Fitch đánh giá triển vọng tín nhiệm ngân hàng Việt Nam 2014 “ổn định”
Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5.5% trong giai đoạn 2014-2015
Fitch Ratings nhận định triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2014 vẫn là “ổn định” vì xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng trong phạm vi “B” đã chiết khấu xong các khó khăn và trong bối cảnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam vẫn là “ổn định”.
* VPBank lần đầu được Moody's xếp hạng tín nhiệm “B3” và triển vọng “ổn định”
Trong báo cáo “Triển vọng Ngân hàng Việt Nam 2014” công bố ngày 23/09, Fitch cho rằng mức độ rủi ro của các ngân hàng lớn tại Việt Nam vẫn còn cao do tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình thường, rủi ro chất lượng tài sản cao, mức độ minh bạch thấp và quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm bên cạnh những khó khăn kéo dài trên toàn cầu.
Tổ chức này cho biết các chính sách vĩ mô ổn định được áp dụng từ đầu năm 2011 đã làm giảm mức độ biến động của lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Duy trì trình trạng này có thể gia tăng cơ hội phục hồi của lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình cải cách vẫn còn chậm, một phần do lo sợ khó khăn sẽ gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế còn yếu.
Fitch dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng nhẹ từ mức 5% trong năm 2013 lên khoảng 5.5% trong giai đoạn 2014-2015, tương đối thấp so với tốc độ mở rộng trong vòng 10 năm qua. Các nỗ lực thúc đẩy nhu cầu nội địa chưa phát huy được hiệu quả do cả ngân hàng và người vay tiền đều lo ngại về môi trường hoạt động bất ổn. Tính đến tháng 8/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 6%, thấp hơn mức 9% trong cùng kỳ 2012.
Fitch kỳ vọng bất kỳ sự phục hồi nào trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ diễn ra từ từ, phụ thuộc vào tốc độ và hiệu quả của các biện pháp cải cách và các quy định. Theo Fitch, Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) khó có thể giải quyết được nhiều vấn đề về chất lượng tài sản trong ngắn hạn vì một số chức năng hoạt động vẫn chưa rõ ràng và các quy định nhằm cải thiện sự minh bạch chất lượng tài sản đã bị trì hoãn tới tháng 6/2014. Quá trình cải cách và củng cố các doanh nghiệp nhà nước nhiều khả năng diễn ra chậm trong trung hạn.
Fitch nhận định các ngân hàng lớn có thể đối mặt với rủi ro suy giảm nguồn vốn vì minh bạch về nợ xấu (NPL) còn thấp và các điều kiện kinh tế khó khăn. VAMC có thể giúp các ngân hàng hạ thấp nợ xấu chứ không thể đẩy lùi được thua lỗ. Tỷ lệ nợ xấu “thực” (khoảng 15% so mức công bố từ 3%-4%) và tỷ lệ thua lỗ ở mức 80% có thể khiến hệ số an toàn vốn (CAR) cấp 1 của các nhà cho vay lớn xuống khoảng 1% từ mức 10% tại thời điểm cuối tháng 6/2013.
Điều này, cùng với sức ép lên chất lượng tài sản và khả năng tạo ra lợi nhuận của các ngân hàng, nhấn mạnh đến nhu cầu về nguồn vốn mới mà Fitch nhận định là khó có thể huy động được, đặc biệt là đối với các ngân hàng vừa và nhỏ. Luật sở hữu nước ngoài còn thắt chặt có thể cản trở dòng vốn đầu tư trong khi nhà đầu tư trong nước cũng không mấy mặn mà do những bất ổn của nền kinh tế.
Xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể diễn biến theo chiều hướng tiêu cực nếu môi trường hoạt động trở nên khó khăn hơn và đe dọa đến khả năng thanh toán của các ngân hàng, người gửi tiền mất niềm tin và/hoặc xếp hạng tín nhiệm quốc gia diễn biến theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên, triển vọng vẫn là “ổn định” vì xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng trong phạm vi “B” đã chiết khấu xong các khó khăn như trên và trong bối cảnh triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vẫn là “ổn định”.
Phước Phạm (Theo Reuters)
|