Khối ngoại nhảy vào ngân hàng yếu kém còn lại
Ngân hàng Nhà nước đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý ngân hàng yếu kém còn lại trong nhóm 9 thành viên thuộc diện phải tái cơ cấu.
Nhiều khả năng đây sẽ là trường hợp đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém có sự tham gia của khối ngoại
|
Chiều 16/9, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện còn duy nhất một ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém chưa được xử lý, song phương án hiện đã có.
Cơ quan này đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài. Theo đó, nhiều khả năng đây sẽ là trường hợp đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém có sự tham gia của khối ngoại.
Nếu phương án trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về cơ bản và hình thức, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ xử lý xong 9 ngân hàng thương mại thuộc diện phải tái cơ cấu. Còn kết quả sau xử lý sẽ phải có thời gian để kiểm định.
Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã xác định danh sách 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đáng chú ý là cơ quan này cho biết đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém và yêu cầu các tổ chức tín dụng này xây dựng phương án cơ cấu lại trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013.
Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai phương án cơ cấu của 5/9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém (3 ngân hàng hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng đã sáp nhập vào ngân hàng khác, 1 ngân hàng tự cơ cấu lại). Trong 8 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến và phê duyệt thêm phương án cơ cấu của 3/4 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn lại, trong đó, 1 ngân hàng sẽ được hợp nhất với tổ chức tín dụng khác và 2 ngân hàng tự cơ cấu lại.
“Đến nay, tiền gửi và tài sản của nhân dân tại các ngân hàng này đều được bảo đảm an toàn, huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu tích cực được xử lý và thu hối, các sai phạm đang được từng bước khắc phục, tình hình hoạt động dần được cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Về tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của nhà nước trên 50% đã xây dựng xong phương án cơ cấu lại và Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để phê duyệt các phương án này. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hoàn thiện đề án tái cơ cấu.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 24/25 phương án tái cơ cấu. Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xem xét phê duyệt các phương án; đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong phương án tái cơ cấu để đảm bảo các yêu cầu của đề án cơ cấu lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Minh Đức
vneconomy
|