Bắt tạm giam 4 lãnh đạo quản lý thị trường Hải Dương
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Hải Dương liên quan đến vụ bán đấu giá 85 xe máy phân khối lớn.
Đồng thời, cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam bảy bị can về tội danh trên, trong đó có bốn người là lãnh đạo các đội thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương gồm Trần Quốc Huy (49 tuổi, nguyên đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3), Phạm Đình Quang (40 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 3), Ngô Văn Tới (50 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 2), Phạm Đăng Duyên (33 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 5).
Các bị can còn lại gồm Nguyễn Văn Thắng (44 tuổi, nguyên đội trưởng Đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Chi cục Thuế huyện Ninh Giang), Bùi Mạnh Hùng (39 tuổi, nguyên phó Phòng tài chính - kế hoạch, nguyên trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Ninh Giang), Huỳnh Văn Xuân (43 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Công Sài Gòn).
Cơ quan điều tra tình nghi các bị can này có hành vi cố ý làm trái khi tịch thu 85 môtô phân khối lớn do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, có giá trị cao. Sau đó các bị can thông đồng, lập hồ sơ bán đấu giá cho Xuân với giá trị thấp hơn giá trị thực của xe. Khi công ty của Xuân bán số xe trên ra thị trường đã thu lời nhiều tỉ đồng. Đáng chú ý, cơ quan điều tra tình nghi số xe thu giữ được là không có thật vì khi các bị can lập hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng làm thủ tục đấu giá thì không có tài sản đi kèm.
Cụ thể, cơ quan điều tra xác định từ tháng 7-2007 đến tháng 4-2008, theo hồ sơ của Đội quản lý thị trường số 3, đội này đã lập hồ sơ bắt giữ và xử lý 34 vụ việc, tịch thu 85 môtô phân khối lớn không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Đội quản lý thị trường số 3 đã tự ý xử lý phạt tiền và tịch thu 85 chiếc xe này mà không báo cáo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương. Hồ sơ của Đội quản lý thị trường số 3 thể hiện những môtô phân khối lớn này đều là xe cũ nát, không giấy tờ, không đủ các bộ phận do nước ngoài sản xuất. Đội này cũng định giá những chiếc xe khoảng 5 triệu đồng/chiếc và ra quyết định tịch thu.
Để giải quyết số xe trên, Đội quản lý thị trường số 3 bàn giao cho Phòng tài chính - kế hoạch huyện Ninh Giang làm thủ tục đấu giá tài sản. Trên thực tế, Đội quản lý thị trường số 3 chỉ chuyển hồ sơ giấy tờ sang chứ không có tài sản cần định giá và đấu giá. Hồ sơ đấu giá sau đó được hoàn thiện, bán cho người có tên trong hồ sơ là ông Huỳnh Văn Xuân.
Cơ quan điều tra đã xác minh những người có tên trong hồ sơ là chủ của những môtô phân khối lớn bị tịch thu và làm rõ những người này đều không liên quan đến việc bị bắt giữ xe. Cơ quan công an cũng làm rõ 83/85 chiếc xe này được đăng ký lưu hành tại TP.HCM. Những chiếc xe này được Xuân bán với giá 10-12 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, mới chỉ làm việc với chủ sở hữu 11 chiếc xe, cơ quan công an xác định họ phải chi gần 112.000 USD và 574 triệu đồng để mua xe.
Như vậy, cơ quan điều tra xác định việc tự ý tịch thu, định giá và đấu giá số xe thu giữ được của các bị can, lập khống hồ sơ hợp thức hóa từ xe đắt tiền thành xe cũ nát, giá trị thấp là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho Nhà nước trong việc đấu giá. Cơ quan điều tra cũng không loại trừ việc các bị can tại Đội quản lý thị trường số 3 lập hồ sơ khống chứ không thu giữ được phương tiện trên thực tế. Từ những bộ hồ sơ khống này, các bị can sẽ sử dụng cho việc hợp thức hóa cho những chiếc môtô phân khối lớn có giá trị hàng trăm triệu đồng.
báo thanh tra
|