Thứ Bảy, 14/09/2013 09:56

Dịch vụ y tế: Tăng tiền, chưa tăng chất

Cho tới thời điểm này, cả nước có 62/63 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chỉ còn TPHCM chưa tăng viện phí. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm tăng viện phí, chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa được cải thiện. Người bệnh khi đến những bệnh viện (BV) lớn vẫn phải chịu cảnh chen chúc, xếp hàng chờ đợi hàng giờ để chỉ được khám bệnh có vài phút. Không chỉ vậy, người bệnh còn phải gánh chịu nhiều chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp tràn lan…

Gian nan... đi viện

Chiều cuối tuần, Khoa Khám bệnh BV Nhi Trung ương vẫn đông bệnh nhân chẳng kém gì ngày thường. Trước phòng khám hô hấp, hàng chục ông bố, bà mẹ và trẻ nhỏ, kẻ đứng - người ngồi rất lộn xộn để chờ tới lượt khám. Tiếng ho, tiếng khóc của trẻ khiến không gian trở nên ồn ào, ngột ngạt. Ôm đứa trẻ chừng 3 tuổi đang khóc ngặt nghẽo, chị Hương (ngụ khu chung cư Trung Hòa, Hà Nội) mệt mỏi nói: “Viện phí đã thay đổi nhưng chất lượng dịch vụ y tế cũng chẳng nâng cao chút nào. Tôi đưa cháu tới viện từ lúc đầu giờ chiều chờ hơn 2 giờ rồi vẫn chưa được khám. BV đông như hội, chẳng còn đủ ghế ngồi chờ, cứ thay nhau người ngồi, kẻ đứng...”. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều bác sĩ ở BV Nhi Trung ương cho biết, dù giá một số dịch vụ y tế đã tăng nhưng bệnh viện vẫn chưa thoát khỏi cảnh quá tải. Do chất lượng hoạt động của BV nhi hay chuyên khoa nhi ở các địa phương vẫn còn hạn chế nên người bệnh vẫn vượt tuyến, đổ dồn lên BV Trung ương.

Dù viện phí đã tăng, người bệnh vẫn phải chen chúc chờ đợi khám chữa bệnh.

Trong khi đó tại, khu khám BV Bạch Mai, mặc dù sau khi điều chỉnh viện phí, BV đã được mở rộng, đầu tư thêm cơ sở vật chất, ghế ngồi chờ nhưng nhiều lúc người bệnh vẫn phải xếp hàng dài dằng dặc, chờ đợi hàng giờ để làm thủ tục. Bác Tuấn (ngụ ở Kim Bảng, Hà Nam) cho biết, trước đây mỗi lần tới BV Bạch Mai khám bệnh phải mất 6 - 7 giờ mới xong, bây giờ thời gian chờ đợi khám bệnh, xét nghiệm dù đã nhanh hơn nhưng cũng phải mất khoảng hơn 3 giờ.

Đây là thực trạng đang diễn ra tại nhiều BV đa khoa lớn và BV chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, sản, nhi… ở Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác. Thực tế cho thấy, khoảng 1 năm qua, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã điều chỉnh giá viện phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa cải thiện là bao.

Thêm nhiều gánh nặng

Tại nhiều BV, người dân đến khám chữa bệnh ngoại trú vẫn chịu cảnh chen chúc, xếp hàng chờ đợi hàng giờ mới được khám bệnh vài phút. Bệnh nhân nội trú vẫn chịu tình trạng 2 - 3 người/giường bệnh, thậm chí phải nằm ra cả hành lang hoặc dưới nền nhà. Không chỉ vậy, người bệnh còn phải đóng tiền viện phí nhiều hơn cho những chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu tràn lan. Kết quả kiểm tra mới đây của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) về chi phí khám chữa bệnh sau khi tăng viện phí tại 7 tỉnh (Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Kon Tum) cho thấy xu hướng gia tăng chỉ định các xét nghiệm, chụp chiếu diễn ra khá phổ biến. Như tại Thái Bình, chi phí do áp dụng mức giá viện phí mới trong quý 1-2013 tăng 29% và chi phí của xét nghiệm cận lâm sàng tăng đến 81%. Tại BV Đa khoa Quảng Nam, trong quý 1 và 2 năm 2012, có trung bình 8,2 chỉ định xét nghiệm/đợt điều trị nội trú, nhưng đến quý 4 (quý đầu tiên sau khi tăng giá viện phí), con số này nhảy vọt lên mức 22,1. Tại Đồng Nai, so với bệnh nhân không có BHYT, số lần siêu âm của bệnh nhân BHYT cao gấp 4,31 lần, chụp CT cao gấp 2 lần và chụp MRI cao gấp 13,5 lần!

Theo nhận định của cơ quan BHYT, việc gia tăng chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp nếu không thực sự cần thiết vừa khiến quỹ BHYT thiệt hại, vừa khiến người bệnh thiệt thòi vì họ phải đồng chi trả từ 5% - 20% chi phí khám chữa bệnh. Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam thẳng thắn cho biết: Mặc dù giá nhiều dịch vụ y tế đã tăng nhưng tình trạng quá tải bệnh nhân tại khu khám bệnh vẫn khá trầm trọng. Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhất là nhiều BV tuyến huyện, trung bình một bàn khám khám từ 70 - 80 bệnh nhân, có nơi lên tới 150 bệnh nhân/bàn khám/ngày. Không chỉ vậy, qua đánh giá nhanh tại 17 BV trực thuộc Bộ Y tế và 99 BV tuyến tỉnh, sau 3 tháng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đi kèm với tăng viện phí, mới chỉ gần 30% số BV sửa chữa bổ sung, nâng cấp phòng bệnh nội trú, kê thêm giường để hạn chế nằm ghép. Đáng lưu ý qua kiểm tra, BHXH Việt Nam cũng đã phát hiện đi cùng với tăng viện phí là tăng chi phí về thuốc, tăng các chỉ định cận lâm sàng nhưng ngày điều trị trung bình lại hầu như không giảm, thậm chí có nơi còn tăng ngày nằm viện của người bệnh nhằm mục đích tăng nguồn thu vì giá giường bệnh hiện đã được điều chỉnh cao hơn nhiều so với trước đây.

Quốc Lập

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu kín về mức lương tối thiểu (14/09/2013)

>   Phát hiện cơ sở sản xuất cà phê giả (14/09/2013)

>   Phát hiện chất nổ trước Tòa nhà Quốc hội Campuchia (13/09/2013)

>   Lương tối thiểu vùng 2014 chỉ tăng khoảng 17% (13/09/2013)

>   Bắt giam 2 cán bộ Ngân hàng Agribank (13/09/2013)

>   Bỏ trích trực tiếp lệ phí đăng ký và cấp biển số ôtô, xe máy (13/09/2013)

>   Đề xuất với Ban Nội chính 10 “đại án” tham nhũng (12/09/2013)

>   Cách chức các sếp “lương khủng” tại Tp.HCM (12/09/2013)

>   Đang xác minh 9 vụ có dấu hiệu tham nhũng tại Hà Nội (12/09/2013)

>   Ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ thôi chức danh Phó thủ tướng (12/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật