Kịch bản lạc quan cho tăng trưởng tín dụng
Tín dụng tháng 8 tăng gần 1% so với tháng trước, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các ngân hàng thương mại được đánh giá là đã nâng cao hơn...
Vốn tăng ở hầu hết lĩnh vực
Thông tin từ Vụ Tín dụng- Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/8/2013 tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống đã ở mức 6,21% so với cuối năm 2012, cao hơn gần 1% so với con số 5,3% của tháng trước đó. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay thì ngành ngân hàng còn 4 tháng nữa để hoàn thành gần 6% chỉ tiêu còn lại. Con số này được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo là có khả năng thực hiện được bởi tăng trưởng kinh tế và sản xuất đã có nhiều dấu hiệu phục hồi.
Thực tế là các ngân hàng thương mại đã khá tích cực tìm cách đẩy vốn ra thị trường, nhất là với những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn…; gói cho vay hỗ trợ nhà ở. Chỉ tính riêng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đến cuối tháng 8/2013 tăng trưởng tín dụng đã tăng khoảng 12%. Đơn cử như tại Agribank, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 12,3%, đạt 359.474 tỷ đồng, tăng 39.398 tỷ đồng so với cuối năm 2012 và chiếm tỷ lệ gần 70,1% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay các chương trình tăng trưởng tốt như cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản đạt 26.529 tỷ đồng, tăng 2.597 tỷ đồng; cho vay lương thực đạt 16.922 tỷ đồng, tăng 1.035 tỷ đồng; cho vay chăn nuôi 68.024 tỷ đồng, tăng 8.612 tỷ đồng ...
Đối với hoạt động cho vay hỗ trợ nhà ở, đến 31/8/2013, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 331 khách hàng cá nhân với số tiền là 105,32 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 305 khách hàng số tiền 69,4 tỷ đồng. Cụ thể: Vietinbank cam kết cho vay 29,47 tỷ đồng, giải ngân 23,65 tỷ đồng cho 92 khách hàng; Vietcombank cam kết cho vay 44,89 tỷ đồng, giải ngân 29,35 tỷ đồng cho 135 khách hàng; BIDV cam kết cho vay 16,3 tỷ đồng, giải ngân 8,023 tỷ đồng cho 40 khách hàng...
Mục tiêu tăng trưởng tới 15%
Từ những đánh giá kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới năm 2013 cũng như phân tích các yếu tố có thể diễn ra với nền kinh tế, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đã đưa ra một kịch bản khá lạc quan cho nền kinh tế trong hai năm tới. Một số chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế năm 2014- 2014 được cơ quan này đề xuất như: CPI năm 2014 là 7%, 2015 là 6,5%; GDP tương ứng là 5,6-5,8% và 6- 6,2%; xuất khẩu 12-14, 13-15%. Đặc biệt, Ủy ban giám sát kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của hai năm tới là 15%.
Theo một chuyên gia kinh tế, kịch bản này không phải không có cơ sở khi ổn định kinh tế vĩ mô sẽ thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính cải thiện và nâng cao khả năng cấp tín dụng. Tuy nhiên, “điều cần làm trước mắt là các ngân hàng phải đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay để làm tiền đề cho năm tới”- vị chuyên gia thẳng thắn nói.
Khá lạc quan khi đánh giá về thị trường tài chính ngân hàng hiện nay, Tổng giám đốc Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành phân tích: Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, huy động vốn và cho vay tín dụng đạt mức tăng trưởng khả quan,lãi suất có xu hướng giảm dần sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay của ngân hàng. Bên cạnh đó, việc triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng hứa hẹn sẽ góp phần làm lành mạnh và tăng chất lượng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Thùy Linh
Báo công thương
|