rất nhiều chi nhánh CTCK tại đây đã phải đóng cửa.
CTCK nhỏ, cơ hội ngày càng nhỏ
Có thể nói, các CTCK Việt Nam vẫn quanh quẩn ở ba nghiệp vụ chính: môi giới, tư vấn và tự doanh. Nhìn chung, khi TTCK đi xuống, mảng kinh doanh nào của CTCK cũng gặp khó. Nhiều CTCK phải xoay xở đủ cách để tồn tại, từ việc đẩy mạnh những mũi nhọn hoạt động đến việc cắt giảm chi phí bằng cách giảm nhân sự, thu hẹp diện tích văn phòng đi thuê. Tuy nhiên, “cửa sinh” thì hẹp mà “cửa tử” ngày càng rộng với các CTCK.
Tại CTCK Sài Gòn Tourist (STSC), ngày 30/9 tới, 4 hợp đồng repo cổ phiếu với các khách hàng cá nhân sẽ đến hạn (đã gia hạn một lần). Tổng nợ gốc và lãi STSC phải thu là 93,2 tỷ đồng. BCTC bán niên của STSC còn cho thấy, CTCK này đã đầu tư 200 tỷ đồng vào trái phiếu của CTCP Đầu tư An Đông, thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngày 10/7/2013 là ngày trái phiếu đến hạn, nhưng đến nay vẫn chưa thể tất toán. Chỉ riêng vốn gốc và lãi phải thu từ các hợp đồng trên đến cuối tháng 6/2013 là xấp xỉ 322,4 tỷ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ của STSC (318,7 tỷ đồng).
Trong khó khăn, việc các CTCK phải sàng lọc, chỉ những thực thể mạnh khỏe mới tồn tại trên thị trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn của thị trường dường như vượt quá sức chịu đựng của nhiều CTCK nhỏ. Nhiều CTCK rơi vào thua lỗ trong các hoạt động nghiệp vụ và có tình hình tài chính yếu kém, buộc cơ quan quản lý phải có hướng xử lý quyết liệt. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã phải đặt 5 CTCK vào diện kiểm soát, 9 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt. Cũng trong thời gian này, UBCK đã phải đình chỉ hoạt động 4 CTCK do hết thời hạn kiểm soát đặc biệt mà không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có mức lỗ gộp trên 50% vốn điều lệ. Một số CTCK yếu kém trong từng mảng nghiệp vụ cũng bị xử lý mạnh tay, cụ thể, có 4 CTCK bị rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán; 2 công ty bị rút nghiệp vụ tự doanh; 3 công ty bị rút nghiệp vụ phát hành…
10 CTCK lớn nhất ngày càng gia tăng thị phần trong các mảng nghiệp vụ trọng yếu như môi giới, bảo lãnh phát hành, tư vấn… đang khiến các CTCK nhỏ đã khó lại càng khó hơn. Tuy nhiên, để rời khỏi thị trường một cách êm đẹp không phải là câu chuyện đơn giản, bởi mỗi CTCK dù nhỏ cũng phải có đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tài khoản đang mở. Chỉ riêng việc xử lý các mối quan hệ lợi ích với nhà đầu tư để được “đóng cửa” là câu chuyện gian nan không kém tìm đường ra khỏi khó khăn.
Nhiều CTCK cứ cố gắng cầm cự qua ngày và mong chờ cơ hội “thoát lầy” trong tương lai.
Kim Yến
đầu tư chứng khoán
|