Các nền kinh tế mới nổi liệu có đang chìm?
Năm nay, Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với một loạt thách thức, khi FED cắt giảm chương trình kích thích kinh tế vào tháng 9 này.
Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 tại Nga đã khai mạc hôm 5/9. Khác với những lần trước, khi mà các nhà lãnh đạo G20 tập trung chủ yếu vào các vấn đề nợ công và cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, thì năm nay, G20 diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với một loạt các thách thức, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm chương trình kích thích kinh tế vào tháng 9 này.
Giới quan sát dự đoán, chủ đề về sự giảm tốc rõ rệt, với những rủi ro của các nền kinh tế mới nổi sẽ là một trong những trọng tâm của Hội nghị G20 lần này. Tại sao vốn được coi là một động lực của kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi lại trở nên đuối sức?
Có nhiều nguyên nhân, song một trong những lý do là đang xuất hiện những lo ngại sâu sắc về kế hoạch cắt giảm gói kích thích kinh tế của Mỹ ngay trong tháng 9, giới đầu tư ồ ạt rút vốn và các đồng tiền giảm giá mạnh.
Riêng tại Ấn Độ, trong chưa đầy 3 tháng qua, đồng Rupee đã mất 20% giá trị so với USD. Rupee giảm giá mạnh đang gây ra những hậu quả tiêu cực tới nền kinh tế Ấn Độ, tới đời sống của người dân nước này khi mà giá của hàng loạt các mặt hàng thiết yếu đã đồng loạt tăng giá. Ước tính riêng trong tháng 7, giá xăng đã tăng tới 10% khi đồng Rupee cứ tiếp tục suy yếu từ kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Trần Hà
vtv
|