Thứ Năm, 19/09/2013 06:31

Co lại cho vừa sức

Sẽ có những thay đổi đáng kể về quy mô, mục tiêu phát triển đối với ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, theo tờ trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được cục Hàng hải Việt Nam trình bộ Giao thông vận tải.

Một cảnh hạ thuỷ tàu của Vinashin.

Theo tờ trình này, mục tiêu của ngành công nghiệp đóng tàu trong giai đoạn đến năm 2020 là tổng sản lượng đóng mới toàn ngành sẽ đạt cột mốc 2 – 2,5 triệu DWT/năm. Trong đó xuất khẩu đạt 1,67 – 2,16 triệu DWT/năm và khối doanh nghiệp trong nước dự kiến góp 0,47 – 0,66 triệu DWT cho đóng tàu xuất khẩu, còn lại phần lớn “nhường” cho khối doanh nghiệp nước ngoài là 1,2 – 1,5 triệu DWT.

Ưu tiên cho sửa chữa

Cục này cho hay, với sản lượng xuất khẩu nói trên, đóng tàu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,48% thị phần đóng tàu thế giới. Con số này quả là khiêm tốn nếu đem so sánh với mục tiêu trong đề án “Điều chỉnh phát triển tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) giai đoạn 2005 – 2010 và định hướng đến năm 2015” được Thủ tướng Chính phủ thông qua gần tám năm trước. Khi ấy, chỉ với công ty chủ lực này thôi, thì sản lượng đóng mới của Việt Nam từng được kỳ vọng sẽ đạt mức 5 triệu DWT vào năm 2015, chiếm khoảng 10% thị phần đóng tàu thế giới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhật, cục trưởng cục Hàng hải, “mục tiêu này là vừa sức với năng lực sản xuất của 180 nhà máy hiện có và một số nhà máy đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả nước”.

Cụ thể, đối với việc phát triển mạng lưới công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đến năm 2020, cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị hình thành nên một số trung tâm đóng tàu chuyên dụng. Theo đó, lĩnh vực chủ lực của ngành công nghiệp đóng tàu là đóng tàu vận tải. Trong khoảng thời gian này sẽ hình thành ba trung tâm, gồm: trung tâm đóng tàu phía Bắc đặt tại Hải Phòng, Quảng Ninh (trên cơ sở ba nhà máy đóng tàu hiện có là Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng) có khả năng đóng các loại tàu phức tạp đến 70.000 DWT; trung tâm đóng tàu miền Trung đặt tại Quảng Ngãi – Khánh Hoà (trên cơ sở ba nhà máy hiện có là Dung Quất, Hyundai – Vinashin, Cam Ranh và một nhà máy mới là Oshima – Cam Ranh) có năng lực đóng tàu trọng tải từ 30.000 – 300.000 DWT; trung tâm đóng tàu miền Nam với hai nhà máy hiện có là công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Sài Gòn và nhà máy đóng và sửa chữa tàu Long Sơn.

Đối với lĩnh vực sửa chữa, sẽ được ưu tiên nguồn lực để hình thành các trung tâm sửa chữa tàu quy mô lớn gắn liền với hệ thống cảng biển, các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, đáp ứng mục tiêu sửa chữa toàn bộ đội tàu biển quốc gia và tham gia vào thị trường sửa chữa đội tàu quốc tế hoạt động ở Biển Đông có trọng tải đến 300.000 DWT. Cụ thể, trung tâm lớn nhất về sửa chữa tàu biển sẽ được đặt tại khu vực miền Trung do hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên, hàng hải với ba nhà máy: TVS Cam Ranh với chức năng sửa chữa tàu đến 200.000 DWT; Dung Quất sửa chữa tàu và phương tiện nổi đến 300.000 DWT, và Hyundai – Vinashin. Trong khi trung tâm sửa chữa đội tàu quốc gia khu vực phía Bắc với “đại bản doanh” đặt tại Quảng Ninh, Hải Phòng, mà mũi nhọn là nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco – Vinalines.

14.000 lao động phải rời Vinashin

Đối với Vinashin, giai đoạn từ nay đến năm 2015, cục Hàng hải kiến nghị giữ lại và tái cơ cấu tám doanh nghiệp mũi nhọn là Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, công nghiệp tàu thuỷ Sài Gòn và công nghiệp hàng hải Sài Gòn. Rà soát, phân loại đánh giá để bán, giải thể, phá sản các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn dành quỹ đất để phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ khi có điều kiện thuận lợi.

Báo Giao Thông Vận Tải dẫn lời lãnh đạo Vinashin tại cuộc họp với bộ trưởng bộ Giao thông vận tải ngày 13.9 cho hay: Tính đến 31.7.2013, tổng số lao động của Vinashin là 26.242 người. Trong đó có khoảng hơn 8.000 (chiếm 30%) người không có việc làm, lao động không có việc làm hàng tháng vẫn có chiều hướng tăng. Giải quyết vấn đề này, Vinashin đã xây dựng phương án tái cơ cấu lao động, giữ lại khoảng 8.000 người, cắt giảm và giải quyết chế độ cho gần 14.000 người theo hai giai đoạn (cắt giảm ngay 8.000 người không có việc làm sau đó tiếp tục cắt giảm cùng quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp).

Cuộc họp nói trên đã tập trung vào năm vấn đề lớn là tình hình thực hiện tái cơ cấu nợ; tái cơ cấu lao động; tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp và tổ chức sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu tổ chức doanh nghiệp; và tình hình sản xuất kinh doanh tám tháng đầu năm 2013, dự kiến kế hoạch năm 2014. Theo báo này, dự kiến, cuối tháng 9.2013 sẽ thành lập tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, làm cơ sở xây dựng lại một ngành đóng tàu phát triển bền vững.

Trang web của bộ Giao thông vận tải ngày 16.9 dẫn lời thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, đến nay, tập đoàn này đã thực hiện tái cơ cấu được 43 doanh nghiệp (bao gồm: rút vốn 14 đơn vị; giải thể 14 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp, bán tài sản 12 đơn vị; bàn giao, chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn ba đơn vị).

Chí Hiếu

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Ứng xử với nợ khó đòi cách nào? (18/09/2013)

>   Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trên 130 triệu USD (18/09/2013)

>   Tăng trưởng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào quản lý nợ (18/09/2013)

>   ODA từ Nhật giúp TP.HCM thực hiện các dự án lớn (18/09/2013)

>   Kiến nghị giảm thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu  thủy sản (18/09/2013)

>   Đề nghị kiểm toán việc sử dụng tiền lãi từ dầu khí (18/09/2013)

>   Thế “thua” được báo trước (18/09/2013)

>   Cải cách DNNN và những “lỗ thủng” (18/09/2013)

>   Bộ trưởng Nguyễn Quân: Còn lâu Việt Nam mới có Samsung, Hyundai (18/09/2013)

>   Vòi tiền, kiểm toán viên sẽ bị phạt 20 triệu đồng (18/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật