Bộ trưởng Nguyễn Quân: Còn lâu Việt Nam mới có Samsung, Hyundai
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân nói còn rất lâu Việt Nam mới có những tập đoàn không phải của nhà nước như Samsung, Hyundai.
Bộ trưởng Nguyễn Quân
|
Tiếp tục cuộc trò chuyện với VTC News, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói về kế hoạch thành lập viện khoa học công nghệ theo mô hình Hàn Quốc nhằm tạo sự gắn kết sâu sắc giữa nhà khoa học và nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông cũng chia sẻ suy nghĩ của mình trước câu hỏi, bao giờ Việt Nam có được những đại tập đoàn tầm cỡ thế giới của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, Deawoo...
Không thể sống mãi trong “tháp ngà”
- Hiện nay chúng ta có Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, được xem là xương sống phát triển khoa học công nghệ. Có thể chúng tôi chưa nắm được thông đầy đủ tin nhưng phải nói sản phẩm của Viện chưa đáp ứng được như mong đợi. Tôi ví dụ như viện đi sản xuất máy lọc nước biển, trong khi đó các công ty tư nhân đã có thể làm được điều đó. Có vẻ như những sản phẩm đó chưa xứng tầm với vị thế của Viện. Bộ trưởng có cái suy nghĩ gì về vấn đề này?
Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam là viện nghiên cứu khoa học lớn nhất của chúng ta với hơn 30 viện thành viên thuộc mọi lĩnh vực về công nghệ cũng như nghiên cứu cơ bản.
Ví dụ mà anh vừa nói trên thực tế có phần đúng là như vậy. Thế nhưng tôi cũng có thế nói thêm về những thành tựu quan trọng của viện, mà thông tin chưa đến được đầy đủ với xã hội.
Trong giai đoạn vừa qua Viện đạt được những kết quả rất lớn, đặc biệt là những viện nghiên cứu đầu ngành của chúng ta, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, và ở đấy có những dự án trọng điểm quốc gia, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia...
Viện đã làm chủ công nghệ trạm mặt đất điều khiển vệ tinh, đang xây dựng trung tâm vũ trụ quốc gia, tạo ra được nhiều vật liệu mới, giải mã gene, nghiên cứu vắc xin, phần mềm mô phỏng nhận biết tiếng nói, chế tạo máy bay không người lái, kính hiển vi điện tử quét đầu dò, chế phẩm sinh học và dược phẩm…
Tóm lại, Viện có rất nhiều sản phẩm có giá trị những chưa được giới thiệu rộng rãi với xã hội.
Những sản phẩm chưa xứng tầm như bạn nói cũng có, nó xuất phát từ thực tế việc hiện nay giới khoa học không có chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Trong hệ thống công chức, viên chức hiện nay, giới khoa học là giới duy nhất không có chế độ phụ cấp nào ngoài lương cơ bản, trong khi rất nhiều đối tượng khác đã có chế độ phụ cấp như giáo viên, bác sỹ, thanh tra, kiểm toán… Có những ngành phụ cấp còn nhiều hơn lương.
Chính vì thế với cơ chế thị trường, rất nhiều viện nghiên cứu đã ‘bung ra’ để có thêm nguồn thu, nâng cao thu nhập cho người làm khoa học, với mục đích giữ được người giỏi gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu.
Nếu các cơ quan nghiên cứu của chúng ta chỉ có lương cơ bản thì chắc chắn những người giỏi không ở lại.
Có khi các nhà khoa học phải đi làm những chế phẩm sinh học cho sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, máy lọc nước, thậm chí sản xuất mì ăn liền, nước ozone để khử trùng, sản xuất những sản phẩm rất thông thường.
|
Vì vậy các viện ngoài làm những công trình nghiên cứu có giá trị, có trình độ cao thì vẫn phải song hành làm những việc “bình thường” đáp ứng cho xã hội để có nguồn thu tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và nuôi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Thế nên có khi các nhà khoa học phải đi làm những chế phẩm sinh học cho sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, máy lọc nước, thậm chí sản xuất mì ăn liền, nước ozone để khử trùng, sản xuất những sản phẩm rất thông thường.
Xã hội cũng nên chia sẻ với các nhà khoa học, nếu không có hoạt động “bình thường”, thậm chí “tầm thường” đó các nhà khoa học khó có thể trụ lại với nghề trong nền kinh tế thị trường, và trong chừng mực nào đó, chúng ta phải chấp nhận.
Mô hình Hàn Quốc
- Ông đang rất trăn trở với ý tưởng thành lập Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) theo mô hình viện nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc (KIST)?
Tôi sang Hàn Quốc lần đầu tiên năm 2001, từ đó đến nay tôi đã có một số lần làm việc với các nhà khoa học Hàn Quốc, và tôi rất ấn tượng với Viện khoa học và công nghệ Hàn Quốc, chúng ta thường gọi là viện KIST.
Viện này có tôn chỉ là “nghiên cứu theo hợp đồng”, hay nói cách khác là không dựa vào kinh phí ngân sách nhà nước mà chủ yếu dựa vào doanh nghiệp. Viện chỉ nghiên cứu những vấn đề của doanh nghiệp, giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp và được hưởng lợi từ doanh nghiệp.
Vì thế viện này có tốc độ phát triển rất tốt và nghiên cứu ra nhiều sản phẩm có giá trị. Người Hàn Quốc nói với tôi rằng viện KIST của họ đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng của công nghiệp Hàn Quốc.
Không biết độ chính xác đến đâu, nhưng ai cũng phải công nhận nó đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của các tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc theo đơn đặt hàng nghiên cứu của họ.
Viện KIST là viện nghiên cứu điển hình theo mô hình thị trường, trong khi các viện nghiên cứu của chúng ta đã có rất nhiều năm sống trong chế độ bao cấp, hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước.
Rất nhiều viện nghiên cứu không dám bước chân ra thị trường, không biết cách và không dám đi cùng doanh nghiệp. Đây là vấn đề tôi cho rằng là then chốt trong việc giải tỏa vướng mắc, huy động được trí tuệ của giới khoa học phục vụ cho sản xuất và kinh doanh.
Từ những ưu điểm trên của Viện KIST, tôi mong mỏi có một viện nghiên cứu theo mô hình đó, để làm hình mẫu cho sự thành công.
Nếu viện V-KIST thành công, tôi hy vọng nền khoa học và công nghệ của chúng ta cũng sẽ thành công, và các viện nghiên cứu khác cũng sẽ đi theo con đường của viện V-KIST, tức là nghiên cứu gắn với thị trường, với doanh nghiệp.
Trên tinh thần như vậy, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hàn Quốc đầu năm 2012, tôi đã báo cáo đề xuất đưa vào chương trình hội đàm của Thủ tướng Việt Nam với Tổng thống Hàn Quốc, và rất mừng là được phía Hàn Quốc rất ủng hộ.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã chỉ đạo Bộ khoa học công nghệ Hàn Quốc kết hợp cùng Bộ khoa học và công nghệ Việt Nam xây dựng một đề án thí điểm viện nghiên cứu theo mô hình viện KIST ở Việt Nam.
Vừa rồi cơ quan hỗ trợ phát triển của Hàn Quốc (KOIKA) cũng đã thông báo phía Hàn Quốc sẽ viện trợ không hoàn lại ODA 35 triệu USD cho dự án này.
Phía Việt Nam cũng có vốn đối ứng là 35 triệu USD, chủ yếu chúng ta đóng góp quyền sử dụng đất, hạ tầng cũng như nguồn chi thường xuyên hỗ trợ cho viện này trong giai đoạn ban đầu.
- Thế viện này có gì khác so với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, thưa ông?
Viện này chỉ có quy mô như một viện thành viên của Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Và điểm khác biệt cơ bản là nó áp dụng mô hình “nghiên cứu theo hợp đồng” và đơn đặt hàng của nhà nước, có cơ chế tài chính đặc thù và có cơ chế tự chủ cao.
Chúng tôi cũng có đề nghị Chính phủ tạo cơ chế đặc biệt cho Viện này, một số đại biểu Quốc hội đã ủng hộ chúng tôi trình ban hành một Nghị quyết riêng của Ủy ban thường vụ Quốc hội như một luật đặc thù để tạo cơ chế đặc biệt về tài chính và đầu tư cho viện, để không bị ràng buộc bởi những cơ chế cũ.
Chúng tôi muốn chứng minh với cộng đồng khoa học Việt Nam, nếu có được chính sách ưu đãi như vậy, với mô hình như vậy thì sẽ thành công.
Chúng tôi cũng muốn một số nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trở về làm trụ cột cho hoạt động nghiên cứu ở đây, cùng với các nhà khoa học xuất sắc trong nước.
Bộ cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ sẽ là người đỡ đầu với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo Đề án V-KIST, các viện khoa học công nghệ trong nước sẽ cử cán bộ khoa học giỏi tham gia kiêm nhiệm hoặc có thể biệt phái quản lý Viện V-KIST.
- Khi nào Viện V-KIST sẽ bắt đầu hoạt động, thưa ông?
Trong chương trình thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, hai nước đã ký hiệp định cấp chính phủ về việc xây dựng viện V– KIST tại Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng năm 2014, nguồn vốn ODA của Hàn Quốc được thông qua, viện sẽ bắt đầu được xây dựng, chúng tôi đã bố trí 13 ha trên Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm diện tích cho viện rồi.
Và tới hết 2015 khi toàn bộ hạ tầng được hoàn thành, nếu không có gì thay đổi năm 2018 Viện sẽ đi vào hoạt động.
- Vậy các doanh nghiệp sẽ đặt hàng như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Đối tượng hướng tới trước mắt của viện V-KIST là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, còn doanh nghiệp tư nhân, kể cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là những doanh nghiệp sản xuất thực sự.
Viện sẽ hoạt động kinh doanh theo cơ chế chào hàng, giới thiệu những lĩnh vực mà viện có kinh nghiệm, có đội ngũ nghiên cứu mạnh. Doanh nghiệp sẽ đến đặt hàng, thông qua hợp đồng, viện sẽ nghiên cứu, bàn giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thanh toán kinh phí cho viện.
Nếu nói những tập đoàn không phải của nhà nước thì có lẽ còn rất lâu Việt Nam mới có được các tập đoàn tư nhân lớn mạnh như vậy (Samsung, Hyundai...)
|
Cơ chế này không có gì đặc biệt, vấn đề là viện sẽ tiếp thị đến doanh nghiệp như thế nào, tạo lòng tin cho doanh nghiệp thế nào và viện sẽ có đội ngũ như thế nào.
Samsung, Deawoo, Hyundai... của Việt Nam - bao giờ?
- Nhìn vào Hàn Quốc, theo kỳ vọng của Bộ trưởng, khi nào Việt Nam sẽ có những tập đoàn lớn như Samsung, LG, Deawoo, Hyundai, Kia…?
Nếu nói những tập đoàn không phải của nhà nước thì có lẽ còn rất lâu Việt Nam mới có được các tập đoàn tư nhân lớn mạnh như vậy.
Hàn Quốc đã có tới 60 năm xây dựng đất nước kể từ khi kết thúc chiến tranh. Hơn nữa các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều là của tư nhân.
Hiện chúng ta cũng đã có một số tập đoàn công nghiệp lớn của nhà nước như Tập đoàn dầu khí quốc gia, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel…
Tất nhiên chưa so sánh được với Samsung hay Hyundai, nhưng đầu tư vào sản xuất công nghiệp là cả một vấn đề, thực sự chưa có doanh nghiệp tư nhân đủ tiềm lực để đầu tư.
Ngay cả những mặt hàng công nghiệp thông thường chúng ta cũng chưa thể trông đợi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Ví dụ sản xuất xe máy, chỉ có doanh nghiệp lắp ráp, không có doanh nghiệp sản xuất, mà chúng ta vẫn phải nhập khẩu gần như toàn bộ phụ tùng lắp ráp. Chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất.
Tuy rất khó để có được những tập đoàn Samsung hay Hyundai, nhưng cái gì cũng phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Nếu chúng ta làm thành công một động cơ xe máy thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc làm một cái ô tô.
Nhưng ô tô Việt Nam sản xuất có đủ sức cạnh tranh trên thương trường hay không lại là chuyện khác.
Sáu sản phẩm chính trong danh mục sản phẩm quốc gia gồm: 1. Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; 2. Thiết bị siêu trường, siêu trọng; 3. sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; 4. Động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải; 5. Sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người và vật nuôi; 6. Sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng.
|
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng công bố 3 sản phẩm dự bị là cá da trơn Việt Nam chất lượng cao; nấm ăn và nấm dược liệu; vi mạch điện tử.
Nhiều quốc gia đầu tư rất lớn, như Ấn Độ chẳng hạn, nhưng họ cũng chỉ dùng nội địa chứ chưa cạnh tranh được với thế giới. Nên chúng ta phải chọn ngành đầu tư, để tránh đầu tư mà không cạnh tranh được.
- Vậy theo Bộ trưởng chúng ta sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể nào?
Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên tập trung vào máy nông nghiệp, vì về lâu dài chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp. Mà máy nông nghiệp của chúng ta đang thiếu thốn, kể cả máy canh tác lẫn máy chế biến.
Hiện nay chúng ta đã làm được một số máy nhưng không thương mại hóa trên quy mô lớn được.
Quy mô sản xuất nông nghiệp hiện còn manh mún, chúng ta chưa có doanh nghiệp nông nghiệp, nên đưa máy móc vào còn là rào cản. Nhưng về lâu dài khi chúng ta sản xuất lớn, thì máy nông nghiệp vô cùng cần thiết.
- Nhưng hiện nay máy nông nghiệp có thể nhập từ Trung Quốc với giả rẻ, vậy thì thay vì nghiên cứu trong nhiều năm, ta có thể nhập khẩu với giá rẻ để tập trung vào cái gì đó có thể đi trước cả thế giới, để được biết đến?
Thực ra đó là bài toán phải đối mặt với nhiều thách thức. Với một quốc gia mà GDP chỉ có 150 tỷ USD, chi ngân sách khoảng 50 tỷ USD, khoa học công nghệ được 1 tỷ USD thì rất khó có thể đầu tư để làm những vấn đề mang tầm quốc tế.
Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng làm được điều đó, ngay cả những nước lớn cũng cần quá trình lâu dài. Hàn Quốc cũng phải sau thập kỷ 1990 mới được biết đến, Trung Quốc là một vài năm gần đây.
Tất nhiên chúng ta có thể nhập khẩu, nhưng nếu nhập khẩu sẽ hoàn toàn phụ thuộc, còn tự sản xuất chúng ta ổn định hơn và dần dần có thể cạnh tranh được. Không phải máy nông nghiệp nào cũng chạy được trên đồng ruộng Việt Nam.
Thực tế ở đồng bằng sông Cửu long đã chứng tỏ máy gặt đập của Việt Nam được ưa chuộng hơn máy Trung Quốc, và máy chế biến gạo của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, kể cả châu Âu và châu Mỹ.
Chưa kể có những loại máy chỉ có Việt Nam có như máy thu hoạch và chế biến cà phê, cao su, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Hải Hà - Việt Tú thực hiện
vtc
|