Nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi trong quý Hai
Ngày 9/9, Văn phòng nội các Nhật Bản công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2/2013 tăng 3,8%, cao hơn 0,9% so với quý trước đó và cũng cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 8 vừa qua là chỉ tăng 2,6%.
Số liệu mới này đã gửi tín hiệu tích cực tới thị trường chứng khoán với chỉ số Nikkei 225 tăng điểm gần 3% vào lúc mở cửa phiên giao dịch sáng 9/9. Nhà phân tích chiến lược Hisao Matsuura thuộc công ty Nomura Securities nhận định số liệu khả quan này cho thấy sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản đang đi đúng hướng. Ông cho biết cùng với sự tăng chi về vốn của các công ty ở Nhật Bản, mức chi của các hộ gia đình cũng tăng và thị trường lao động được củng cố.
Mức tăng trưởng nói trên cho thấy có thêm bằng chứng về sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản và điều này có thể mở đường để Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tăng gấp đôi thuế bán hàng ở nước này lên 10% vào năm 2015.
Trong khi việc tăng thuế này được chính phủ xem là biện pháp quan trọng để giảm mức nợ công của Nhật Bản, hiện ở mức nghiêm trọng nhất trong số các nước công nghiệp hóa, thì nhiều người cũng lo ngại việc tăng thuế có thể ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này.
Nếu việc tăng thuế bán hàng có tác động tiêu cực thì Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ lại phải nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tuần trước, BOJ đã nâng cấp đánh giá về nền kinh tế trì trệ lâu nay này khi nói rằng một sự phục hồi chắc chắn đang diễn ra.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố số liệu cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 7/2013 đã giảm còn 577,3 tỷ yen, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu tăng trong bối cảnh đồng yen giảm giá.
Theo số liệu này, thâm hụt trong cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 vừa qua là 943,3 tỷ yen, mức thâm hụt lớn nhất tính theo tháng kể từ khi Nhật Bản lưu giữ số liệu vào năm 1985. Trong tháng 7/2013, kim ngạch nhập khẩu tăng 21% lên 6.650 tỷ yên do đồng yen mất giá cũng như việc tăng nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 11,5%, lên 5.707 tỷ yen.
Việc đồng yen mất giá làm tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản và tăng giá trị các khoản lợi tức từ nước ngoài tính theo đồng yen, nhưng đồng thời cũng đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
vietnam+
|