Vì sao số liệu thống kê giữa các Bộ, ngành “vênh” nhau?
Năm 2012, Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ nghèo của cả nước là 11,1%, trong khi đó Bộ LĐ-TB&XH lại đưa đưa ra con số là 9,6%. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về tình trạng con số thống kê chênh lệch nhau giữa các Bộ, ngành.
Một số lĩnh vực khác cũng hay xảy ra tình trạng chênh lệch về số thống kê như trong điều tra doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp do chưa hiểu rõ Luật Thống kê nên việc cung cấp thông tin chưa kịp thời, không sát thực tế, báo cáo sai sự thật dẫn đến số liệu thống kê không chuẩn xác.
Tình trạng chênh lệch số liệu thống kê giữa một số Bộ, ngành và Tổng cục Thống kê xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do phương pháp tính, cách tiếp cận, thu thập số liệu.
Ông Allen Teng, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng PTEC cho rằng: “Chúng tôi hoạt động ở Việt Nam đã 5 năm, mặc dù chưa tìm hiểu Luật Thống kê nhưng doanh nghiệp luôn thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ khi cơ quan chức năng yêu cầu. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ luật nên đôi khi có báo cáo chậm hay kê khai chưa đầy đủ”.
Năm 2012, Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ nghèo của cả nước là 11,1%
|
Đánh giá về thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Thỏa, Chánh thanh tra Tổng cục Thống kê phản ánh: “Khi điều tra viên đến thì một số cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp thường lẩn trốn không nhiệt tình, một số doanh nghiệp còn cung cấp thông tin sai sự thật”.
Từng là lãnh đạo tỉnh và từng là Bộ trưởng, theo ông Lê Doãn Hợp, các số liệu thống kê hiện nay độ tin cậy không cao, bệnh thành tích khiến nhiều đơn vị báo cáo tăng kết quả đã đạt được, cơ chế “xin - cho” khiến nhiều địa phương khai tăng khó khăn để xin hỗ trợ. Số liệu do cơ sở báo cáo sai đã diễn ra trong nhiều năm nhưng không được thẩm định nên nhiều số liệu thống kê không đúng thực tế.
“Số liệu rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã đến lúc chúng ta phải làm kỹ việc này. Tất nhiên còn việc nữa là chúng ta phải xây dựng lại tiêu chí cho sát với thực tế hơn, ví dụ GDP đặt ra từ xã đến tỉnh, huyện là không chính xác nên dẫn đến chuyện GDP của đất nước chỉ tăng 5-6% nhưng tất cả các tỉnh đều trên 10%”, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Nghị định 79 thay thế Nghị định 14 có hiệu lực từ ngày 5/9/2013 sẽ xử phạt 30 triệu đồng với hành vi tiết lộ thông tin thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó. Mức xử phạt các vi phạm hành chính sẽ cao gấp 3 lần Nghị định 14.
Nguyễn Trung
VTV News
|