Cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm của V.N.M ETF trong lần đảo danh mục ngày 14/09?
Sau khi FTSE Vietnam Index ETF công bố đảo danh mục vào cuối tuần trước, cổ phiếu IJC giảm sàn ngay phiên đầu tuần bởi bị loại khỏi danh mục, còn CII và CTG với thông tin tăng tỷ trọng đã có những chiều hướng giao dịch tích cực. Tiếp theo FTSE, ngày 13/09 tới đây đến lượt quỹ Vietnam Market Vector – V.N.M công bố đảo danh mục với nhiều dự đoán khác nhau từ các chuyên gia.
* FTSE Vietnam Index Series loại IJC, PHR, SJS và TDC
* Cách nào để biết quỹ ETF sắp “tháo chạy”?
Theo như thông tin cập nhật đến ngày 09/09, V.N.M hiện có 25 cổ phiếu trong danh mục, trong đó có 17 cổ phiếu đang được niêm yết tại thị trường Việt Nam (14 cổ phiếu tại HOSE và chỉ 3 cổ phiếu tại HNX là PVX, PVS và VCG).
Tỷ trọng của các cổ phiếu đang niêm yết ở TTCK Việt Nam chiếm 67.79%. Trong đó, VIC, VCB là những cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất, còn SJS và PVF là những cổ phiếu có tỷ trọng thấp nhất trong danh mục.
Theo thống kê của Vietstock, 17 mã trong danh mục của V.N.M thì có đến 16 mã giảm giá trong 3 tháng qua (từ 03/06 đến 09/06), trong đó có 7 mã giảm giá trên 30%, giảm mạnh nhất là ở PVX với mức giảm 38.6% và chỉ có 1 mã tăng giá là PVD, mức tăng của cổ phiếu này trong 3 tháng là 16.16%.
Do giá của hầu hết các cổ phiếu trong danh mục suy giảm làm tổng giá trị vốn hóa của 17 mã này cũng suy giảm. Tính đến hết ngày 09/09, tổng giá trị vốn hóa của 17 mã là hơn 241,7 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 42 ngàn tỷ đồng so với ngày 03/06.
Tổng khối lượng giao dịch của 17 mã đạt hơn 1.2 tỷ đơn vị, tương ứng hơn 25,047 tỷ đồng được chuyển giao. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2,424 tỷ đồng, giao dịch của khối nội ở mức 15,282 tỷ đồng còn khối ngoại là 9,766 tỷ đồng.
Giao dịch nhiều nhất thuộc về ITA với gần 208 triệu đơn vị, nhưng do giá của ITA xét trên thị trường thuộc vào mức thấp nên giá trị giao dịch tại cổ phiếu này không cao, chỉ đạt 1,416 tỷ đồng. Về giá trị giao dịch, VIC là cổ phiếu đứng đầu với 6,326 tỷ đồng được chuyển giao, tương ứng với khối lượng giao dịch là hơn 98 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, SJS là cổ phiếu vừa có khối lượng giao dịch thấp nhất và vừa có giá trị giao dịch thấp nhất trong số 17 mã trong danh mục. Khối lượng giao dịch của SJS trong 3 tháng ở mức hơn 5.8 triệu đơn vị, tương ứng chỉ 77 tỷ đồng. Còn PVF chỉ đạt 434 tỷ đồng giá trị giao dịch trong 3 tháng. Hiện tổ chức này đang trong quá trình sáp nhập với Westernbank để trở thành Ngân hàng Đại chúng (PVCombank).
Hầu hết các mã trong danh mục V.N.M đều bị khối ngoại bán ròng. Bán mạnh nhất là ở HAG với hơn 434.3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mã như BVH, STB, DPM cũng bị bán ròng với giá trị lần lượt là gần 326 tỷ đồng, gần 284 tỷ đồng và gần 276 tỷ đồng. Chỉ có 4 mã được mua ròng là PVS, PVX, PVD và VCG, trong đó PVS được mua ròng nhiều nhất với 133.08 tỷ đồng.
Giao dịch sôi động trước kỳ đảo danh mục
Những ngày đầu tháng 9/2013, đón chờ đợt công bố đảo danh mục của V.N.M ETF, các cổ phiếu trong danh mục giao dịch khá tích cực mặc dù thanh khoản thị trường giảm sút.
Theo thống kê của Vietstock, từ 03/09 đến hết ngày 11/09, tổng khối lượng giao dịch của 17 mã trong danh mục đạt hơn 57.9 triệu đơn vị, tương ứng 1,220 tỷ đồng. ITA tiếp tục là mã đứng đầu về khối lượng giao dịch với gần 10.4 triệu đơn vị được chuyển giao, trong khi đó, về giá trị thì HPG là mã đứng đầu với 221.35 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng tham gia tích cực, khi giao dịch hơn 10.3 triệu đơn vị, tương ứng gần 293 tỷ đồng. Trong đó, mua vào 149 tỷ đồng và bán ra 144 tỷ đồng. Xét chung thì khối ngoại mua ròng 5 tỷ đồng, trong đó có một số mã như DPM, HPG, PVS được mua ròng trong tất cả các phiên từ đầu tháng 9 đến 11/09. Các cổ phiếu như PPC, OGC, GMD, PVF cũng được mua ròng. DPM được mua ròng nhiều nhất với 34.25 tỷ đồng, còn OGC mua ròng ít nhất khi chỉ đạt hơn 220 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, VCB, BVH, HAG là những mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với tổng giá trị bán ròng của 3 mã này ở mức 47.43 tỷ đồng. Xét 2 ngày gần kề là 10/09 và 11/09, khối ngoại bán mạnh ở các mã như VCB, STB, PVD, BVH.
Với việc mua bán của khối ngoại kết hợp với sự cộng hưởng từ khối nội làm giá của các cổ phiếu cũng biến động. Trong đó, chỉ có HPG tăng giá trên 5%, còn ở chiều ngược lại thì PVF giảm 12.7% và VCG giảm 5.71%
Công ty chứng khoán nói gì?
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết, theo tính toán và quan sát của công ty, trong kỳ đảo danh mục lần này khả năng V.N.M – ETF sẽ loại cổ phiếu SJS ra khỏi danh mục và thêm vào cổ phiếu SHB. Bên cạnh đó, công ty cũng cho rằng quỹ này sẽ tăng tỷ trọng của VCB, BVH và VIC, giảm tỷ trọng tại VCG và PVF. Các cổ phiếu khác cũng có thay đổi nhưng chỉ ở mức thấp.
Cùng quan điểm với VDS, về việc loại cổ phiếu SJS và thêm SHB vào danh mục nhưng một công ty chứng khoán khác cho rằng PVX cũng có thể bị loại nếu ngày chốt dữ liệu vốn hóa nhỏ hơn 75 triệu USD. Về mặt tỷ trọng, công ty này nhìn nhận rằng BVH sẽ được nâng tỷ trọng lên 8%, các mã khác cũng được tăng tỷ trọng với số lượng ít hơn là VCB, PPC và STB.
Trong một báo cáo về quỹ ETF của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), công ty dự đoán SJS bị loại và SHB được thêm vào. FPTS cũng có một số ý kiến khác như cho rằng PVF và STB cũng có thể bị loại ra khỏi danh mục. Ở PVF, FPT cho rằng với lợi nhuận giảm 15.49% từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân 1 phiên trong 3 tháng gần nhất chỉ đạt 0.3 triệu USD (< 0.6 triệu USD theo tiêu chí quỹ VNM) và PVF bị bán ròng khá nhiều trong 2 tuần trở lại đây. Đây cũng là 1 dấu hiệu cho thấy khả năng thoái vốn khỏi PVF. Ngoài ra, việc PVF sát nhập với Western bank để thành lập Ngân hàng PVCombank sẽ dẫn đến khả năng hủy niêm yết PVF trong thời gian tới làm ngưng giao dịch của cổ phiếu này.
Còn ở STB, giá trị giao dịch bình quân phiên là 0,36 triệu USD/phiên trong 3 tháng gần nhất, và 2 kỳ trước đó lần lượt là 0,27 và 0,41 triệu USD/phiên (< 0,6 triệu USD/phiên theo quy định). Sacombank vừa được UBCK đồng ý chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 10% vốn điều lệ của Sacombank để ngân hàng này hoàn thành đợt chuyển nhượng cho đối tác chiến lược nước ngoài, việc chốt room ngoại này có hiệu lực đến tháng 4/2014. Tại thời điểm ngày 26/08/2013, khối ngoại đang sở hữu 4.88% vốn điều lệ của STB, nghĩa là room còn lại của khối ngoại tại STB hiện nay chỉ còn 5.1% rất gần với mức 5% theo điều kiện của VNM, vì vậy dư địa tăng thêm của NĐTNN là rất thấp cho nên khả năng bị loại rất cao.
Về phần thêm vào, FPTS cho rằng DRC có khả năng sẽ được thêm vào danh mục do thỏa mãn các yêu cầu của quỹ.
Duy Hoàng
Infonet
|