Bức tranh BĐS quý 2/2013: Doanh nghiệp lỗ tăng gấp đôi
20 trong số 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn công bố BCTC quý 2/2013 có kết quả kinh doanh bị lỗ, chiếm tỷ lệ 33% và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp lớn… lỗ lớn
Trong top 10 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lỗ nhiều nhất xuất hiện những tên tuổi lớn. Đáng chú ý như trường hợp của Nhà Khang Điền (HOSE: KDH). Doanh thu thuần trong kỳ của KDH âm hơn 51 tỷ đồng do hàng bán bất động sản bị trả lại giá trị hơn 68 tỷ đồng. Điều này làm cho KDH phải ghi nhận mức lỗ 63.30 tỷ đồng trong quý 2/2013.
Đây cũng là quý lỗ lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp này chính thức lên sàn. Tính đến 30/06, tồn kho của KDH tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm khi đạt ở mức 1,659 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lỗ nhiều thứ hai trên sàn là Sacomreal (HNX: SCR) với mức lỗ hợp nhất quý 2 hơn 56 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân lỗ đến từ những khó khăn của thị trường bất động sản. Cụ thể thị trường BĐS trầm lắng làm giảm doanh thu đáng kể, chủ yếu là giảm doanh thu môi giới.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2012, SCR ghi nhận doanh thu hợp nhất tại 395 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với nửa đầu năm trước. Nhưng giá vốn tăng cùng với các chi phí phát sinh đã làm SCR lỗ ròng 54.97 tỷ đồng trong giai đoạn này, trong khi cùng kỳ lãi gần 97 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho tính đến 30/06 vay và nợ ngắn hạn ở mức hơn 2,058 tỷ đồng, tăng hơn 1,200 tỷ đồng so với đầu năm.
Top 10 doanh nghiệp lỗ nhiều quý 2/2013:
Đáng chú ý là trong số các doanh nghiệp lỗ quý 2/2013 có sự đóng góp khá nhiều doanh nghiệp có gắn tên “dầu khí”. Cụ thể phải kể đến như PFL, PTL, PXl, PXA, PVL hay PVR. Trong đó, PFT và PTL đứng thứ ba và thứ tư trong top 10 doanh nghiệp lỗ nhiều nhất quý 2 với mức lỗ lần lượt hơn 50 tỷ đồng (quý lỗ thứ 5 liên tiếp) và gần 45 tỷ đồng.
Chính thức niêm yết trên sàn trong năm nay nhưng Nam Long (HOSE: NLG) để lại nhiều nghi vấn trong giới đầu tư khi tiếp tục báo lỗ hơn 28 tỷ đồng trong quý 2/2013, tăng lỗ thêm 10 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Được biết, tại quý 1/2013, NLG cũng lỗ gần 34 tỷ đồng và được giải thích là do độ trễ của chuẩn mực kế toán về việc ghi nhận doanh thu. Tính đến 30/06, tỷ số nợ/tài sản của NLG ở mức khá cao tại 53%.
Quý 2/2013 còn chứng kiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nữa như KBC, NVN, LGL, ITC, PVR… Và hàng loạt doanh nghiệp lớn sụt giảm lợi nhuận như SJS, BCI, KAC, VPH, TDH, NBB…
Một trường hợp giảm lãi mạnh, từ hơn 100 tỷ xuống còn chỉ còn vài tỷ là Đầu Tư Xây Dựng Bình Chánh (HOSE: BCI). The đó, hợp nhất quý 2/2013, công ty lãi ròng vỏn vẹn 3.5 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính chung toàn thị trường, có 16 doanh nghiệp giảm lợi nhuận quý 2/2013, tương ứng với 27% tổng số doanh nghiệp bất động sản niêm yết.
Top 10 doanh nghiệp lãi quý 2/2013 giảm nhiều nhất so với cùng kỳ:
VIC chiếm 86% lãi toàn ngành
Có 19 doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lợi nhuận quý 2/2013 tăng trưởng so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ 31%. Dẫn đầu mức tăng trưởng chính là Tân Tạo (HOSE: ITA). Lãi ròng hợp nhất đạt 8.3 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so còn số 810 triệu đồng ở quý 2 năm trước nhưng không mấy ấn tượng bởi ITA đã có một kết quả kinh doanh thấp trong quý 2/2012.
Tiếp đến là Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) với lãi ròng gần 3,800 tỷ và là doanh nghiệp BĐS duy nhất trên sàn có lãi trong trên nghìn tỷ đồng trong quý 2/2013, hoàn toàn lấn át các doanh nghiệp BĐS khác trên sàn.
Trong khi tổng lợi nhuận mà 39 doanh nghiệp BĐS trên sàn báo lãi đạt ở mức hơn 4,398 tỷ đồng, thì lợi nhuận của VIC đã chiếm 86% khi đạt 3,772 tỷ đồng. Kết quả này đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước, đứng đầu toàn ngành BĐS về tăng trưởng giá trị tuyết đối.
Toàn cảnh lợi nhuận ngành BĐS quý 2/2013 (Đvt: Tỷ đồng):
Nguyên nhân để VIC có mức lãi hợp nhất quý 2 cao như vậy chủ yếu là nhờ thu nhập từ thanh lý các công ty con và liên kết mang về 4,980 tỷ đồng. Tính đến 30/06, lượng tiền mặt VIC đạt 2,387 tỷ đồng, tăng hơn 2,000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ và vay nợ ngắn hạn đến 30/06 cũng đã giảm hơn 1,000 tỷ đồng so với đầu năm khi ở mức 2,024 tỷ đồng. Kể từ cuối năm 2011 đến nay, VIC đã đưa vào hoạt động nhiều dự án lớn như: Vincom Center Long Biên (tại Vincom Village), Bệnh viện Đa khoa quốc tế VINMEC, TTTM Vincom Center A tại TP Hồ Chí Minh và mới đây ngày 26/7/2013 là Vincom Mega Mall Royal City, theo dự kiến tháng 12/2013 dự án Time City cũng sẽ hoàn thành.
Là doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc cho thuê BĐS (cho người nước ngoài thuê), Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) có kết quả lãi ròng quý 2/2013 gần 7 tỷ đồng, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ và trở thành doanh nghiệp BĐS đứng thứ ba về tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, HAR đạt lãi ròng gần 10 tỷ đồng, tương ứng mới chỉ 16% kế hoạch năm.
Top 10 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng nhiều nhất trong quý 2/2013:
Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) không có có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao như NDN, CLG, DXG, FLC, SDH, D11. Nhưng về giá trị tuyệt đối, lãi ròng quý 2 của HAG cũng xếp vào hạng nhì (chỉ sau VIC) khi đạt gần 283 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Song một điều đáng chú ý là quy mô hoạt động trong lĩnh vực BĐS của HAG đã và đang bị thu hẹp đáng kể từ đầu năm khi công ty đang chủ động đẩy mạnh vào lĩnh vực cao su và mía đường. Điều này thể hiện qua cơ cấu doanh thu của công ty trong quý 2/2013. Cụ thể, doanh thu hợp nhất trong quý 2/2013 của HAG đạt hơn 692 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 2/2012. Trong đó, doanh thu từ bán đường chiếm tỷ trọng lớn nhất (44% tổng doanh thu) khi đạt gần 304 tỷ đồng; doanh thu từ bán điện đạt hơn 73 tỷ đồng, tăng hơn 30 tỷ so với cùng kỳ; doanh thu bán căn hộ tăng hơn 26 tỷ đồng, đạt tại 55 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng 10% và tồn kho 20%
Tổng nợ phải trả của 59 doanh nghiệp BĐS trên sàn tính đến 30/06 đạt ở con số 122,879 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nợ ngắn hạn chiếm 70,815 tỷ đồng và nợ dài hạn 52,064 tỷ đồng.
Tăng nhiều nhất chính là KDH, tổng nợ phải trả của công ty tính đến 30/06 đạt hơn 1,137 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là tăng ở nợ vay dài hạn (660 tỷ đồng) và khoản người mua trả tiền trước (122 tỷ đồng).
5 doanh nghiệp có nợ phải trả tăng nhiều nhất so với cùng kỳ:
Đối với giá trị hàng tồn kho, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS đã đã có sự gia tăng liên tục qua các năm. Tại thời điểm 30/06/2013, hàng tồn kho tăng 20% so với cùng kỳ, lên đến 78,357 tỷ đồng; và so với đầu năm thì tăng hơn 4.4%. Giải quyết hàng tồn kho vẫn là vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp BĐS.
Tồn kho toàn thị trường BĐS niêm yết từ quý 1/2011 đến nay (Đvt: Nghìn tỷ đồng):
Về giá trị tương đối, OCH có mức tăng tồn kho tăng cao nhất so với cùng kỳ, tương ứng tăng hơn 20 lần, ghi nhận hơn 252 tỷ đồng.
5 doanh nghiệp có tồn kho tăng nhiều nhất so với cùng kỳ:
Qua kết quả kinh quý 2/2013, bức tranh về thị trường BĐS vẫn hết sức ảm đạm, Khó khăn chung của thị trường thể hiện qua số doanh nghiệp lỗ tăng gấp đôi và hàng loạt doanh nghiệp giảm lãi, xu hướng tồn kho và nợ vẫn gia tăng. Ngay cả các ý kiến của chuyên gia và người trong cuộc như TS Alan Phan, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Nguyễn Văn Đực đều cùng phải thừa nhận rằng thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí giai đoạn này chỉ mới bắt đầu đổ vỡ.
Sanh Tín
Infonet
|