Việt Nam thoát nhóm “đội sổ” vi phạm bản quyền
Cách đây 5 năm, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, lên tới 92%, nhưng hiện giảm xuống còn 81%. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có bước tiến chống vi phạm bản quyền phần mềm mạnh mẽ nhất.
Ông Tarun Sawney, giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của liên minh phần mềm BSA. Một nghiên cứu mới đây của BSA cho rằng, tại Việt Nam, cứ tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu USD giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân, so với mức 37 triệu USD có được từ việc tăng tương tự đối với phần mềm lậu
|
Thông tin trên được ông Tarun Sawney, giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của liên minh phần mềm BSA, đưa ra tại lễ tổng kết 5 năm ký kết biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác bảo vệ bản quyền chương trình máy tính, diễn ra sáng 29/8 tại Hà Nội.
Về kết quả thanh tra vi phạm bản quyền trong 3 năm lại đây, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2011, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 59 doanh nghiệp, kiểm tra 2.299 máy tính và số tiền mua phần mềm có bản quyền của doanh nghiệp là gần 19 tỷ đồng (tương đương 902 nghìn USD).
Năm 2012, là 89 doanh nghiệp, với 3.907 máy tính đã được kiểm tra, số tiền xử phạt lên tới 1,58 tỷ đồng và đặc biệt số tiền mua phần mềm bản quyền của doanh nghiệp lên tới hơn 39 tỷ đồng (gần 1,9 triệu USD).
Và từ đầu năm nay đến tháng 8/2013 là 64 doanh nghiệp, kiểm tra 3.958 máy tính với số tiền xử phạt là gần 1,3 tỷ đồng, số tiền doanh nghiệp mua phần mềm có bản quyền đạt hơn 11 tỷ đồng (tương đương 537 nghìn USD).
Trong số các doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm trên, có cả doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.
Một nghiên cứu mới đây của BSA cho rằng, tại Việt Nam, cứ tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu USD giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân, so với mức 37 triệu USD có được từ việc tăng tương tự đối với phần mềm lậu.
Tại lễ kỷ niệm trên, BSA và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã công bố cổng thông tin Verafirm, hệ thống đăng ký online để các doanh nghiệp có thể tự đăng ký và quản lý tài sản phần mềm của mình.
Công cụ này được xây dựng dựa trên sự hợp tác với các nhà cung cấp phần mềm lớn trên thế giới và các chuyên gia uy tín. Khi gia nhập hệ thống này, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý phần mềm, lưu trữ hồ sơ về những sản phẩm đã mua.
M.Chung
VNECONOMY
|