Thứ Bảy, 28/09/2013 10:03

Hủy án vụ bị kiện vì chậm giao căn hộ Chung cư Quốc Cường - Gia Lai

Theo tòa phúc thẩm, cần thiết phải triệu tập công ty hợp tác đầu tư xây dự án chung cư với bị đơn tham gia tố tụng để đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Ngày 27-9, TAND TP.HCM đã hủy án sơ thẩm trong vụ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc kiện Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường đòi tiền phạt vì chậm giao căn hộ.

Sơ thẩm buộc bồi thường hơn 258 triệu đồng

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, theo đơn khởi kiện của bà Ngọc (ngụ căn hộ A1507 chung cư Quốc Cường - Gia Lai, 421 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7), ngày 1-3-2010 bà ký hợp đồng góp vốn mua căn hộ Quốc Cường Gia Lai. Do bà mua lại căn hộ từ chủ trước nên khi ký lại hợp đồng với công ty, trên hợp đồng vẫn thỏa thuận thời gian bàn giao căn hộ là tháng 7-2009. Nhưng đến tháng 4-2011, bà mới nhận được căn hộ nên yêu cầu Công ty Quốc Cường phải bồi thường.

Ban đầu, bà Ngọc khởi kiện về ba vấn đề: Đòi tiền phạt chậm giao nhà, giao nhà không đúng chất lượng cam kết và công ty đã thu tiền VAT sai. Tuy nhiên, sau đó để được giải quyết nhanh, bà Ngọc đã tách hai yêu cầu sau ra, chỉ yêu cầu đòi tiền phạt vì chậm giao nhà.

Về phần mình, Công ty Quốc Cường không đồng ý bồi thường cho bà Ngọc, cho rằng điều khoản về thời điểm bàn giao căn hộ trong hợp đồng góp vốn giữa hai bên là vô hiệu. Bà Ngọc khi ký hợp đồng thì đã biết thời gian bàn giao căn hộ sẽ bị chậm, chẳng qua là do sơ sót nên trong hợp đồng vẫn ghi ngày giao nhà là tháng 7-2009, trong khi thực tế hợp đồng được ký vào ngày 1-3-2010.

Chung cư Quốc Cường - Gia Lai ở phường Tân Kiểng (quận 7), nơi xảy ra tranh chấp chậm giao căn hộ giữa bà Ngọc với Công ty Quốc Cường.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND quận 3 nhận định tại Điều 5 hợp đồng góp vốn giữa hai bên nguyên, bị có thỏa thuận thời gian bàn giao căn hộ là vào tháng 7-2009, có thể sớm hoặc chậm hơn ba tháng nhưng phải được thỏa thuận lại bằng văn bản. Ở vụ này, hợp đồng được ký ngày 1-3-2010 là sau thời điểm thỏa thuận trên, dẫn đến việc thời điểm giao căn hộ không rõ ràng.

Đôi bên không thống nhất được với nhau nên theo quy định pháp luật dân sự thì phải vận dụng sao cho có lợi cho các bên. Do bà Ngọc ký hợp đồng vào ngày 1-3-2010, đã thanh toán được 95% giá trị căn hộ là đáp ứng đủ điều kiện để nhận căn hộ như đã thỏa thuận. Như vậy, tòa sẽ lấy thời điểm này để tính thời gian chậm giao căn hộ cụ thể đến ngày 23-4-2011 là 13 tháng 22 ngày, làm tròn thành 13,5 tháng...

Cuối cùng, tòa buộc Công ty Quốc Cường phải trả hơn 258 triệu đồng tiền phạt cho bà Ngọc vì chậm giao căn hộ 13,5 tháng nhưng bác yêu cầu trả lãi chậm thanh toán số tiền này.

Ngay sau đó, Công ty Quốc Cường đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu xem xét tính pháp lý trong giao dịch chuyển nhượng căn hộ giữa người chủ cũ và bà Ngọc; nêu ra những khó khăn của công ty trong quá trình thi công do khách hàng góp vốn chậm...

Xuất hiện tình tiết mới

Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Công ty Quốc Cường cho rằng cấp sơ thẩm xác định thời điểm bàn giao căn hộ chưa phù hợp vì hai bên đều biết trên thực tế không thể bàn giao vào giai đoạn đó (chung cư mới xây xong phần thô).

Mặt khác, việc cấp sơ thẩm không đưa Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Phát triển Nhà Hưng Thịnh (đơn vị hợp tác đầu tư xây dự án chung cư với Công ty Quốc Cường) vào tham gia tố tụng để chia sẻ trách nhiệm là không đúng quy định.

Ngoài ra, hợp đồng của chủ cũ chuyển giao căn hộ cho bà Ngọc chưa được giải quyết triệt để. Theo đại diện của Công ty Quốc Cường, hợp đồng góp vốn giữa công ty với bà Ngọc vô hiệu còn bởi lý do là không qua công chứng...

Đối đáp lại, bà Ngọc khẳng định hợp đồng góp vốn này không vô hiệu. “Nếu bây giờ phía công ty nói hợp đồng do chính công ty soạn thảo vô hiệu thì tôi có cảm giác là tôi đang bị lừa” - bà Ngọc nói.

Theo đại diện VKS, phía Công ty Quốc Cường đã đưa ra nhiều tình tiết mới cần làm rõ như các hợp đồng hợp tác giữa Quốc Cường và Hưng Thịnh, hợp đồng chuyển nhượng giữa các khách hàng mua căn hộ. Những tình tiết mới này cấp phúc thẩm không thể xác minh, bổ sung nên cần hủy án.

Đồng tình, tòa phúc thẩm nhận định để đảm bảo quyền lợi cho các bên thì cần triệu tập Công ty Hưng Thịnh tham gia tố tụng. Từ đó, tòa đã hủy án, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

Tranh chấp phổ biến

Thời gian qua, tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư các dự án chung cư về việc chậm giao căn hộ đã diễn ra liên tục. Vì lý do này, không chỉ bà Ngọc mà còn nhiều người khác cũng kiện đòi Công ty Quốc Cường bồi thường (một số trường hợp đã được Công ty Quốc Cường đồng ý, thỏa thuận bồi thường).

Tháng 5-2013, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh chuyện nhiều khách hàng của Công ty Đại Thành (chủ dự án căn hộ chung cư Đại Thành) gửi đơn kêu cứu đến UBND quận Tân Phú. Họ cho biết công ty đã “ứng trước” khoảng 500 tỉ đồng của họ nhưng đến nay căn hộ thì không thấy đâu. Họ không thể nào tìm, hẹn gặp được người có thẩm quyền của công ty để yêu cầu giải quyết.

UBND quận Tân Phú đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị quận làm việc với đại diện Công ty Đại Thành nhưng các bên liên quan đều không tìm được lối ra. Hiện đã có hai khách hàng khởi kiện Công ty Đại Thành ra TAND quận Tân Phú để nhờ tòa giải quyết.


Hoàng Yến

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Thẩm định giá tài sản thế chấp: Cần độc lập hơn (28/09/2013)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Tôi tin thời gian tới thị trường bất động sản sẽ ấm lên” (28/09/2013)

>   Gói 30.000 tỷ đồng: Đến 20/9 đã giải ngân được gần 160 tỷ đồng (27/09/2013)

>   Đất nền: Vàng ít - cám nhiều (27/09/2013)

>   Cú “sốc ngược” tại Dự án Watermark (27/09/2013)

>   GS Đặng Hùng Võ: 'Gỡ khó cho bất động sản bằng 400 tấn vàng' (26/09/2013)

>   Địa ốc Hà Nội hy vọng bớt ảm đạm cuối năm (26/09/2013)

>   Sunview Town miễn phí quản lý 10 năm: Người dân được lợi (27/09/2013)

>   Quẳng gánh lo bất động sản! (26/09/2013)

>   Chủ đầu tư BĐS trốn: Lỗ hổng quản lý, dân gánh hậu quả? (26/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật