Đưa 1/3 số doanh nghiệp ra “ánh sáng”
Thực trạng mù mờ về thông tin doanh nghiệp đang đặt ra yêu cầu bổ sung các quy định trong Luật Doanh nghiệp về công khai, minh bạch thông tin doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám sát doanh nghiệp.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện có tới 34% số doanh nghiệp nằm trong “khoảng trống”, không có thông tin chính xác.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng cho thấy, còn khoảng 310.000 doanh nghiệp còn thiếu, sai khác và chưa được cập nhật thông tin.
Sự mù mờ về thông tin doanh nghiệp đang vượt quá khả năng kiểm soát
của cơ quan quản lý
|
Thực trạng mù mờ về thông tin doanh nghiệp đang vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý và đặt ra yêu cầu phải huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia giám sát doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Quang Huy, Phụ trách Phòng Thông tin và Cơ sở dữ liệu thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tình trạng thiếu thông tin doanh nghiệp đang tạo nên một vấn đề lớn là cơ quan quản lý không có đủ thông tin về doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
“Thực tế này đặt ra yêu cầu là phải bổ sung các quy định trong Luật Doanh nghiệp về công khai hóa, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa và giám sát hoạt động của doanh nghiệp”, ông Huy nói.
Xã hội hóa hoạt động giám sát doanh nghiệp là việc huy động các thành phần trong nội bộ doanh nghiệp, chủ nợ, bạn hàng, các đối thủ cạnh tranh, các hội và hiệp hội, công luận… cùng tham gia quá trình giám sát doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước công khai hóa hoạt động doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan, thông qua thông tin doanh nghiệp được cung cấp, theo dõi các động thái của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động một cách độc lập và phản ánh các hoạt động này với cơ quan quản lý nhà nước và đến chính các doanh nghiệp đó.
Liên quan đến vấn đề công khai hóa thông tin doanh nghiệp, theo quy định của luật hiện hành, các công ty cổ phần phải công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chính cơ quan nhà nước cũng không có nguồn trực tiếp để lấy thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này.
Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, thực tế thời gian qua, cơ quan đăng ký kinh doanh khi muốn tiếp cận báo cáo tài chính doanh nghiệp vẫn phải lấy thông tin từ cơ quan thuế.
Ngoài ra, theo ông Mạnh, nhu cầu quản lý tới đây cần bổ sung doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước cũng phải công bố báo tài chính. Doanh nghiệp nhà nước thực chất là doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn dân, nên đây chính là công ty đại chúng nhất trong các loại hình công ty. “Do đó, cần thiết phải có cơ chế để người dân có thể cùng tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”, ông Mạnh nói.
Việc xã hội hóa hoạt động giám sát nhằm tăng hiệu quả quản lý doanh nghiệp cũng là một trong những công cụ hướng đến mục tiêu chung trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là xóa bỏ hoàn toàn “tiền kiểm”, đặt trọng tâm quản lý nhà nước sang “hậu kiểm”.
Ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cảnh báo, tư duy “tiền kiểm” có xu hướng khôi phục trở lại, thể hiện ở việc tái xuất nhiều giấy phép “con”… Vì vậy, cần có tư duy mới, coi việc giám sát hoạt động doanh nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà là của nhiều thành phần khác: nội bộ, đoàn thể, báo chí, người tiêu dùng...
Ý kiến - Nhận định
Khắc phục các vi phạm trong quản trị.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường Kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
Thời gian qua, đã có một số vi phạm phổ biến trong quản trị doanh nghiệp như: cổ đông khó khăn trong việc khởi kiện người quản lý, công ty không tiến hành đại hội đồng cổ đông, người quản lý không công khai hóa lợi ích có liên quan… Để khắc phục các tình trạng này, định hướng sửa Luật Doanh nghiệp tới đây cần có những quy định rõ ràng và linh hoạt hơn, cần bổ sung những nội dung mang tính hướng dẫn chi tiết, tạo cơ chế khuyến khích các bên thực hiện quản trị doanh nghiệp tốt.
Minh bạch hóa sổ sách kế toán
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Công ty TNHH Newvision Law)
Cần bổ sung các quy định về minh bạch hóa sổ sách kế toán và hồ sơ tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, phải có các quy định về quyền của cổ đông được yêu cầu tòa án xem xét lại giá mua lại cổ phần trong trường hợp bất đồng với quyết định của công ty. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định về chống pha loãng cổ phiếu, như hạn chế tỷ lệ cổ phiếu phát hành mới so với số cổ phiếu hiện có, khoảng cách giữa các lần phát hành... |
Chí Tín
đầu tư
|