Nga sẽ cho đánh Syria, nếu...
Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố Matxcơva có thể ủng hộ tấn công quân sự vào Syria trong cuộc phỏng vấn với AP hôm qua. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận được sự ủng hộ quan trọng tại hạ viện.
Điều kiện ông Putin đưa ra là các nước phải chứng minh được chính quyền Assad chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học và điều này phải được Liên Hiệp Quốc xác nhận.
Theo lời ông Putin, đến nay vẫn chưa có “thông tin chính xác” về chuyện gì đã xảy ra ở Syria và cho rằng nên đợi kết luận của đội thanh sát Liên Hiệp Quốc đã làm việc tại hiện trường ở Syria vào cuối tháng 8.
Ông Putin nhìn nhận các video về thảm sát ở Syria là “kinh hoàng” nhưng cho rằng những video này có thể do chính các nhóm al-Qaeda thực hiện.
Ông kết luận: “Theo luật pháp quốc tế hiện hành, chỉ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới có thể cho phép sử dụng vũ lực đối với một quốc gia có chủ quyền. Bất cứ cách tiếp cận khác nào để biện minh cho việc sử dụng vũ lực chống một nước độc lập có chủ quyền là không thể chấp nhận được”.
Hãng tin Interfax của Nga hôm qua dẫn nguồn tin quân sự xác nhận tàu khu trục Moskva đã lên đường đến Địa Trung Hải. Dự kiến tàu này có mặt tại khu vực nóng sau 10 ngày nữa.
|
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra ngay trước thềm khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nước G20 sẽ diễn ra ở St. Petersburg trong hôm nay. Hội nghị của 20 nền kinh tế thế giới nhưng chủ đề bao trùm lần này sẽ bị chi phối bởi diễn biến tình hình ở Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi rời Mỹ đêm 3-9 đi châu Âu đã nhận được sự ủng hộ quan trọng của lãnh đạo cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa tại hạ viện. Chủ tịch hạ viện John A. Boehner, sau cuộc gặp với ông Obama tại Nhà Trắng, đã tuyên bố sẽ ủng hộ “lời kêu gọi hành động của tổng thống”.
Trong ngày 4-9 (giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu một loạt cuộc bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết về tấn công Syria. Dự thảo mà Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đồng ý vào sáng sớm 4-9 có nội dung cấm “đưa lính đổ bộ” và yêu cầu “chính quyền Obama nộp kế hoạch với Syria” cho quốc hội. Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra khung thời gian là 90 ngày cho chiến dịch quân sự.
Trước đó, trong điều trần trước Ủy ban đối ngoại thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại chuyện thông tin tình báo thiếu sót hồi năm 2003 trước cuộc chiến Iraq nhưng nhấn mạnh thông tin tình báo lần này đã được kiểm chứng nhiều lần và xác tín.
“Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng các bằng chứng cho thấy chính quyền Assad chuẩn bị đợt tấn công này và đã cảnh báo lực lượng quân đội của mình phải đeo mặt nạ - ông Kerry giải thích - Chúng tôi có bằng chứng rocket đến từ đâu và lúc nào..., không có rocket nào dính vào vùng đất do chính quyền Assad kiểm soát”.
Theo New York Times, chứng cứ tình báo của các nước đồng minh đưa ra khác nhau về chi tiết nhưng đều kết luận chính quyền Assad đã sử dụng vũ khí hóa học.
Tình báo Anh nói đã có 14 đợt tấn công hóa học từ năm 2012 và đợt tấn công cuối cùng sát thương nhiều nhất, làm “ít nhất 350 người thiệt mạng”.
Tình báo Mỹ đếm được ít cuộc tấn công hơn, nhưng đưa ra con số chết người cao hơn và chi tiết hơn: 1.429 người thiệt mạng. Tình báo Pháp khẳng định chỉ Assad và các đồng minh thân cận của ông mới có vũ khí hóa học.
Dù có khác biệt nhưng tất cả thống nhất các vụ tấn công đều dùng khí sarin và chỉ ông Assad mới kiểm soát các loại vũ khí này. Việc các thành viên Quốc hội Mỹ nhanh chóng chuyển hướng sang ủng hộ ông Obama cũng vì tin chứng cứ tình báo lần này là thuyết phục.
Thanh Tuấn
Tổng thống Syria đang bị che mắt?
Vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học xảy ra ngày 21-8 tại khu vực al-Gauta kế cận thủ đô Damascus đến nay đã hầu như đủ kết luận chính quyền Syria là thủ phạm.
Bằng chứng mới nhất của Pháp đưa ra là các không ảnh do vệ tinh chụp được cho thấy các tên lửa được bắn đi thời điểm ấy từ khu vực do quân đội Syria chiếm giữ.
Bản thân Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhiều lần phủ nhận trách nhiệm của mình.
Nhưng phía Mỹ khẳng định tổng thống Syria, trên cương vị tổng tư lệnh tối cao của quân đội, phải chịu trách nhiệm dù không “tự tay bấm cò súng”.
Người Ả Rập lại có giải thích khác, như bài của Saleh al-Qelab trên aawsat.com ngày 29-8 lập luận: “Dường như Tổng thống Bashar bị các quần thần bao vây kín mít. Ông này không biết cái gì đang diễn ra và không khống chế được các quyết định của đám quần thần. Họ gây ra “vụ thảm sát bằng khí hóa học” để lôi ông Bashar vào gánh chịu trách nhiệm rồi dùng “tay người khác” loại bỏ ông này.
Đám quần thần này sau đó sẽ “chơi” với Mỹ và phương Tây trong giai đoạn chuyển tiếp để bảo vệ lợi ích của họ”.
Nguyễn Ngọc Hùng
|
Tuổi trẻ
|